27/01/2024

Tết âm lịch 2024 đang đến cận kề, tuy nhiên mới đây đã phát hiện biến thể phụ JN.1 của Covid-19. Trong số phát sóng hôm nay, TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM sẽ giải đáp về cách nhận biết, phòng tránh dịch bệnh này.

Hỏi: Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết cụ thể về mức độ nguy hiểm của biến thể JN.1 so với các biến thể trước đó của Covid-19?

Bác sĩ: Thời gian gần đây đã xuất hiện biến thể JN.1, biến thể này xuất phát từ biến thể BA.2.86. Trước đây biến thể này đã từng xuất hiện vào tháng 8-2023, chỉ trong vòng khoảng 4 tuần từ tuần thứ 48 đến tuần 52 của 2023. Hiện nay, biến thể này được xếp vào biến thể được quan tâm (VOI) và biến thể này có khả năng xâm nhập vào tế bào ở phổi.

Tuy nhiên, dựa trên thực tế thì những bệnh cảnh lâm sàng rồi các vấn đề diễn tiến về hệ miễn dịch, độ nặng của bệnh… thì không thay đổi so với trước đây.

Hỏi: Thưa bác sĩ, vậy người dân cần làm gì để phòng tránh, đặc biệt là với những người có bệnh nền và chưa tiêm đủ vắc xin ngừa Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế?

Bác sĩ: Qua dịch COVID vừa rồi, Việt Nam đã triển khai tiêm 266 triệu liều bao phủ ở các độ tuổi khác nhau, từ 18 tuổi trở lên 100% đã tiêm mũi 1, 2. Ngoài ra, còn có độ bao phủ về mũi 3, mũi 4 và độ tuổi từ 12-17 và từ 5-11. Tuy nhiên, vẫn có một số người chưa tiêm vắc xin đầy đủ và đây cũng là một mối nguy cơ đối với bệnh COVID-19. Đặc biệt, đối với những người bị bệnh nền, những người dễ bị tổn thương hay phụ nữ đang mang thai nhưng tiêm không đủ liều cũng là mối nguy cơ khiến bệnh nặng khi mắc COVID-19. Do đó, những đối tượng này nên đến cơ sở y tế để để được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn và tiêm đủ liều theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Ngoài ra, khi ở trong một cộng đồng thì những người tiêm đủ vắc xin mà phát hiện bệnh, có hội chứng cảm cúm thì phòng ngừa cho những người xung quanh. Phòng hờ trường hợp người khác có bệnh nền hoặc chống chỉ định về việc tiêm vắc xin thì cũng có thể bảo vệ được họ bằng cách đeo khẩu trang, sát khuẩn… Bộ Y tế cũng khuyến cáo nên mang khẩu trang ở những nơi đông người hoặc khi có triệu chứng về ho, sổ mũi… thì nên đi khám bệnh và đeo khẩu trang để phòng tránh lây lan cho người khác. Đồng thời, nên sát khuẩn, rửa tay với xà phòng thường xuyên.

Hỏi: Trong dịp Tết này, nhu cầu đi lại, tiếp xúc của người dân sẽ tăng cao, vậy Viện Pasteur TP.HCM đã chuẩn kịch bản phòng chống dịch cho tình huống xấu nhất như thế nào?

Bác sĩ: Từ cuối năm 2023, mỗi Tết sẽ có những cách phòng tránh COVID bền vững và đã chuẩn bị sẵn sàng trong kế hoạch. Đầu năm 2024, Bộ Y tế cũng ban hành các văn bản, chỉ thị là phòng chống các dịch bệnh ở dịp Tết Nguyên đán này và trong đó có dịch COVID. Trong đó, bao hàm các vấn đề liên quan đến giám sát, phát hiện sớm để có thể đáp ứng kịp thời.

Đối với Viện Pasteur TP.HCM, Viện luôn sát cánh với các bệnh viện, các viện tuyến tại TP.HCM để có thể giám sát sát sao đối với các tỉnh phía Nam. Viện Pasteur cũng thành lập các đội đáp ứng nhanh và trực xuyên Tết 24/24 để khi có bất kỳ một phát hiện, một vấn đề nào sẽ đáp ứng ngay. Đặc biệt, các địa phương, các tỉnh thành phía Nam cũng có các đội đáp ứng nhanh và trực Tết. Viện cũng thường xuyên kết nối chặt chẽ giữa viện khu vực cũng như các địa phương, Bộ Y tế, các bệnh viện trong khối chỉ đạo tuyến.

Xem thêm: Bác sĩ khuyến cáo: Bệnh đái tháo đường diễn biến âm thầm, cần làm gì để phát hiện bệnh?

Xem thêm: Bác sĩ tư vấn: Chọn giờ đẹp, ngày đẹp để sinh mổ, cẩn trọng những rủi ro sau đây

Xem thêm: Sùi mào gà, cảnh báo những sai lầm trong đời sống tình dục

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên