05/02/2024

Ngày Tết với những món ăn ngon chứa nhiều đạm, đường, muối…sẽ rất dễ gây ra những biến chứng đối với bệnh nhân có bệnh lý về thận. PGS.TS. Nguyễn Bách, bệnh viện Thống Nhất TP.HCM sẽ tư vấn chế độ dinh dưỡng ngày Tết sao cho an toàn.

Hỏi: Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết bệnh nhân có bệnh lý về thận cần có chế độ ăn uống ra sao, đặc biệt là vào dịp Tết?

Bác sĩ: “Bệnh thận” là một từ rất chung. Nên chia thành 2 nhóm: nhóm thứ nhất là những người có bệnh lý thận mà chưa phải chạy thận hay lọc máu, nhóm thứ 2 là người bệnh thận đã được điều trị chạy thận lọc máu, nhân tạo… Đối với nhóm bệnh nhân bệnh thận chưa lọc máu, giai đoạn 1 đến giai đoạn 4 thì nên chú ý tránh những món có nhiều muối. Đặc biệt, đa phần những món ngon ngày Tết là nhờ vị mặn của muối ví dụ như hạt điều, lạp xưởng… nên cần đặc biệt chú ý hơn. Những người có chức năng thận bình thường thì có thể dùng những thực phẩm này, còn người mang bệnh lý thận thì nên hạn chế sử dụng. 

Thứ hai, nên hạn chế những thực phẩm có nhiều chất đạm. Bên cạnh đó, vì những người bệnh thận có lượng kali trong máu tăng. Vì vậy, nên tránh ăn trái cây có hàm lượng kali cao như chuối, mãng cầu, nước dừa… Ngoài ra, người bệnh cũng chỉ nên dùng lượng nước vừa phải. Trong dịp Tết, thường phải uống bia, uống nhiều nước có thể khiến thận quá tải.

Hỏi: Thưa bác sĩ, vậy đối với những bệnh nhân đang thực hiện chạy thận thì việc kiêng khem ngày Tết có khác biệt nhiều không?

Bác sĩ: Người bệnh cần phải chạy thận nhân tạo phải kiêng khem nhiều hơn. Lời khuyên đầu tiên là phải giữ liều chạy thận đúng cữ, nếu đang chạy thận 2-3 lần/tuần thì vẫn phải giữ nguyên không thay đổi. Đặc biệt là trong dịp Tết phải đi du lịch hay thăm họ hàng cũng không được thay đổi lịch vì rất nguy hiểm. Bệnh nhân chạy thận cũng không nên uống nước quá nhiều, ăn thức ăn mặn, ăn trái cây nhiều làm lượng kali trong máu tăng. 

Tóm lại, có 3 nhóm thức ăn người bệnh cần cảnh giác: nước, muối và thực phẩm có nhiều kali hầu như có trong trái cây, rau quả. 

Hỏi: Thưa bác sĩ, những trường hợp nhập viện vì bệnh thận thường xuất hiện ở người già hay trẻ tuổi và khi gặp những dấu hiệu nào thì người nhà nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện?

Bác sĩ: Cả trẻ và lớn tuổi nhưng thường gặp ở người trẻ. Người bệnh thường nhập viện vì khó thở, huyết áp cao, buồn nôn. Khi thực hiện xét nghiệm mới phát hiện bệnh nhân đều có kali, hàm lượng đường trong máu cao và lượng nước trong cơ thể quá nhiều thì phải thực hiện chạy thận cấp cứu ngay.

Những dấu hiệu mà người nhà có thể chú ý chính là khó thở, mệt. Bệnh nhân tới ngày hoặc chưa tới ngày chạy thận đã xuất hiện những triệu chứng như mệt, khó thở, buồn nôn, chán ăn, bứt rứt thì cần phải đến bệnh viện ngay. 

Xem thêm: Bác sĩ khuyến cáo: Làm đẹp cấp tốc đón Tết, coi chừng tai biến thẩm mỹ

Xem thêm: Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng nói về biến thể phụ JN.1 của Covid-19, cách phòng tránh dịp Tết

Xem thêm: Bác sĩ cảnh báo bệnh thận ở người trẻ, nên làm gì để sớm phát hiện?

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên