13/10/2014 15:30 GMT+7

​Ngậm ngùi hạt gạo Fukushima

TRẦN MẠNH - NHẬT HUY
TRẦN MẠNH - NHẬT HUY

TT - Gạo Nhật ngon nổi tiếng và gạo của Fukushima thì đứng đầu xứ sở mặt trời mọc.

Những cửa hàng Fukushima vẫn thưa thớt khách mặc dù nông sản đã được kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn - Ảnh: Trần Mạnh
Những cửa hàng Fukushima vẫn thưa thớt khách mặc dù nông sản đã được kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn - Ảnh: Trần Mạnh

Vậy nhưng sau thảm họa không ai còn dám ngó ngàng tới nó, kể cả khi các kiểm nghiệm nghiêm ngặt nhất cho kết quả an toàn.

Án treo vô thời hạn

Con đường từ TP Fukushima đến TP Minamisoma băng qua những đồng lúa vàng óng, những ruộng rau xanh ngát, những vườn đào, mận, hồng trĩu quả.

Nhưng phía sau khung cảnh yên bình đó, thực tế sản xuất nông nghiệp tại đây chưa được phục hồi hoàn toàn sau khi có vùng đã giảm tới 90% diện tích đất canh tác. Đến nay vẫn còn những khu vực bị cấm sản xuất do ô nhiễm phóng xạ ở mức cao.

Trước thảm họa, tỉnh Fukushima có 150.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Đây là vùng sản xuất nông nghiệp lớn thứ bảy của Nhật, trong đó 40% sản lượng là lúa gạo, còn lại là các loại trái cây như đào, mận, hồng và anh đào.

Fukushima cũng được biết tới như là vùng cung cấp các loại hải sản chất lượng cao, cũng như các trang trại bò sữa và trồng nấm. Sau sự cố rò rỉ phóng xạ hạt nhân, sản lượng gạo ở Fukushima sụt giảm 15% so với trước khiến tỉnh này tụt xuống vị trí thứ 7 về sản xuất gạo tại Nhật (trước đó là thứ 4).

Hoạt động xuất khẩu gạo của Fukushima gần như không còn do các quốc gia đều từ chối nhập vì e ngại gạo nhiễm phóng xạ, mặc dù gạo đã được lưu hành ở thị trường nội địa cùng với những tiêu chuẩn an toàn đặc biệt.

Ông Shigeru Fukaya, nguyên phó trưởng thị trấn Miharu, cách nhà máy điện hạt nhân 50km, cho biết tới nay nhiều người tiêu dùng vẫn không muốn mua nông sản trồng tại Miharu vì lo bị nhiễm xạ.

“Toàn bộ nông trại trong thị trấn đã hoạt động trở lại nhưng chưa thể sản xuất hết công suất do lượng tiêu thụ giảm mạnh. Sau hơn ba năm phục hồi, sản lượng sản phẩm nông nghiệp tại Miharu vẫn giảm 20% so với trước đó” - ông Shigeru Fukaya nói.

Trong cuộc gặp gỡ tại Tokyo, nhà báo Aki Ohmori, chuyên viết về thực phẩm của tờ The Yomiuri Shimbun, cho biết đến nay nhiều người tại Tokyo, nơi cách xa Fukushima gần 300km, vẫn còn tư tưởng “tránh được sản phẩm Fukushima nhiều chừng nào tốt chừng đó”.

Theo bà, ngay sau khi có thông tin rò rỉ phóng xạ, người tiêu dùng đã quay lưng với các sản phẩm sản xuất từ Fukushima. “Họ tránh các sản phẩm từ Fukushiama dù nông sản ở đây ngon có tiếng, giá bao giờ cũng đắt hơn từ các vùng khác”, bà Aki Ohmori nói.

Ngay cả khi các số liệu của chính phủ và địa phương đưa ra rằng nồng độ phóng xạ trong các sản phẩm này ở mức thấp và không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì họ vẫn e ngại.

Chính tâm lý sợ hãi phóng xạ chứ không phải bản thân phóng xạ đang là nguyên nhân cản trở sự phục hồi của ngành nông nghiệp và cả cuộc sống của người dân Fukushima.

Theo cách gọi của bác sĩ Sae Ochi thuộc Bệnh viện Minamisoma, dai dẳng và nặng nề nhất vẫn là “bóng ma phóng xạ” mà nhiều người vẫn nghĩ về Fukushima như một án treo chưa biết khi nào được xóa bỏ.

Các số liệu thực tế cho thấy nồng độ phóng xạ trong môi trường thấp hơn nhiều so với lo ngại, và nhiều khu vực hoàn toàn có thể sản xuất trở lại được sau thảm họa, nhưng nông sản tại Fukushima vẫn tiếp tục bị kỳ thị và xa lánh.

Gạo Fukushima được bày bán trong cửa hàng ở thị trấn Miharu - Ảnh: Trần Mạnh
Gạo Fukushima được bày bán trong cửa hàng ở thị trấn Miharu - Ảnh: Trần Mạnh

“Tẩy rửa” những ám ảnh phóng xạ

11 ngày trước khi xảy ra thảm họa, bác sĩ Sae Ochi nhập học chương trình thạc sĩ y tế công cộng (MPH) tại Trường Imperial College London (Anh).

Sau khi hoàn thành khóa học và làm việc với một số tổ chức y tế uy tín, trong đó có Tổ chức y tế thế giới, để tìm hiểu thêm về thảm họa toàn cầu, Sae Ochi trở về Nhật Bản và định cư ở Minamisoma. Cô quyết định về một nơi mà ngày ngày vẫn còn nhiều người tìm cách ra đi vì lo ngại phóng xạ trong môi trường.

“Tôi không phủ nhận rằng các chất phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân tồn tại trong đất của Fukushima. Nhưng theo ước tính của tôi thì mức độ bức xạ là an toàn nên tôi quyết định sống ở đây” - bác sĩ Sae Ochi nói.

Kể từ năm 2012, nhiều cư dân ở TP này đã bắt đầu mặc đồ bảo hộ đào lớp đất bên trên bị ô nhiễm phóng xạ cho vào bao tải để chuyển về nơi tập kết. Đây được coi là cách hữu hiệu nhất để xử lý đất đai bị nhiễm xạ ở Fukushima.

Giáo sư Ryugo Hayano, ĐH Tokyo, cho biết ngoài phương pháp thu gom đất nhiễm xạ, việc kiểm soát tốt chế độ dinh dưỡng trong canh tác cũng ngăn cây trồng hấp thụ chất phóng xạ. Nếu cung cấp đủ kali, dưỡng chất thì cây lúa sẽ không cần lấy dưỡng chất từ nguồn đất nhiễm phóng xạ.

Với những nỗ lực trên, nhiều nông dân đã quay lại với ruộng đồng, ngành sản xuất lúa gạo đang dần được phục hồi. “Các nghiên cứu chỉ ra rằng ô nhiễm phóng xạ trong nguồn đất, nước, không khí đã giảm, còn cây trồng và lúa đã không chịu tác động của phóng xạ” - GS Hyano khẳng định.

Bên cạnh nỗ lực làm sạch phóng xạ từ môi trường, chính quyền Fukushima thực hiện cơ chế kiểm soát rất nghiêm ngặt với đầu ra của sản phẩm nông sản thực phẩm.

Từ cuối năm 2011, Chính phủ Nhật đã đặt ra giới hạn liều bức xạ 100 Bq/kg đối với tất cả các sản phẩm gạo được sản xuất tại Fukushima, một mức được cho là rất thấp so với giới hạn mà Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đưa ra là 500 Bq/kg.

Những nỗ lực của người dân và các nhà khoa học Nhật Bản bước đầu đã có kết quả. Người tiêu dùng đã sử dụng nhiều hơn các nông sản từ Fukushima.

“Khi thảm họa xảy ra, chúng tôi rất lo lắng cho sức khỏe và chỉ mua đồ hộp về ăn. Nhưng giờ đây cả gia đình tôi đều sử dụng thực phẩm tươi sản xuất ở thị trấn này” - chị Misako, một cư dân của thị trấn Miharu, cho hay.

Ngày 19-8-2014, Liên hiệp các Hợp tác xã nông nghiệp Nhật vui mừng thông báo lô gạo đầu tiên của Fukushima đã được xuất khẩu trở lại vào Singapore sau quá trình kiểm tra phóng xạ đặc biệt ngặt nghèo và đã được nhà nhập khẩu Singapore chấp nhận.

Đây là loại gạo Koshihikari nổi tiếng của Nhật, một nguyên liệu không thể thiếu để chế biến món ăn sushi đã trở nên phổ biến khắp thế giới. Lô gạo được xuất khẩu trồng ở TP Sukagawa, cách Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi khoảng 70km.

Theo báo chí Singapore và Nhật Bản, chỉ hai ngày sau khi đưa vào siêu thị ở Singapore, gạo từ Fukushima đã được bán hết.

Kiểm tra sức khỏe cho... gạo

Trong ba năm qua, Fukushima đã tiến hành kiểm tra phóng xạ trong gạo. Kết quả, lượng phóng xạ trong các bao gạo chỉ ở mức 71 Bq/kg, thấp hơn nhiều so với mức giới hạn quy định của chính phủ là 100 Bq/kg.

Giáo sư Hayano cho hay năm 2012 đã có 10 triệu bao gạo được kiểm tra, trong đó chỉ có 71 bao có hàm lượng phóng xạ vượt tiêu chuẩn 100 Bq/kg. Năm 2013 cũng có trên 10 triệu bao được kiểm tra và chỉ 28 bao có hàm lượng vượt tiêu chuẩn này.

Bq (Becquerel) là đơn vị đo cường độ phóng xạ. Đơn vị này mang tên nhà khoa học người Pháp Henri Becquerel, người được trao giải Nobel và là một trong những người phát hiện ra hiện tượng phóng xạ.

1 Bq bằng một phân rã phóng xạ trong một giây. Độ Bq càng cao tức là mức độ nhiễm xạ càng lớn.

____________________

Kỳ tới: Liều thuốc niềm tin mang tên Baby Scan

TRẦN MẠNH - NHẬT HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên