06/06/2015 11:07 GMT+7

Việt - Mỹ và sứ mạng của tôi: Lần đầu đến Hà Nội

CHRISTOPHER RUNCKEL
CHRISTOPHER RUNCKEL

TT - Lần đầu tiên tôi tới Hà Nội vào năm 1993. Trên chuyến bay ấy, tôi nhớ mình đã nghĩ rằng chiến tranh Việt Nam không ảnh hưởng nhiều đến mình và không tạo ra bất kỳ những kỷ niệm xấu nào như đã có ở cựu binh Mỹ khác.

- Christopher Runckel -  Ảnh: tư liệu của C.R.
- Christopher Runckel - Ảnh: tư liệu của C.R.

Một đất nước khó khăn

Tuy nhiên, khi máy bay bắt đầu chạm đất, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Lá cờ mà tôi từng nhìn thấy ở miền Nam Việt Nam trong thời gian tại ngũ.

Đột nhiên tôi thấy mình thở gấp và đổ mồ hôi như thể tôi cảm thấy mình sắp bị bắt. Cảm giác này chỉ thoáng qua nhưng làm tôi suy nghĩ về những gì tôi đã nhận được cho bản thân và gia đình mình.

Chuyến thăm đầu tiên tôi lưu lại khoảng mười ngày trong một khách sạn nhỏ ngang chợ. Khách sạn nhỏ, hẹp và gần như thẳng đứng. Chỉ có một hoặc hai phòng ngủ mỗi tầng, tổng cộng khoảng sáu hoặc bảy tầng và không có thang máy. Các cửa sổ đều bị đóng kín và các lối thoát hiểm đều bị khóa, nếu có hỏa hoạn đây sẽ là một cái bẫy chết người.

Tôi đã không ở đó nếu có sự lựa chọn khác. Lúc bấy giờ có rất ít khách sạn đạt chuẩn cho nên nếu được thì thuê, không thì xin mời đi chỗ khác! Đối diện khách sạn là một cái chợ.

Mỗi sáng từ khoảng 4g họ bắt đầu giết những con lợn bằng cách chọc tiết gây ra những tiếng rống thống thiết, đau đớn của con con vật. Bữa ăn sáng thường bắt đầu lúc 6g và luôn giống nhau - cà phê đen, trứng chiên và một ổ bánh mì nhỏ kiểu Pháp, ít mứt và phômai Con Bò Cười.

Có khi chúng tôi dùng phở, món mà tôi thật sự thích cho bữa ăn sáng và hầu như đó là thực đơn đầu tiên họ thường mang ra. Một vài ngày thì không sao cả, nhưng sau một tuần ngày nào cũng phở, tất cả chúng tôi đều mong một món gì đó khác. Việt Nam vào thời điểm này vẫn còn là một đất nước rất, rất nghèo.

Năm 1992, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện điều tra một cách có hệ thống về mức sống và kết quả tỉ lệ hộ nghèo chiếm một nửa. Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất thế giới với GDP đầu người chỉ xấp xỉ 100 đôla Mỹ.

Hà Nội và các khu vực xung quanh hầu như không có công trình xây dựng mới trong năm 1993. Quần áo của người dân nói chung sạch sẽ nhưng cũ, bạc màu và rõ ràng những gì họ mặc rất lỗi thời.

Có rất ít xe hơi trên đường phố Hà Nội và nếu có cũng thuộc về Nhà nước (trong trường hợp này xe rất cũ kỹ và số kilômet trên đồng hồ rất cao) hoặc thuộc về các đại sứ quán nước ngoài, hoặc các tổ chức quốc tế.

Xe gắn máy cũng không phổ biến. Thật hay vì nhiều người đi xe đạp, tạo nên không gian yên tĩnh và ít gây ô nhiễm hơn. Vệ sinh công cộng ít được chú ý, ống cống lộ thiên, nước thải chảy tràn trực tiếp ra phố và đổ vào nhiều hồ nước nội ô. Người ta thường xuyên tiểu tiện trên vỉa hè.

Mặc dù nông nghiệp đã được cải thiện và thị trường có nhiều mặt hàng để buôn bán hơn nhưng chất lượng các mặt hàng thiết yếu như thịt cá, trái cây và rau quả rất thấp. Nhiều người - nếu không muốn nói là hầu hết người dân Hà Nội - vẫn còn nhớ chỉ một vài năm trước họ phải đối mặt với nạn đói và luôn trong tình trạng phải tìm kiếm thức ăn.

Nếu như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hong Kong, Đài Loan... vào năm 1992 đang phát triển mạnh với tầng lớp trung lưu giàu có và với sự phong phú của thực phẩm thì Hà Nội dường như chưa có sự tiến bộ nào.

Không ai nghĩ người đàn ông mặc quần short mang dép lê trên phố Hà Nội này lại là một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ - Ảnh: tư liệu C.R.
Không ai nghĩ người đàn ông mặc quần short mang dép lê trên phố Hà Nội này lại là một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ - Ảnh: tư liệu C.R.

Sự thay đổi mới bắt đầu

Chủ trương "Đổi mới" hay "Cải cách" nền kinh tế và mở rộng quan hệ quốc tế bắt đầu diễn ra vào năm 1986 nhưng chỉ được tiếp sức từ tháng 3-1988 khi ông Võ Văn Kiệt trở thành chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Theo chính sách "Đổi mới", Việt Nam dần dần chuyển từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung thành một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Luật đầu tư nước ngoài năm 1987 là văn bản luật đầu tiên góp phần tạo sự khởi đầu cho một cơ sở pháp lý kinh tế Việt Nam. Sau đó vào năm 1991 là Luật doanh nghiệp tư nhân và Luật công ty.

Năm 1992, Hiến pháp Việt Nam được sửa đổi để khẳng định sự tồn tại và phát triển của một nền kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, trong đó có khu vực đầu tư nước ngoài.

Việt Nam phải tăng tốc vì họ ngày càng bị bỏ lại phía sau bởi sự phát triển nhanh chóng trên khắp các vùng khác của Đông Nam Á. Chính sách "Đổi mới" là một cải cách đáng kể cho Việt Nam và tăng trưởng được duy trì ở mức 8,2% trong giai đoạn 1991-1995.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng giảm phần nào do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1996 - 2000, nhưng chính sách đổi mới đã lan rộng và điều kiện sống được cải thiện cho hầu hết các tầng lớp dân cư trong thời gian này.

Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục thay đổi khi ngày càng hội nhập sâu hơn vào khu vực Đông Nam Á. Việt Nam bắt đầu chuyển từ một nền kinh tế nông nghiệp truyền thống sang một nền kinh tế hướng công nghiệp hóa.

Nhưng sự thay đổi này chỉ mới bắt đầu. Trong những lần viếng thăm đầu tiên, tôi bắt đầu đi loanh quanh để tìm hiểu những điều kiện cơ bản như nhà ở, y tế, an ninh tối thiểu, nhà trẻ, trường tiểu học và trung học, ngân hàng...

Chẳng hạn về nhà ở, tôi phát hiện là có sẵn nhưng thường trong tình trạng xấu với rất ít lựa chọn và giá cả thường cao. Tôi thấy cũng có các văn phòng và nhà cho thuê nhưng những nhà này đều không đủ tiêu chuẩn theo nhận xét từ các đồng nghiệp của tôi.

Chăm sóc sức khỏe là một mối quan tâm lớn nên tôi đã đến thăm Bệnh viện Việt - Đức ngay sau khi tới Hà Nội. Đây là bệnh viện được cho là tốt nhất tại Hà Nội lúc bấy giờ. Tôi được một trong những người quản lý đưa đi một vòng quanh bệnh viện.

Phải nói rằng tôi đã kinh hoàng trước những gì mình nhìn thấy. Nước rò rỉ từ đường ống cấp nước bị thủng hoặc từ ống nước thải đọng thành từng vũng đen quánh dọc theo các hành lang.

Tòa nhà chính trông như không được sơn phết lại đã nhiều năm và bụi bẩn theo năm tháng bám đầy các bề mặt. Tại trung tâm X-quang có một máy X-quang cũ mà tôi tin là từ Nga, nó tạo ra một thứ âm thanh giống như điện được sử dụng để gây sốc cho ma cà rồng Frankenstein! Tôi nghĩ vậy khi đi ngang qua căn phòng đó. Chiếc máy có thể bị rò rỉ phóng xạ và chắc chắn va đập vào toàn bộ những gì xung quanh.

Trong phòng thí nghiệm, thiết bị trông rất cũ kỹ và lạc hậu so với những gì tôi còn nhớ về phòng thí nghiệm ở trường trung học của tôi. Tất cả cho thấy đó không phải là một khởi đầu tốt và tôi sẽ phải suy nghĩ hai lần khi thuật lại cho vợ tôi.

Một điểm sáng khả dĩ là tôi đã gặp bác sĩ Rafi Kot, người Israel, có mặt tại Việt Nam như một bác sĩ y khoa theo một dự án tài trợ của Đức để nâng cấp dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản trên địa bàn tỉnh Nam Định, phía nam Hà Nội.

Bác sĩ Kot đang lên kế hoạch mở một phòng khám nhỏ ở Vạn Phúc vào cuối năm 1993 để hỗ trợ cho giới ngoại giao. Ông quả là một báu vật được ban tặng cho cộng đồng người nước ngoài và giới ngoại giao ở Hà Nội. Ông thật sự đã giúp đỡ người nước ngoài chúng tôi không biết bao nhiêu mà kể với đủ loại nhu cầu chăm sóc y tế. 

Kỳ tới: Câu chuyện của một người vợ

CHRISTOPHER RUNCKEL
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên