Bác sĩ khuyến cáo: Bệnh đái tháo đường diễn biến âm thầm, cần làm gì để phát hiện bệnh?
Bệnh đái tháo đường ngày càng trở nên phố biến, thậm chí còn được xem là một ‘dịch bệnh không lây’ ở thế kỷ 21. Trong số phát sóng hôm nay, TS.BS Phan Hữu Hên, phụ trách khoa Nội tiết, bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM sẽ giải đáp về cách phát hiện bệnh này.
Hỏi: Xin chào bác sĩ, xin bác sĩ cho biết những nguyên nhân nào dẫn đến bệnh đái tháo đường?
Bác sĩ: Có những nguyên nhân không thể thay đổi được dẫn đến bệnh đái tháo đường type 2. Đó là các yếu tố về gia đình có cha mẹ, anh chị em ruột, những người thân trực tiếp bị đái tháo đường cũng có thể di truyền cho thế hệ sau. Thứ hai, do tuổi tác, càng lớn tuổi thì lượng đường càng tăng và dẫn đến gia tăng bệnh đái tháo đường.
Bên cạnh đó, có một số yếu tố có thể thay đổi được và đây cũng chính là những nguyên nhân chính yếu dẫn đến đái tháo đường hiện nay. Thứ nhất, béo phì thừa cân. Thứ hai, chế độ ăn mất cân bằng, tức là người bệnh nạp rất nhiều năng lượng, tuy nhiên lại ít vận động dẫn đến tình trạng dư năng lượng. Bị stress, mất ngủ cũng có thể dẫn đến đái tháo đường.
Hỏi: Thưa bác sĩ, nếu bệnh nhân không kịp thời phát hiện hoặc không tuân thủ chế độ điều trị thì có thể gặp những biến chứng nào ạ?
Bác sĩ: Về biến chứng, căn bệnh này có thể khái quát qua một số điểm. Nếu kiểm soát đường huyết kém, không điều trị hoặc bỏ chế độ điều trị mà đường huyết tăng quá mức sẽ dẫn đến những biến chứng cấp. Người bệnh có thể dần hôn mê và tử vong. Đối với các trường hợp còn lại, bệnh nhân sẽ đối mặt với biến chứng mãn tính khi tình trạng kiểm soát đường huyết không hiệu quả. Đây là biến chứng có thể ảnh hưởng đến hầu như các cơ quan trong cơ thể như não, mắt, tim, thận, thần kinh toàn cơ thể và thần kinh ngoại biên. Đồng thời, còn có thể gây ra các biến chứng khác như tăng nguy cơ nhiễm trùng, suy giảm miễn dịch…
Điều đáng lưu ý là những biến chứng này lại xảy ra rất âm thầm. Ví dụ: Đường huyết bình thường của người bệnh dưới 100mg/dL nhưng lại tăng đến khoảng 150 - 200mg/dL. Nhiều người bệnh sẽ cảm thấy điều này bình thường, tuy nhiên biến chứng sẽ âm thầm hình thành sau vài tháng, vài năm và khi phát hiện ra thì hầu như đường huyết không quay lại bình thường được. Những bệnh nhân không đi khám tầm soát định kỳ cho đến khi có triệu chứng như mờ mắt, tiểu nhiều hoặc có vấn đề về nhiễm trùng bàn chân mới đi tái khám thì lúc đó đã rất muộn.
Hỏi: Với diễn tiến âm thầm, nguy hiểm của bệnh đái tháo đường, thì người dân nên làm gì để sớm phát hiện và kịp thời chữa trị, thưa bác sĩ?
Bác sĩ: Nếu trông chờ vào các triệu chứng điển hình '4 nhiều' của căn bệnh này gồm ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân nhiều thì đường huyết đã tăng khá cao dẫn đến nguy hiểm. Trong mức chưa đủ để phát hiện những triệu chứng rõ rệt, người bệnh hầu như sẽ cảm thấy rất bình thường, sẽ chủ quan không đi khám. Mặc dù việc chẩn đoán đái tháo đường rất đơn giản, chỉ cần thực hiện xét nghiệm máu và khoảng 1 tiếng sau đã có kết quả.
Hiện nay, cũng đã có nhiều khuyến cáo, nhiều kênh tăng cường ý thức của người dân về vấn đề này. Cụ thể, đối với người trên 40 tuổi, hằng năm nên tầm soát xét nghiệm máu một lần. Hoặc nếu có người thân mắc đái tháo đường và bản thân cũng có những triệu chứng đặc biệt thì nên thăm khám ngay lập tức.
Xem thêm: Bác sĩ tư vấn: Chọn giờ đẹp, ngày đẹp để sinh mổ, cẩn trọng những rủi ro sau đây
Xem thêm: Sùi mào gà, cảnh báo những sai lầm trong đời sống tình dục
Xem thêm: Bác sĩ tư vấn: Cách phòng ngừa thoái hóa khớp mà bạn nên biết sớm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận