16/10/2014 13:07 GMT+7

​Vượt qua khủng hoảng nhờ thông tin

TRẦN MẠNH - NHẬT HUY
TRẦN MẠNH - NHẬT HUY

TT - Liệu phản ứng của con người trong thảm họa có quy luật hay không và nếu có sẽ giúp cho việc giảm nhẹ thiệt hại đến mức độ nào?

Nhà báo Hirofumi Abe, người đề xuất và thực hiện ý tưởng Disaster big data - Ảnh: Văn Hiệp

Lượng thông tin khổng lồ

Người dân phản ứng như thế nào trong trận động đất mạnh 9 độ Richter, sóng thần và sự cố rò rỉ phóng xạ từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ngày 11-3-2011?

Cái gì đã quyết định số phận của họ và điều gì có thể làm để cứu nhiều hơn sinh mạng con người?

Đó là những câu hỏi mà ông Hirofumi Abe, phóng viên Đài truyền hình NHK (Nhật Bản), băn khoăn. Thảm họa “3 trong 1” đã để lại khối lượng khổng lồ thông tin trên mạng Internet, đặc biệt là mạng xã hội, dữ liệu của các mạng điện thoại, thông tin từ hệ thống giao thông công cộng…

Ở góc độ cá nhân, đây là những thông tin rời rạc phản ánh suy nghĩ, tâm lý và hành động của con người trong thời khắc khó khăn. Nhưng ở góc độ lớn hơn, đó là phản ứng của cả cộng đồng, cả khu vực trước thảm họa.

“Nếu có một bức tranh đủ lớn để mô tả toàn bộ những dữ liệu mà người dân phát ra ngay sau thảm họa, chúng ta sẽ nhận biết dễ hơn những xu hướng vận động của con người, từ đó có cái nhìn thực tế hơn về thảm họa.

Quan trọng hơn, những thông tin do chính người dân tạo ra sẽ là nền tảng cho việc ứng phó với thảm họa trong tương lai. Thông tin chính là chìa khóa để cứu hàng ngàn sinh mạng” - ông Hirofumi Abe nói.

Ông Hirofumi Abe đã thuyết phục ban lãnh đạo đài NHK đầu tư xây dựng Dữ liệu lớn về thảm họa (Disaster big data - DBD) để phân tích diễn biến thảm họa theo thời gian thực.

Dự án - với sự hỗ trợ của các công ty và tổ chức bao gồm đài truyền hình NHK, Google Nhật Bản, Twitter, các hãng điện thoại di động và các viện nghiên cứu - thu thập lượng thông tin khổng lồ liên quan đến thảm họa để lưu trữ và phân tích.

Đó là dữ liệu lấy từ các hệ thống điện thoại di động và quản lý giao thông, 6 tỉ tweet (trên mạng xã hội Twitter) và thông tin từ hơn 700.000 doanh nghiệp trên toàn quốc.

Vén màn bí ẩn của thảm họa

“Bằng cách xử lý thông tin, mô hình hóa chúng, chúng tôi có thể làm sáng tỏ những cảm xúc và phản ứng của người dân ngay sau thảm họa theo thời gian thực cũng như cách mà hơn 18.000 người đã chết và mất tích.

Ngay trong ngày thảm họa (11-3-2011) đã có 180 triệu tweet được đưa lên mạng và chúng có quy luật.

Ban đầu người dân đưa thông tin về động đất xảy ra, hơn một giờ sau nội dung tweet tập trung vào việc tàu điện bị ngưng, tiếp đó là các cảm xúc về sự sợ hãi.

Hai giờ sau động đất, người ta bắt đầu nói nhiều hơn về việc không thể trở về nhà và giải pháp đưa ra là ở khách sạn.

Hơn năm giờ sau, tweet cho biết tàu điện đã hoạt động trở lại nhưng có nhiều người đang đi bộ trở về nhà” - ông Hirofumi Abe nói.

Nhưng phát hiện quan trọng nhất chính là dịch chuyển của con người. Thông thường, người ta vẫn nghĩ khi nghe tin thảm họa, con người có xu hướng rời xa “tâm bão” càng nhanh càng tốt. Nhưng thực tế không phải như vậy.

Thông tin từ hệ thống định vị điện thoại và ôtô thu được trong ngày xảy ra động đất, sóng thần thật sự gây sốc.

Bằng cách đếm có bao nhiêu tín hiệu điện thoại di động trong vùng xảy ra động đất và tại thời điểm khi những con sóng khổng lồ ập đến, DBD đi đến nhận định: rất nhiều người ban đầu di chuyển ra khỏi bờ biển nhưng sau đó quay trở lại bờ biển.

“Ban đầu số lượng các tín hiệu giảm nhưng bắt đầu tăng lên cho thấy người dân di chuyển ra khỏi bờ biển và sau đó những người khác hoặc chính những người vừa di tản đã quay trở lại, có lẽ là để giúp bạn bè và gia đình” - ông Hirofumi Abe lý giải.

Điều này trái với lý luận về sự di tản thông thường. Nhiều người đã quay xe trở lại vùng nguy hiểm với suy nghĩ rằng họ có thể giúp đỡ người khác và rồi họ phải bỏ mạng trong xe do bị ùn tắc giao thông khi nước biển tràn tới.

Theo ông Hirofumi Abe, DBD có thể được sử dụng bởi các nhân viên cứu hộ để cứu người bị mắc kẹt trong tòa nhà bị sập, đường giao thông tắc nghẽn.

Bằng việc mô hình hóa sự dịch chuyển của con người theo thời gian thực, DBD cho phép nhìn thấy những điểm nóng của thảm họa cũng như xu hướng để có phản ứng kịp thời trong cứu hộ.

Đồ họa trong DBD thể hiện mối giao thương giữa các doanh nghiệp trong khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa trước và sau ngày 11-3-2011 - Ảnh: NHK
Đồ họa trong DBD thể hiện mối giao thương giữa các doanh nghiệp trong khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa trước và sau ngày 11-3-2011 - Ảnh: NHK

Không chỉ “xem lại” những gì đã xảy ra một cách thuyết phục, DBD còn mở ra một cơ hội cực kỳ to lớn trong việc giúp phục hồi sau thảm họa và ứng phó với thảm họa trong tương lai.

Từ thông tin của hơn 700.000 doanh nghiệp trên toàn nước Nhật, DBD phân tích ra được 1.337 công ty bị phá sản liên quan đến thảm họa (tính đến thời điểm phát sóng chương trình, tức hai năm rưỡi sau thảm họa).

Cụ thể, DBD cung cấp bức tranh về những khu vực nào sự phục hồi kinh tế còn chậm và do các mối giao thương nào bị cắt đứt. Đây sẽ là những thông tin cần thiết cho doanh nghiệp phục hồi và tồn tại sau thảm họa.

Thời của báo chí dữ liệu

Có tên trong danh sách 75 sản phẩm vào chung khảo của Giải thưởng báo chí dữ liệu toàn cầu 2014, mặc dù không lọt vào danh sách trao giải cuối cùng cho chín sản phẩm danh giá nhất, nhưng DBD của NHK vẫn là ví dụ điển hình của báo chí dữ liệu (data journalism).

Theo Eric Schmidt - chủ tịch Google, nếu như năm 2003 toàn thế giới tạo ra 5 exabyte dữ liệu (5 tỉ gigabyte) thì đến năm 2010, cứ hai ngày thế giới lại tạo ra 5 exabyte dữ liệu. Và ước tính năm nay, cứ 10 phút thế giới lại tạo ra chừng đó dữ liệu.

Dòng chảy khổng lồ đó của thông tin cũng đã “cuốn” nghề báo tới một phương cách làm báo mới, thay vì phải đổ công sức ra để tìm kiếm, thu thập thông tin thì nay công sức, trí tuệ và tài năng của nhà báo thể hiện ở việc xử lý và “đóng gói” thông tin.

Vài thập niên trước đây, khi thế giới bước sang kỷ nguyên thông tin, xã hội thông tin, đã có những cảnh báo về tình trạng “chết đuối thông tin và chết đói tri thức”, ám chỉ con người phải ngụp lặn giữa một “biển” thông tin xô bồ, hỗn tạp và rất khó nhọc để có thể nhận biết được đâu là “đục” đâu là “trong”.

Và báo chí đã lãnh sứ mệnh cao cả: cung cấp thông tin chính thống, chính xác và trách nhiệm cho công chúng. Ngày nay, giữa một thế giới ngập tràn số liệu, người làm báo còn phải phát triển thêm một kỹ năng mới: đọc, “dịch” số liệu, nghĩa là phải tìm ra được, phát hiện được đằng sau hàng tỉ tỉ con số kia là vấn đề gì, là câu chuyện gì, là thông tin gì và chúng có ích lợi gì đối với công chúng.

Manh nha từ năm 2009 với sản phẩm DataBlog của The Guardian, nhật báo danh giá của Anh, đến DBD của NHK, báo chí dữ liệu đã đi được một quãng đường khá dài trong một thời gian ngắn.

Trong hành trình đó, bên cạnh việc cấp thông tin để công chúng biết, hiểu và giải trí, báo chí dữ liệu còn góp phần giúp họ hành động mà câu chuyện xử lý và vượt qua khủng hoảng nhờ DBD là một ví dụ sinh động.

TRẦN MẠNH - NHẬT HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên