16/01/2018 10:29 GMT+7

Xin đừng “treo” tính mạng người bệnh!

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TTO - Cục Quản lý dược từ chối cấp phép nhập khẩu thuốc viện trợ, viện trợ nhân đạo... trong khi thuốc ung thư viện trợ trong kho cạn dần rồi hết sạch, hàng ngàn người bệnh lâm nguy...

Xin đừng “treo”  tính mạng người bệnh! - Ảnh 1.

Thuốc trị bệnh ung thư bao giờ cũng đắt đỏ. Với bệnh bạch cầu tủy mạn hoặc u mô đệm dạ dày ruột thì giá thuốc lên tới 400.000-700.000 đồng/viên. Ngay cả khi được bảo hiểm y tế thanh toán 50%, cũng rất ít bệnh nhân có khả năng chi trả tiền thuốc mỗi tháng lên tới hàng chục triệu, thậm chí vài trăm triệu đồng.

Đối với người bệnh, giá trị một viên thuốc quý hơn vàng vì không phải nó đắt tiền, mà vì nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của họ và cả tương lai phía trước của con cái, gia đình.

Cách đây gần một năm, khi kết luận thanh tra một số bệnh viện của Thanh tra TP.HCM được công bố mới lộ ra một sự thật đau lòng: hơn 20.000 viên thuốc trị bệnh ung thư Glivec viện trợ trị giá hàng chục tỉ đồng phải hủy bỏ vì hết hạn sử dụng. 

Nguyên nhân thuốc hết hạn chỉ vì thủ tục nhập khẩu thuốc viện trợ quá nhiêu khê, phải qua nhiều cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt khiến thuốc viện trợ khi đến được bệnh viện thì hạn sử dụng không còn nhiều.

Trong khi bao nhiêu người bệnh ung thư phải sống nhờ vào suất cơm từ thiện mỗi ngày, phải chắt chiu từng đồng tiền công lao động đầy nhọc nhằn, tủi cực cũng không mua nổi một viên thuốc thì việc lãng phí này có thể xem là sự nhẫn tâm, thiếu nhân đạo vì đã tước đi cơ hội điều trị, khát khao sống của hàng ngàn người bệnh.

Chuyện phải hủy hơn 20.000 viên thuốc trị ung thư viện trợ chưa lắng được bao lâu, thì việc hết sạch hai loại thuốc ung thư viện trợ Glivec và Tasigna một lần nữa lại cho thấy quy định quản lý chuyên ngành về y tế còn có điểm chưa phù hợp thực tiễn.

Việc quy định có bất cập, vướng mắc khi thực hiện là điều có thể xảy ra và chấp nhận được trong chừng mực nào đó. Điều quan trọng là khi biết có vướng mắc và đặc biệt là người bệnh lo lắng vì phải bỏ trị thì Bộ Y tế cần có ngay giải pháp khẩn trương để tháo gỡ.

Tại sao từ cuối tháng 7-2017 nhà tài trợ là Công ty Novartis đã kiến nghị Bộ Y tế xem xét và chấp thuận cho các bệnh viện được nộp hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc viện trợ, viện trợ nhân đạo theo điều 77 của nghị định 54/NĐ-CP của Chính phủ, nhưng gần nửa năm trôi qua kiến nghị này vẫn chưa được xem xét?

Khi trả lời nhà tài trợ, phó cục trưởng Cục Quản lý dược Đỗ Văn Đông khẳng định các hoạt động trong chương trình hỗ trợ thuốc Glivec, Tasigna cho người bệnh không phải là hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo. Việc nhập khẩu các thuốc sử dụng cho chương trình này không áp dụng quy định tại điều 77 của nghị định 54. Vậy là tắc.

Trong khi thuốc viện trợ trong kho dược vơi dần thì 7 bệnh viện nằm trong chương trình viện trợ lo lắng tăng dần, đôn đáo hỏi mượn thuốc nhau (theo chỉ đạo của Bộ Y tế) để cấp cho bệnh nhân. Nhưng rồi thuốc cũng hết sạch.

Bao giờ Bộ Y tế cùng nhà tài trợ ngồi lại với nhau để giải quyết vướng mắc, để thuốc viện trợ được cấp phát trở lại? Các bệnh viện không thể trả lời được câu hỏi này cho người bệnh. 

Người bệnh chẳng ai biết làm sao ngoài việc chạy vạy khắp nơi để có đồng nào hay đồng nấy mua thuốc thị trường với giá đắt đỏ để cầm cự, được tới đâu hay tới đó. Người bệnh chỉ xin Bộ Y tế: Đừng "treo" tính mạng người bệnh chúng tôi nữa!

Mỗi ngày Việt Nam có 260 người chết vì ung thư Mỗi ngày Việt Nam có 260 người chết vì ung thư 10 dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh ung thư phổi 10 dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh ung thư phổi Phương pháp đột phá giúp ngăn chặn hiệu quả tế bào ung thư Phương pháp đột phá giúp ngăn chặn hiệu quả tế bào ung thư
LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên