11/10/2014 06:55 GMT+7

Fukushima - hành trình tìm lại niềm tin

TRẦN MẠNH - NHẬT HUY
TRẦN MẠNH - NHẬT HUY

TT - Mời bạn đọc theo dõi loạt ký sự "Fukushima - hành trình tìm lại niềm tin". Kỳ1 nói về quyết định khó khăn của Chính phủ Nhật Bản khi tái khởi động lò phản ứng hạt nhân.

GS Hisanori Nei (trái) trong vòng vây của các nhà báo khoa học - Ảnh: Văn Hiệp

​Đường đã thông, gạo đã xuất được sang nước khác, bình yên gần như đã trở lại. Và mới nhất, Chính phủ đã đồng ý tái khởi động hai lò phản ứng hạt nhân.

Vậy nhưng bóng ma hạt nhân vẫn chưa thể xua tan trên xứ sở mặt trời mọc.

Gọi quyết định tái khởi động lò phản ứng hạt nhân của Chính phủ Nhật Bản ngày 10-9 vừa qua là khó khăn vì được đưa ra trong bối cảnh vẫn còn tới 60% người Nhật khi được hỏi đều cự tuyệt với điện hạt nhân.

Nhật cũng... sai hẹn

Tình cờ ngày mà đoàn nhà báo khoa học khởi hành đến Minamisoma - một trong những thành phố thiệt hại nặng nề nhất sau thảm họa “3 trong 1” (động đất, sóng thần, rò rỉ phóng xạ) - lại đúng vào ngày Tokyo tuyên bố sẽ tái khởi động hai lò phản ứng hạt nhân đầu tiên trong tổng số 48 lò bị dừng hoạt động suốt ba năm rưỡi qua.

Chuyến đi trong khuôn khổ khóa tập huấn báo chí đưa tin về thảm họa hạt nhân do Liên đoàn Nhà báo khoa học thế giới (WFSJ) và Hội Nhà báo khoa học và công nghệ Nhật Bản (JASTJ) đồng phối hợp tổ chức với sự tham dự của khoảng 50 nhà báo đến từ Indonesia, Philippines, Canada, Úc, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

“Chúng tôi thành thật xin lỗi vì trễ giờ. Cuộc làm việc của chúng ta với các bác sĩ Bệnh viện Minamisoma sẽ dời lại lúc 15g thay vì 13g như kế hoạch. Bây giờ xin mời cả đoàn dùng cơm trên xe” - ông Shigeyuki Koide, chủ tịch JASTJ, nói một cách bối rối.

Đã nhiều lần làm việc với nhà báo kỳ cựu từng là phóng viên của nhật báo hàng đầu Nhật Bản Yomiuri Shimbum (số phát hành hơn 13 triệu bản/ngày), chúng tôi hiểu sự khó xử của ông khi phải sai hẹn - điều hiếm thấy ở người Nhật và càng hiếm thấy ở một nhà báo khoa học cẩn trọng, cần mẫn và năng động như ông.

Nhập siêu do ngừng điện hạt nhân

Các tính toán của Bộ Tài chính Nhật cho thấy thâm hụt thương mại của Nhật Bản đang tăng với tốc độ chóng mặt: nếu như năm 2012 là 70 tỉ đôla thì năm 2013 đã vọt lên tới 134 tỉ đôla, chấm dứt ba thập kỷ xuất siêu liên tiếp.

Nguyên nhân chính là do dừng điện hạt nhân, Nhật Bản phải nhập khẩu than, khí, dầu để sản xuất điện.

Theo một báo cáo hồi tháng 4-2013 của Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp, chỉ tính từ sau thảm họa Fukushima, các công ty điện của Nhật đã chi thêm 93 tỉ đôla để nhập nhiên liệu hóa thạch.

Cuối năm 2013, Liên đoàn Kinh doanh Nhật Bản nhận định trung bình mỗi năm khoảng 34,9 tỉ đôla “chạy” ra nước ngoài để nhập khẩu than, khí, dầu về sản xuất điện.

“Chính phủ đã sai hẹn, họ hứa sẽ mở lại đường số 6 vào cuối tháng 8. Vậy nên, khi lên phương án cho hành trình từ Tokyo tới Minamisoma, chúng tôi dự kiến chỉ mất khoảng bốn giờ.

Tuy nhiên, đường số 6 vẫn bị phong tỏa, đoàn phải đi đường khác khiến thời gian đội lên thêm ba giờ nữa” - ông Yuki (tên gọi thân mật của Shigeyuki) phân trần.

Đường số 6 mà Yuki nói chính là quốc lộ 6, tuyến đường dài hơn 350km nối Tokyo và Sendai. Nó còn được gọi là “con đường hạt nhân” vì đi qua nhiều nhà máy điện hạt nhân như Tokai (nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Nhật, được xây dựng vào năm 1961), Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi và Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daini.

Phải đợi thêm năm ngày nữa sau chuyến đi của chúng tôi, ngày 15-9-2014, Chính phủ Nhật mới chính thức dỡ bỏ lệnh phong tỏa “con đường hạt nhân” sau khi hoàn tất công tác kiểm tra từng lùm cây, ngọn cỏ để đảm bảo mức độ nhiễm xạ đã về dưới ngưỡng an toàn.

Tái khởi động

Ngày 10-9, Cơ quan Quản lý hạt nhân Nhật Bản (NRA) phê chuẩn đề án tái khởi động điện hạt nhân, động thái có thể mở đường cho hàng chục nhà máy điện hạt nhân hoạt động trở lại sau mấy năm “trùm mền”.

Theo NRA, hai lò phản ứng của Nhà máy Sendai thuộc Công ty Điện lực Kyushu đã hội đủ các quy định an toàn.

Tuy nhiên, để có thể chính thức đi vào hoạt động, nhà máy này phải vượt qua các cuộc kiểm định an toàn cũng như được sự đồng ý của chính quyền địa phương.

“Sớm nhất phải đầu năm 2015, việc tái khởi động mới thành hiện thực” - một quan chức của NRA cho biết trên truyền thông Nhật Bản.

Cùng với quyết định này, NRA cũng ra lời cáo chung đối với các lò phản ứng hạt nhân thuộc thế hệ đầu.

Theo ông Shunichi Tanaka - người đứng đầu NRA, đó là những lò phản ứng không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và do đó sẽ không được phép hoạt động trở lại.

Theo những quy định sau sự cố Fukushima, các lò phản ứng hạt nhân sẽ phải ngừng hoạt động ở tuổi 40. Chúng có thể được kéo dài “tuổi hưu” thêm 20 năm nhưng phải được nâng cấp, gia cố để vượt qua những quy chuẩn khắt khe.

Các cơ quan chủ quản muốn kéo dài thời gian hoạt động cho các lò phản ứng phải đệ trình hồ sơ chi tiết trước tháng 7-2015 chứng minh lò phản ứng đáp ứng các tiêu chí an toàn.

Tuy nhiên, công suất các lò phản ứng thế hệ cũ chỉ bằng khoảng một nửa so với các lò thế hệ mới. Thêm nữa, để “cải lão hoàn đồng” cho các lò như vậy vô cùng tốn kém khiến các nhà đầu tư phải luôn dè chừng bài toán kinh tế.

Điều này có nghĩa là khoảng 2/3 số lò phản ứng hạt nhân ở Nhật sẽ khó có cơ hội hoạt động trở lại.

Không còn lựa chọn nào khác

Đó là khẳng định của GS Hisanori Nei, từng đảm nhiệm vị trí phó tổng giám đốc Cơ quan An toàn công nghiệp và hạt nhân thuộc Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản trong thời gian xảy ra thảm họa Fukushima, hiện là tổng giám đốc Tập đoàn Khoáng sản, dầu khí quốc gia Nhật Bản, khi bình luận về việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân.

Theo GS Nei, sau thảm họa tháng 3-2011, nhiều nhà máy điện hạt nhân đóng cửa và tới tháng 5-2012 thì toàn nước Nhật không còn điện hạt nhân.

Vậy nhưng nước này không ngày nào thiếu điện nhờ điện sản xuất từ các nguồn khác như dầu, than, khí, năng lượng mặt trời, gió... vẫn đủ cho cả nước Nhật xài.

Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn không thể không làm điện hạt nhân.

Cũng là một trong những người tham gia tư vấn chuyển giao công nghệ điện hạt nhân cho Việt Nam, ông Hisanori thẳng thắn đề cập tới giá thành sản xuất điện, điều đang làm đau đầu ngành điện không chỉ ở Nhật Bản mà tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo đó, để sản xuất 1kWh điện, nếu chạy dầu thì mất 36-37,6 yen (1 yen tương đương 200 đồng); năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời: 33,4-38,3 yen; khí tự nhiên: 10,7-11,7 yen; hydro: 10,6 yen; gió: 9,9-17,3 yen; than: 9,5-9,7 yen và năng lượng nguyên tử: 8,9 yen.

Là quốc gia duy nhất trên thế giới phải hứng chịu trực tiếp bom nguyên tử trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai với hơn 100.000 người thiệt mạng, nhưng Nhật Bản cũng là nước sớm nhận ra vai trò của năng lượng nguyên tử cho mục đích hòa bình.

Năm 1954, chính phủ rót 230 triệu yen, chính thức mở màn chương trình nghiên cứu năng lượng hạt nhân. Chỉ 12 năm sau, lò phản ứng hạt nhân đầu tiên đi vào hoạt động, bổ sung một nguồn điện mới đầy tiềm năng.

Cho đến đầu năm 2011, điện hạt nhân chiếm khoảng 30% tổng sản lượng điện của cả nước. Một kế hoạch đầy tham vọng nâng tỉ lệ này lên 41% vào năm 2017 và 50% năm 2030 đã được vạch ra và ráo riết thực hiện.

Nhiều dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân được triển khai, nhiều đề án thành lập thêm nhà máy mới được lên kế hoạch.

Đúng lúc đó, sự cố ở Nhà máy điện Fukushima Daiichi nổ ra sau động đất, sóng thần. Mọi chương trình, mọi dự định đành phải tạm gác lại.

Và với các nhà đầu tư, nỗi lo không chỉ thuần túy là vốn, là phương án kinh doanh như trước đây nữa, giờ đây họ còn phải đối mặt với sức ép dư luận, sự phản đối và mất niềm tin của người dân vào điện hạt nhân.

______________

Kỳ tới: Bóng ma hạt nhân

TRẦN MẠNH - NHẬT HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên