Nhiều nhà sản xuất ô tô đặt mục tiêu chỉ sản xuất xe điện từ năm 2030 - 2035. Nhưng cuộc chuyển đổi này không chỉ đơn giản là thay máy xăng bằng động cơ điện, mà còn cần “thay máu” cả quy trình công nghệ sản xuất, khai thác, cơ sở hạ tầng lẫn hậu bán hàng, trong đó bao hàm cả yếu tố con người.
Hệ truyền động của xe điện có ít linh kiện hơn rất nhiều so với xe chạy động cơ, song sự liên đới giữa các bộ phận lại mạnh mẽ hơn, do xe điện thường được trang bị nhiều công nghệ mới, đặc biệt là cảm biến.
Ngay từ lúc này, nhiều người đã nhận ra rằng nhiều tính năng rất khó trở lại như ban đầu sau khi chiếc xe trải qua một đợt sửa chữa (dù lý do là triệu hồi, va chạm hay chỉ đơn giản là thay thế). Điều này dẫn đến đòi hỏi tay nghề thợ sửa xe điện rất khác với sửa xe động cơ đốt trong thông thường.
CNBC trích dẫn nghiên cứu từ Học viện Công nghiệp ô tô của Anh (IMI) cho biết phần đông thợ kỹ thuật tại Anh không đủ kỹ năng sửa chữa xe điện. Việc đào tạo những tay thợ sửa xe điện giỏi lại không thể thực hiện trong một sớm một chiều.
Theo ước tính của IMI, chỉ khoảng 16% kỹ thuật viên ô tô ở Anh có đủ bằng cấp và kỹ năng để làm việc với xe điện an toàn - một con số cực thấp. Ở nhiều nước khác, tỉ lệ này có thể còn thấp hơn nữa, bởi Anh là một trong những thị trường ô tô lớn nhất châu Âu cũng như là cái nôi của công nghiệp hóa.
Trong khi đó, sự thuận tiện và dễ dàng khi sửa xe là một trong những yếu tố thường được xem xét khi ra quyết định mua xe. Lượng thợ lành nghề ít ỏi dẫn tới chi phí nuôi xe điện (cụ thể hơn là vấn đề bảo dưỡng bảo trì) gia tăng khi cung - cầu cách nhau quá xa. Ngoài ra, người dùng cũng có thể phải đi rất xa mới có thể đến trạm sửa chữa đủ khả năng phục vụ.
IMI khuyến cáo chính phủ các nước nên hỗ trợ chi phí để đào tạo lực lượng lao động lành nghề mới, hoặc tái đào tạo kỹ thuật viên mảng xe xăng hiện tại, để phục vụ xe điện trước khi áp đặt lệnh cấm hoàn toàn xe sử dụng động cơ đốt trong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận