Ngày 13-8-2018, Tổng thống Donald Trump ký dự thảo Luật chi tiêu quốc phòng (NDAA) tài khóa 2019, trong đó cấm sử dụng sản phẩm và dịch vụ của Huawei và ZTE - Ảnh: AFP
Tôi nghĩ rằng Huawei cũng như ZTE và nhiều doanh nghiệp Trung Quốc khác đang đe dọa lợi ích quốc gia, lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của chúng tôi
Nghị sĩ Mỹ MARCO RUBIO trả lời kênh truyền hình CBS ngày 9-12
Trung tuần tháng 2-2018, điều trần trước Ủy ban Tình báo thượng viện, lãnh đạo sáu cơ quan tình báo Mỹ - trong đó có CIA, FBI và Cục An ninh quốc gia (NSA) - cùng cảnh báo người dân Mỹ không nên dùng các sản phẩm và dịch vụ do Huawei và Tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông ZTE cũng của Trung Quốc cung cấp.
Cuộc phối hợp nhiều nước
Từ năm 2008, Chính phủ Mỹ đã ngăn cản Huawei mua lại Công ty thiết bị mạng 3Com ở Marlborough (bang Massachusetts). Ba năm sau, Mỹ yêu cầu Công ty viễn thông Sprint Nextel xem xét lại hợp đồng mua linh kiện từ nhà cung cấp Huawei để xây dựng mạng 4G.
Năm 2012, hồ sơ của Huawei tham gia đấu thầu dự án cáp ngầm viễn thông xuyên Đại Tây Dương Hibernia Express bị loại.
Đầu năm 2018, hai tập đoàn viễn thông Mỹ AT&T và Verizon quyết định không bán điện thoại của Huawei nữa. Ít lâu sau đó, các binh sĩ Mỹ đã nhận được lệnh không sử dụng điện thoại của Huawei.
Mỹ gây sức ép với ZTE tương tự Huawei. Tháng 3-2017, ZTE thừa nhận đã cung cấp trái phép công nghệ Mỹ cho Iran và chịu nộp phạt gần 1,2 tỉ USD.
Ngày 3-10-2018, tòa án Mỹ kết luận ZTE vẫn tiếp tục vi phạm trong thời gian bị giám sát nên kéo dài thêm hai năm giám sát đến năm 2022.
Ngày 13-8, Tổng thống Donald Trump đã ký dự thảo Luật chi tiêu quốc phòng (NDAA) ấn định mức chi tiêu quốc phòng 716 tỉ USD trong tài khóa 2019. Đạo luật có điều khoản cấm sử dụng phần lớn sản phẩm công nghệ của Huawei và ZTE trong các cơ quan chính phủ và các nhà thầu Mỹ.
Mỹ còn thuyết phục các nước đồng minh tẩy chay Huawei và ZTE.
Báo Wall Street Journal tiết lộ hồi tháng 7-2018, cuộc họp thường niên của lãnh đạo các cơ quan tình báo năm nước liên minh tình báo Five Eyes (Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand) tại Ottawa (Canada) đã quyết định năm nước sẽ cùng phối hợp cấm Huawei tham gia mạng 5G.
Các lãnh đạo tình báo cũng phải bày tỏ công khai mối quan tâm với Trung Quốc. Lý do được đưa ra là có nhiều yếu tố cho thấy thiết bị của Huawei còn có chức năng làm gián điệp, từ đó có thể giúp Trung Quốc tăng cường năng lực tình báo mạng và tiềm lực quân sự.
Hơn một tháng sau cuộc họp, ngày 23-8, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã gọi điện cho ông Trump thông báo Úc đã cấm Huawei và ZTE tham gia cung cấp mạng 5G.
Hai tháng sau, New Zealand quyết định cấm Huawei cung cấp thiết bị 5G cho Công ty Spark.
Đến ngày 6-12, giám đốc Cơ quan Tình báo an ninh Canada, ông David Vigneault, tuyên bố có dấu hiệu về hoạt động tình báo liên quan đến trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và 5G do nước ngoài bảo trợ.
Từ năm 2012, Canada đã cấm một số nhà cung cấp nước ngoài tham gia xây dựng mạng chính phủ, như vậy Huawei cũng hết đường làm ăn.
Người Trung Quốc chụp ảnh máy bán hàng tự động tại gian hàng khuyến mãi của Huawei ở Thiên Tân - Ảnh: Reuters
Châu Âu: kẻ gật - người lắc
Tháng trước, Mỹ đã mở chiến dịch vận động Đức, Ý, Nhật tẩy chay thiết bị của Huawei. Ngày 10-12, Chính phủ Nhật đã quyết định loại bỏ thiết bị của Huawei và ZTE trong đấu thầu dịch vụ công.
Tập đoàn viễn thông Softbank ở Nhật cũng dự kiến rút hết thiết bị của Huawei và ZTE khỏi mạng 5G.
Tại châu Âu hôm 7-12, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Andrus Ansip thẳng thừng tuyên bố: "EU cần phải quan ngại Huawei và nhiều doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc khác vì nguy cơ ảnh hưởng đến lĩnh vực liên quan và an ninh của EU".
Ông giải thích các công ty công nghệ Trung Quốc có thể bị bắt buộc hợp tác với các cơ quan tình báo Trung Quốc và các công ty này đang sản xuất vi mạch có thể được sử dụng để khai thác bí mật của EU.
"Cũng như các công dân bình thường, chúng ta cần phải sợ", Ông nói.
Trong liên minh tình báo Five Eyes, tình hình của Anh có phần phức tạp hơn vì cách đây 15 năm Tập đoàn British Telecom (BT) đã ký hợp đồng với Huawei khai thác mạng 3G và 4G.
Song đầu tháng 12-2018, BT thông báo không sử dụng thiết bị của Huawei trong mạng 5G và loại bỏ công nghệ Huawei đối với 3G và 4G.
Hôm 3-12, giám đốc Cơ quan tình báo nước ngoài MI6 Alex Younger phát biểu nhấn mạnh Anh sử dụng thiết bị của Huawei cho mạng 5G sẽ gây rủi ro lớn về an ninh.
Gần đây nhất, vào ngày 18-12, Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babiš thông báo cấm các nhân viên văn phòng chính phủ sử dụng điện thoại di động nhãn hiệu Huawei. Trước đó Bộ Công nghiệp và thương mại đã ban hành lệnh cấm.
Văn phòng quốc gia về an ninh mạng và thông tin công bố báo cáo nhận xét điện thoại di động của Huawei và ZTE có thể làm phương hại đến an ninh quốc gia.
Thật ra không phải nước thành viên EU nào cũng đánh giá thiết bị Huawei ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Đức, Pháp và Bồ Đào Nha đã yêu cầu Mỹ cung cấp bằng chứng. Đức mạnh miệng cho rằng cơ quan an ninh nước này đủ khả năng phát hiện gián điệp điện tử.
Các tập đoàn viễn thông Đức như Deutsche Telecom, Telefonica Deutschland và Vodaphone khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác Huawei thiết lập mạng 5G. Pháp không cấm Huawei nhưng thủ thân theo cách khác.
Báo Challenge tiết lộ từ năm 2015, Bộ Kinh tế Pháp đã lập một dự án mang mật danh "Người gác cổng" nhằm giám sát Huawei. Dự án bao gồm sáu bộ, các cơ quan tình báo và Cơ quan quốc gia về an ninh hệ thống thông tin Pháp.
Đến nay Huawei vẫn tiếp tục bảo vệ quan điểm không có chứng cứ Huawei hợp tác tình báo với Chính phủ Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo ở Thâm Quyến hôm 18-12, Chủ tịch Ken Hu khẳng định "không có bằng chứng Huawei đe dọa an ninh quốc gia của bất kỳ nước nào". Ông nói khách hàng vẫn tin tưởng vào Huawei mặc dù có chiến dịch gièm pha.
Song song đó, Huawei cũng quyết định mở cửa các phòng nghiên cứu cho các nhà báo tham quan. Phản ứng từ Huawei chắc chắn không mang lại kết quả một khi Mỹ đã cáo buộc Huawei và ZTE như "con ngựa thành Troia" nằm vùng đánh cắp thông tin hoặc tấn công mạng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận