Bác sĩ giải đáp: Uống sữa nhiều có giúp ngăn ngừa được loãng xương?
Chữa trị loãng xương không đúng cách dễ làm bệnh trở nặng, gây nguy hiểm cho cơ xương khớp. BS.CKII Đoàn Thị Huyền Trân, Trưởng khoa Cơ xương khớp - Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ giải đáp cụ thể về cách phòng ngừa loãng xương.
Hỏi: Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết loãng xương là gì, và có cách nào để ngăn ngừa loãng xương không?
Bác sĩ: Loãng xương là một bệnh lý không có triệu chứng và người bệnh có thể vô tình phát hiện khi đi khám và bác sĩ cho đo mật độ xương hoặc phát hiện khi bệnh nhân bị gãy xương sau những tai nạn sinh hoạt. Nghĩa là những chấn thương rất nhẹ cũng có thể gây ra gãy xương. Loãng xương là một bệnh lý xảy ra sau độ tuổi mãn kinh khoảng 2 năm. Khoảng độ tuổi này người bệnh có nguy cơ bị và cần được tầm soát, bất kể người bệnh không có triệu chứng.
Để phòng ngừa loãng xương thì từ trẻ nên có chế độ ăn giàu canxi, việc có thói quen uống sữa là thói quen rất tốt giúp làm chậm đi quá trình loãng xương. Việc uống sữa cung cấp đầy đủ canxi cho cơ thể của mình, vitamin D cũng đóng một vai trò quan trọng. Điều đáng quan ngại là hiện nay phụ nữ khi ra đường hay mặc rất kín vì sợ đen cho nên về sau này việc thiếu vitamin D có thể xảy ra. Chung quy, nếu từ trẻ chú ý đến chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, đa dạng, uống sữa hoặc sử dụng các chế phẩm từ sữa như yaourt, phô mai thì đó là biện pháp phòng ngừa loãng xương rất tốt. Đồng thời, chú ý sau tuổi mãn kinh nên thực hiện đo mật độ xương và tùy theo kết quả mà đo lại 2 năm/lần hoặc 1 năm/lần.
Hỏi: Thưa bác sĩ, có nhiều người cho rằng việc sử dụng sữa bột thay cho dược phẩm có thể ngăn ngừa loãng xương, cách này có đúng không?
Bác sĩ: Có thể sử dụng sữa hoặc các chế phẩm từ sữa để ngừa loãng xương nhưng không phải việc dùng sữa thường xuyên sẽ giúp không bị loãng xương. Vì vậy, việc tiếp tục uống sữa không sao cả. Về mặt bệnh nhân cơ xương khớp, những người tuy trẻ nhưng nếu sử dụng thuốc Corticoid kéo dài trên 3-6 tháng thì nguy cơ xảy ra loãng xương là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Lúc đó, việc chỉ uống sữa thôi cũng không có ý nghĩa gì hết. Vì vậy, việc uống sữa hoặc sử dụng các chế phẩm từ sữa là cách phòng ngừa loãng xương rất tốt nhưng một khi bệnh nhân đã bị chẩn đoán loãng xương thì phải dùng canxi, vitamin D và thuốc điều trị loãng xương chứ không đơn thuần là tiếp tục uống sữa.
Hỏi: Hiện nay cũng có nhiều người cho rằng để ngăn ngừa loãng xương thì cần mua thuốc ngoại hoặc các thực phẩm chức năng chứa vitamin D, canxi. Vậy cách này có tốt hay không, thưa bác sĩ?
Bác sĩ: Việc sử dụng vitamin D hay canxi không xấu. Nhưng để trả lời thực chất các thuốc này có điều trị loãng xương hay không thì là không. Bởi vì có những người không bao giờ uống sữa thì họ cũng không bị loãng xương sớm mà đa phần thì việc loãng xương xảy ra quanh ở tuổi mãn kinh cho nên gặp ở người nữ nhiều hơn. Ngoài ra, trên những cơ địa khác nhau đơn cử là chủng tộc người Châu Phi thì mức độ loãng xương thấp hơn so với người Châu Âu. Như vậy, việc nạp thêm các loại thực phẩm, thuốc bổ thì không khuyến khích. Mỗi người không phải là vận động viên, không cần chế độ sinh hoạt tập luyện nặng nề đến mức chế độ ăn thông thường không thể cung cấp đầy đủ chất. Trong trường hợp không đủ chất thì có thể bổ sung theo chỉ định của các chuyên gia về dinh dưỡng. Nếu tự mua, sử dụng và cho rằng việc này giúp phòng ngừa bệnh lý cơ xương khớp thì không thể.
Xem thêm: Bác sĩ khuyến cáo: Lấy ráy tai không đúng cách và những hiểm họa khôn lường
Xem thêm: Bác sĩ hướng dẫn: cách phòng tránh, điều trị nhiễm trùng bàn chân ở người tiểu đường
Xem thêm: Bác sĩ khuyến cáo: Bệnh đái tháo đường diễn biến âm thầm, cần làm gì để phát hiện bệnh?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận