Đây là khoảng thời gian di chuyển "ẩm ương", bởi nếu khách đi tour hai ngày một đêm thì thiếu, nhưng ba ngày hai đêm thì lại thừa. Với tuyến cao tốc mới, hành trình du lịch mẫu đi Phan Thiết sẽ là: xuất phát 7h sáng ở TP.HCM, nghỉ chân ở một trạm trên đường, đến Phan Thiết tầm trưa...
Có lẽ trong những ngày nghỉ lễ, "miền xa hóa gần" là câu chuyện được du khách nhắc đến kèm theo kỳ vọng có thêm nhiều đường cao tốc vươn ra các địa phương thay vì chỉ có hướng Bắc - Nam, rồi các lối vào, đường ra khỏi cao tốc được rộng rãi hơn.
Người kinh doanh cũng khấp khởi mừng, như ông Nguyễn Minh Trí, chủ quản lý Coco Beach Camp, Bình Thuận, nói rằng du lịch Bình Thuận sẽ được đánh thức. Không dừng ở đó, tuyến cao tốc còn mở ra cơ hội kết nối các địa phương trên tuyến đường để có những sản phẩm du lịch liên tuyến đặc sắc hơn.
Trước khi có đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, ngành du lịch ở Phan Thiết phát triển "không tương xứng tiềm năng" do di chuyển khó khăn và mất nhiều thời gian so với đi Vũng Tàu. Khách du lịch cá nhân, gia đình ngại đi xe ra Phan Thiết vì quốc lộ 1 thường xảy ra ùn tắc trong dịp lễ, Tết hoặc mùa du lịch.
Còn dịp lễ năm nay, nhiều khu nghỉ dưỡng của Mũi Né - Phan Thiết kín phòng và người kinh doanh tại đây còn kỳ vọng Phan Thiết có tên trong danh sách nơi nghỉ cuối tuần của người dân TP.HCM thay vì chỉ có Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cứ thế, đường cao tốc vươn ra đến đâu, sẽ có thêm tuyến du lịch mới cho người dân, thêm cơ hội cho người kinh doanh. Và tất nhiên, chẳng địa phương nào, doanh nghiệp nào muốn mình là "ga xép", bị rớt ra khỏi điểm "check in" quen thuộc.
Các cuộc cạnh tranh là điểm đến hấp dẫn sẽ diễn ra. Sự cạnh tranh sẽ đem lại chất lượng phục vụ tốt hơn, giá cả phải chăng hơn. Điều đó có lợi cho tất cả, cho du khách, cho doanh nghiệp và người dân địa phương.
Biết đâu, đường đi thuận lợi, không chỉ du khách nội địa mà cả khách quốc tế cũng có thể chịu ngồi xe du lịch trải nghiệm trên đường cao tốc. Sự chuyển động ấy, tất cả được gói gọn trong mấy chữ tăng trưởng kinh tế, công ăn việc làm, thịnh vượng.
Câu chuyện xây dựng tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cũng cần được xem là "hình mẫu" cho quyết tâm không để tuyến đường chậm tiến độ, lỡ hẹn phục vụ người dân và cần được nhân rộng ra các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nói riêng và đầu tư công nói chung.
Dù gặp nhiều khó khăn trong thi công, nhưng quyết tâm thông xe tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vào dịp 30-4 đã được đưa ra. Khi đó, khá nhiều người hoài nghi về quyết tâm này. Và những vướng mắc tưởng chừng "khó nhằn" nhất là thủ tục khai thác đất đắp đường cũng đã được giải quyết.
Danh sách những dự án cơ sở hạ tầng chậm tiến độ, lỡ hẹn còn dài. Trước mắt là đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, là dự án xây nhà ga T3 và đường kết nối vào sân bay Tân Sơn Nhất, là sân bay quốc tế Long Thành...
Hãy làm nhanh hơn, quyết tâm hơn... để các dự án sớm đi vào hoạt động, để nhận được sự háo hức của người dân được trải nghiệm trên những công trình hạ tầng mới, là sự phấn khích của người làm ăn, là hứa hẹn khấm khá hơn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận