16/01/2024

Trong số phát sóng này, BS.CKII Đoàn Thị Huyền Trân, Trưởng khoa Cơ xương khớp, bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM sẽ giải đáp cụ thể về những nguyên nhân và cách phòng ngừa thoái hóa khớp.

Hỏi: Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng thoái hóa khớp?

Bác sĩ: Thoái hóa khớp thường là bệnh lý của nhóm người bắt đầu vào một độ tuổi nhất định, khoảng 40-45 tuổi. Nếu thoái hóa khớp xảy ra ở một độ tuổi sớm hơn, ta cần xem xét về mặt cấu trúc giải phẫu của chi, khớp đó có bất thường hay không. Những khớp hay gặp tình trạng thoái hóa là khớp gối, sau đó là cột sống (cột sống cổ, cột sống thắt lưng) và một số ít trường hợp ở những vị trí khác như khớp háng, khớp cổ chân, khớp bàn ngón tay.

Nếu thoái hóa khớp xảy ra sớm ở người trẻ trước 40 tuổi thì cần phải xem xét liệu ta có sử dụng khớp này quá nhiều hay không. Việc này thường xảy ra với người trẻ tuổi thường xuyên chơi thể thao hoặc chơi thể thao để lại chấn thương khớp, sau đó không được điều trị, nghỉ ngơi đúng mức. Ngoài ra, cũng có thể là tình trạng chấn thương lặp đi lặp lại sẽ khiến thoái hóa khớp có khả năng xảy ra sớm hơn so với độ tuổi thông thường. Bên cạnh đó, nguyên nhân khác dẫn đến thoái hóa khớp có thể do bệnh nhân có bệnh lý về khớp, điều này cũng làm tổn thương cấu trúc của khớp.

Những người trẻ tuổi đã mắc thoái hóa khớp là rất đáng quan ngại. Bởi lẽ chúng ta chưa có một biện pháp điều trị nội khoa nào can thiệp, giúp phục hồi khớp bị thoái hóa. Do đó, để điều trị thoái hóa khớp tốt nhất, chúng ta nên phòng ngừa trước khi nó xảy ra.

Hỏi: Vậy những đối tượng nào sẽ có nguy cơ thoái hóa khớp và cần phải làm gì để phòng ngừa bệnh này, thưa bác sĩ?

Bác sĩ: Chúng ta cần chú ý những người mà khớp có tình trạng lệch trục, ví dụ như vẹo ngoài (chân vòng kiềng), vẹo trong, gối vẹo ra phía sau… những đối tượng này cần đặc biệt lưu ý hơn trong sinh hoạt hằng ngày, không nên đi bộ quá nhiều, ngồi xổm quá nhiều… Chúng ta cần tránh "sử dụng" nhiều những khớp bị lệch trục, điều này sẽ giúp giảm bớt thời gian bị xảy ra thoái hóa khớp.

Hoặc những người có bàn chân tam giác (ngón chân cái bị vẹo vào trong), hình thoi… Trong những trường hợp nặng, bác sĩ sẽ chỉnh xương sửa trục lại, nếu không, sẽ dễ gây ra thoái hóa khớp ngón chân sớm khiến bệnh nhân đau đớn, khó khăn khi đi lại lúc về già.

Hỏi: Thưa bác sĩ, một số chị em phụ nữ có thói quen ngồi bắt chéo chân và thường xuyên mang giày cao gót, vậy việc làm này sẽ ảnh hưởng thế nào đến xương khớp trong thời gian lâu dài?

Bác sĩ: Nếu ngồi trên ghế bắt chéo chân thì không ảnh hưởng nhiều vì chúng ta không thể ngồi bắt chéo chân liên tục hằng giờ. Vì vậy, tư thế này không thật sự gây hại, nó chỉ không tốt khi mang giày cao gót quá lâu. Khi mang giày quá cao, mũi chân sẽ chịu toàn bộ trọng lực của toàn cơ thể. Các ngón chân về lâu dài sẽ bị biến dạng.

Đồng thời, việc này cũng gây ảnh hưởng đến khớp cột sống thắt lưng vì phải chịu lực nhiều hơn khiến ta dễ bị đau lưng. Ta chỉ nên mang giày cao gót trong những bữa tiệc đặc thù, còn trong sinh hoạt hàng ngày, nên mang giày có độ cao vừa phải, thuận tiện hơn cho ta trong việc đi lại.

Chỉ nên mang giày khoảng 3 phân, đế có độ dày hơn ở phía trước sẽ giúp độ đàn hồi nhiều hơn, gan bàn chân không bị tiếp xúc trực tiếp quá nhiều với nền đất cứng. Đi giày cao 7 phân với độ cao phía trước 2 phân thì vẫn dễ chịu hơn việc đi một đôi giày 5 phân và phía đế trước chỉ rất mỏng khoảng 1cm.

Hỏi: Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm được quảng cáo là thuốc phòng và chữa bệnh thoái hóa khớp hoặc dưới dạng thực phẩm chức năng uống kèm hỗ trợ chữa bệnh. Vậy bệnh nhân có nên sử dụng các sản phẩm này không, thưa bác sĩ?

Bác sĩ: Không có một phương thuốc nào hiệu quả đặc biệt để cải tạo các khớp đã "già cỗi". Nếu muốn tránh được thoái hóa khớp, bạn cần phải chú ý chăm sóc các khớp từ khi còn trẻ từ việc chơi thể thao, sinh hoạt hằng ngày, mang giày cao gót… Hoặc là chữa dứt điểm những chấn thương thể thao thì mới hy vọng không bị thoái hóa khớp sớm.

Xem thêm: Bác sĩ hướng dẫn: Cách sơ cứu khi bị chấn thương vùng đầu, tránh sai lầm nguy hiểm

Xem thêm: Bệnh suy giãn tĩnh mạch: Tại sao phải đeo vớ y khoa, tiêm xơ có hiệu quả không?

Xem thêm: Bác sĩ khuyến cáo: Bệnh hô hấp tăng cao, cảnh báo các loại vi khuẩn, virus gây bệnh

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên