08/06/2015 09:05 GMT+7

Đàm phán và giải quyết tài sản

 CHRISTOPHER RUNCKEL
CHRISTOPHER RUNCKEL

TT - Tôi trở lại Việt Nam làm việc toàn thời gian vào tháng 1-1994 với chức vụ là “nhà đàm phán đặc biệt Hoa Kỳ tại Việt Nam”.

Tác giả tại bãi đáp trực thăng trên sân thượng tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn trước đây, năm 1995 - Ảnh: tư liệu C.R
Tác giả tại bãi đáp trực thăng trên sân thượng tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn trước đây, năm 1995 - Ảnh: tư liệu C.R

Vào ngày 3-2-1994, tổng thống Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ cấm vận thương mại với Việt Nam. Lúc đó tôi đang ở Hà Nội và nhớ rằng sự quan tâm của báo chí rất lớn và tất cả chúng tôi đều hạn chế tối đa khi bình luận về quyết định của tổng thống. Sau cột mốc này, ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam.

Những thỏa thuận đầu tiên

Tất cả các nhóm trong Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đều phấn khởi trước sự kiện này vì nó dường như đưa chúng tôi ngày càng gần hơn việc thiết lập quan hệ ngoại giao.

Nhiều người trong số chúng tôi đến dự buổi tiệc do Công ty tư vấn Vatico tổ chức để mừng tuyên bố của tổng thống Clinton. Dường như mọi thứ đang tiến triển rất tốt.

Tại thời điểm này, tôi là nhân viên cao cấp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam. Tôi cũng biết rằng cuối cùng tôi sẽ giữ vị trí số hai trong văn phòng đầu tiên và rằng “số hai” được dự kiến làm việc hằng ngày như nhiệm vụ đã quy định ở mọi nơi trên thế giới. Bởi vì không có văn phòng, nên việc đầu tiên của tôi là phát triển một cơ sở sao cho có thể thực hiện tất cả những công việc mà đại sứ quán Mỹ đã làm ở tất cả các nơi trên thế giới.

Tôi có trách nhiệm hỗ trợ hai cuộc đàm phán với Việt Nam. Một là những cuộc đàm phán xác định tài sản của người Mỹ, đặc biệt là của các cá nhân và công ty Mỹ có tài sản bị tịch thu hay doanh thu bị thiệt hại do hậu quả của cuộc chiến. Tuy có nhiều yêu cầu bồi thường từ cá nhân, nhưng phần lớn là từ các công ty dầu khí trong hoạt động khoan và thăm dò dầu khí, cộng với tiền lãi kể từ thời điểm bị tịch thu năm 1975.

Điều này đã được giải quyết khi Việt Nam ký kết "Thỏa thuận giải quyết một số yêu cầu bồi thường tài sản" vào tháng 1-1995.

Theo thỏa thuận này, Việt Nam trả cho Mỹ một khoản tiền là 208.510.481 USD. Đây là một trong những thỏa thuận tốt nhất mà Chính phủ Mỹ đạt được tại thời điểm đó. Tôi đã làm việc trên thỏa thuận này với các cố vấn văn phòng pháp lý Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Nhiệm vụ thứ hai của tôi là tìm giải pháp giải quyết các tài sản ngoại giao đã bị tịch thu. Nhiệm vụ này cũng được hoàn thành qua một thỏa thuận được ký kết vào ngày 28-1-1995. Thỏa thuận này tạo điều kiện thuận lợi cho tôi làm việc với Việt Nam cũng như với văn phòng ngoại vụ, bây giờ gọi là OBO.

Ngoài ra, tôi cũng tham dự họp và theo sát các chi tiết cho hai thỏa thuận khác: thỏa thuận về việc mở văn phòng liên lạc và thỏa thuận về bảo vệ lãnh sự, tuy với mức độ thấp hơn. Thỏa thuận này tạo đà thúc đẩy cho một hay nhiều thỏa thuận khác ra đời.

Christopher Runckel trên báo The Nation tháng 9-1994 - Ảnh: tư liệu C.R
Christopher Runckel trên báo The Nation tháng 9-1994 - Ảnh: tư liệu C.R

Trở lại tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn

Theo hiệp định về giải quyết tài sản ngoại giao, tôi đi khảo sát tất cả các tài sản cũ của Mỹ ở miền Bắc, Trung, Nam Việt Nam.

Tôi là người duy nhất của Mỹ làm điều này vì là người Mỹ duy nhất thường trú tại Việt Nam, có thời gian và nghị trình cụ thể để làm việc với Việt Nam nhằm xác định các tài sản này.

Phía Hoa Kỳ đã yêu cầu sớm cho xem từng tài sản nhưng nhiều lần Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng "bất tiện". Chúng tôi được giải thích là người đang thuê không muốn chúng tôi đến xem các tài sản đó.

Bộ Ngoại giao Việt Nam gặp khó khăn nếu đồng ý để chúng tôi tiếp cận, mặc dù thừa nhận rằng tài sản đó thuộc về Chính phủ Mỹ. Nhiều người đang thuê đã sử dụng các tài sản này từ khi Hoa Kỳ ra đi năm 1975.

Chính phủ Mỹ có hai tài sản tại Hà Nội, một ở Huế và gần 40 tài sản ở TP.HCM. Trong suốt năm 1994, tôi thực hiện nhiều cuộc quan sát thăm viếng và thấy rất khó xử. Nhiều cơ sở vật chất như khu in ấn của đại sứ quán Mỹ trước đây mà tôi đã xem, nay bị chiếm dụng bởi hơn 20 gia đình.

Trong những trường hợp này, tôi nhìn khu nhà từ bên ngoài và chụp hình rồi gửi về Washington. Có một tòa nhà được sử dụng bởi một công ty nước giải khát.

Tòa nhà này trước năm 1975 là nơi cư trú nhưng bây giờ được sử dụng làm văn phòng và một nhà máy đóng chai cho một công ty sản xuất nước giải khát Việt Nam.

Trong hai năm 1993 và 1994, tôi đã nhiều lần đến xem khu bất động sản đại sứ quán Mỹ tại TP.HCM trên đường Mạc Đĩnh Chi và Lê Duẩn.

Tòa nhà này được xây dựng vào năm 1967 để cung cấp cho Mỹ một tòa đại sứ ở Sài Gòn an toàn hơn (đại sứ quán cũ từng bị tấn công bằng bom và rất khó bảo vệ). Khu nhà mới này Công ty liên doanh Dầu khí Việt - Xô quản lý từ năm 1975. Năm 1994 bất động sản này được thu hồi và trả lại cho Hoa Kỳ.

Đó là một trong những bất động sản được thu hồi dễ dàng nhất. Tôi đi khắp khu nhà mà tôi từng có mặt vào năm 1969, vì vậy tôi có thể nhận xét về tình trạng của nó trước đây và bây giờ: xuống cấp.

Đối với tôi, dường như liên doanh dầu khí này chưa bao giờ đặt một đồng xu nào vào việc bảo trì khu nhà. Thật lòng mà nói cơ sở này khá "ma quái", nó tạo một luồng cảm xúc kỳ lạ. Tôi không tin vào quỷ thần nhưng khi bước trên hành lang vang vọng, tôi bỗng nhìn thấy những bảng hiệu trước năm 1975 vẫn còn để lại trong các hành lang và cầu thang.

Khi nhìn đống bao cát mục nát và những lon đồ hộp gỉ sét của quân đội nằm chất đống trên mái nhà, nơi máy bay trực thăng thực hiện những chuyến di tản cuối cùng trong những ngày cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, tôi không thể không nghĩ đến sự hoảng loạn và cảm xúc mà tất cả mọi người làm việc ở đó đã có vào những ngày ấy.

Ngoài việc đàm phán, nhiệm vụ của tôi còn phải tạo ra cơ sở hạ tầng cần thiết tại Hà Nội và sau đó là TP.HCM để xây dựng mối quan hệ đầy đủ với Việt Nam. Vai trò của tôi trong kế hoạch đầu tiên là tuyển dụng, lập thêm kế hoạch, thực hiện và giải quyết liên tục các vấn đề.

Nhiệm vụ này không hẳn là hoành tráng rực rỡ nhưng rất quan trọng cho sự phát triển mối bang giao giữa hai nước. Nó đòi hỏi tôi phải có một đội ngũ nhân viên có trình độ, cả người Mỹ và người Việt Nam.

Chúng tôi cần một trụ sở đủ lớn cho 30 - 40 nhân viên Mỹ và gần 100 nhân viên người Việt. Đồng thời chúng tôi phải lo cả chuyện nhà ở, đào tạo ngôn ngữ, chăm sóc y tế, giáo dục cho con em của nhân viên Mỹ, đồ nội thất, thiết bị thông tin liên lạc cần thiết đặt trong một khu vực được bảo vệ dùng để truyền thông tin thường và thông tin mật, một đội xe lớn hơn để hỗ trợ đi lại cho lượng nhân viên lớn hơn, giấy phép của Chính phủ Việt Nam để mở văn phòng cho các cơ quan khác của Chính phủ Mỹ.

Đây là một danh sách lớn và nó khiến tôi phải đi sớm về muộn và tham dự những bữa tiệc tối chiêu đãi ngoại giao, nơi có nhiều công việc đã được thực hiện.

Tôi thường xuyên làm việc cả ngày thứ bảy, thậm chí đôi khi về đến khách sạn thì đã là sáng chủ nhật. Một danh sách đầy áp lực và yêu cầu cao nhưng phải được thực hiện tốt nếu muốn phát triển đến cùng mối bang giao với Việt Nam.

__________________

Kỳ 5: James Rockwell và Công ty Vatico

CHRISTOPHER RUNCKEL
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên