17/12/2018 13:05 GMT+7

Ván cờ thế Huawei - kỳ 3: Huawei xây dựng đế chế từ 5.000 USD

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Huawei (Hoa Vi) do ông Nhậm Chính Phi sáng lập năm 1987 với số vốn ban đầu chỉ 20.000 nhân dân tệ (khoảng 5.000 USD vào thời điểm đó).

Ván cờ thế Huawei - kỳ 3: Huawei xây dựng đế chế từ 5.000 USD - Ảnh 1.

Trụ sở Huawei tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, nơi chào đời của tập đoàn hàng đầu Trung Quốc hiện nay - Ảnh: Reuters

Sau bốn thập kỷ phát triển, nó đã trở thành tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới, sản xuất nhiều sản phẩm như điện thoại thông minh, máy tính bảng, thiết bị mạng di động và mạng băng thông rộng cố định, với doanh thu năm 2017 lên tới 92,5 tỉ USD.

Có nhiều ngộ nhận về Huawei cả trong và ngoài Trung Quốc. Nhưng, miễn là chúng ta làm việc chăm chỉ, cuối cùng họ sẽ biết chúng ta là ai. Chúng ta không cần phải cố gắng giải thích chúng ta là cái gì. Làm vậy chỉ gây thiệt cho việc làm ăn. Làm sao chúng ta có thể tồn tại nếu không làm ra tiền?

Nhà sáng lập Huawei NHẬM CHÍNH PHI tuyên bố trước các nhân viên tập đoàn năm 2015

Huawei luôn khẳng định họ là công ty tư nhân thuộc sở hữu của tất cả lao động và không niêm yết cổ phiếu ở bất kỳ sàn chứng khoán nào. Trong các báo cáo tài chính thường niên, tập đoàn có trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc) cho biết nhà sáng lập Nhậm Chính Phi giữ 1,4% cổ phần, số còn lại được chia đều cho tất cả 180.000 nhân viên.

Sự thật có đúng như vậy?

Những quan hệ nhằng nhịt cấp cao

Nhiều tờ báo phương Tây cho rằng Huawei phất lên nhanh nhờ có quan hệ với nhiều lãnh đạo chính trị Trung Quốc. Đây cũng là con đường làm giàu quen thuộc của không ít tỉ phú mới tại Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2013, bà Mạnh Vãn Chu, con gái lớn của ông Nhậm Chính Phi với người vợ đầu, tiết lộ đã đổi sang họ mẹ vào năm 16 tuổi, tức năm 1988 - chỉ một năm sau khi Huawei được thành lập.

Nhưng theo tờ Epoch Times có trụ sở tại Mỹ, bà giám đốc tài chính toàn cầu của Huawei (hiện đang được tự do theo điều kiện đóng bảo hiểm tại Canada) đã theo họ mẹ ngay từ khi chào đời bởi xuất thân bần hàn của cha.

Thậm chí có thông tin cho biết trong thời gian tham gia quân đội, ông Nhậm Chính Phi đã không thể thăng tiến do lai lịch không được tốt, xuất phát từ sự dính líu của gia đình đối với Quốc dân đảng.

Nhưng gia đình bên vợ lại là chuyện khác. Cha vợ ông Nhậm từ một sĩ quan quân đội đã trở thành bí thư thành ủy một thành phố ở Tứ Xuyên, rồi đại biểu Quốc hội Trung Quốc trong những năm 1980.

Tờ Epoch Times cho rằng mối quan hệ chính trị của cha vợ đã giúp người con rể Nhậm Chính Phi được "thơm lây".

Mối quan hệ khác được tiết lộ qua một báo cáo của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Chủ tịch Huawei kể từ năm 1999 đến nay, bà Tôn Á Phương (Sun Yafang) có xuất thân từ Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc (MSS) là cơ quan tình báo đầu não lớn nhất của Trung Quốc.

Mối quan hệ giữa bà Tôn và ông Nhậm tuy vậy không hoàn toàn tốt. Năm 2010, bà này gây sức ép để ông Nhậm từ bỏ nỗ lực đưa con trai là Nhậm Bình trở thành "thái tử" Huawei, một động thái mà tờ Epoch Times bình luận là dấu hiệu cho thấy mức độ ảnh hưởng của MSS tại Huawei lớn ra sao.

Một năm sau đó, bà Mạnh Vãn Chu được chỉ định trở thành giám đốc tài chính toàn cầu của Huawei. Quan hệ cha con giữa Mạnh Vãn Chu và Nhậm Chính Phi nhận được sự chú ý rộng rãi trong năm 2013.

Ván cờ thế Huawei - kỳ 3: Huawei xây dựng đế chế từ 5.000 USD - Ảnh 3.

Người sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi (phải), giới thiệu văn phòng của tập đoàn này ở thủ đô London (Anh) với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2015 - Ảnh: AFP

"Vạn lý tường lửa" và vai trò của Huawei

Tập đoàn Huawei được cho là đóng vai trò sâu rộng trong việc xây dựng và nâng cấp "Vạn lý tường lửa" - hệ thống kiểm soát thông tin trên mạng Internet được đưa ra dưới thời ông Giang Trạch Dân.

Một thành tố quan trọng trong giai đoạn đầu của Vạn lý tường lửa là dự án Lá chắn vàng. Năm 2003, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc cho biết chi phí xây dựng Lá chắn vàng tính từ năm 2001 đến cuối năm 2002 đã tiêu tốn hết 6,4 tỉ nhân dân tệ (khoảng 770 triệu USD vào thời điểm đó).

"Với quy mô, chi phí và tầm quan trọng liên quan tới Vạn lý tường lửa, ông Giang Trạch Dân có lẽ đã không chọn Huawei nếu ông không tin tưởng công ty này và không hài lòng với nền tảng chính trị của nó" - tờ Epoch Times bình luận.

Tuy nhiên tham vọng mở rộng sự hiện diện của Huawei tại Mỹ liên tục bị chặn đứng với lý do đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Nhưng theo báo Wall Street Journal, không có thị trường Mỹ, Huawei vẫn là nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới.

Năm ngoái tập đoàn này chiếm tới 22% thị phần toàn cầu, bỏ xa các đối thủ kế tiếp là Nokia (13%), Ericsson (11%) và ZTE (10%).

Dẫu nhiều nhà mạng Mỹ đã không sử dụng các thiết bị của Huawei từ lâu nhưng các công ty mẹ của chúng thì có. Điển hình như Deutsche Telekom - tập đoàn viễn thông Đức giữ cổ phần lớn nhất của nhà mạng T-Mobile và SoftBank - công ty mẹ của Sprint.

Đó là lý do khiến Mỹ thi triển nhiều cách để buộc các nước quay lưng với Huawei.

Các thiệt hại của Huawei, từ khi bị nghi ngờ và từ chối từ chính phủ một số quốc gia cũng như sau vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, đến giờ phút này được xếp vào dạng tiềm tàng, chưa có ước tính cụ thể, chủ yếu là việc mất thị phần và hợp đồng cũng như đổ sông đổ biển các nỗ lực xây dựng hình ảnh.

Một hậu quả thú vị nhưng nghiêm trọng có thể xảy ra nếu các công ty viễn thông chấm dứt mối quan hệ với Huawei.

"Trạng chết, chúa cũng băng hà" - nhưng giờ là ngược lại, trước khi "chúa" là Huawei chết, Telus Corp và BCE Inc - hai nhà mạng viễn thông hàng đầu Canada - sẽ phải đối mặt với việc thiệt hại ít nhất 1 tỉ USD nếu Canada ghi tên vào danh sách các nước nói không với Huawei dưới sức ép từ Mỹ. 

Chi phí này (có khả năng là tiền túi) phần lớn bỏ ra cho việc gỡ bỏ thiết bị của Huawei khỏi cơ sở hạ tầng di động và lắp đặt các thiết bị mới mua khác. "Chúa" Huawei chỉ có một nhưng "trạng" thì nhiều, đủ cỡ lớn nhỏ.

Trong suốt nhiều tháng trời kể từ khi có thông tin Huawei chính thức bị Mỹ điều tra, các nhà điều tra đã tìm kiếm cơ hội bắt giữ bà Mạnh nhưng gần như tuyệt vọng. Người phụ nữ sử dụng hết bảy cuốn hộ chiếu trong vòng 11 năm vẫn bặt vô âm tín trên đất Mỹ.

Bằng một cách nào đó, Mỹ đã biết được việc bà giám đốc tài chính Huawei sẽ quá cảnh 12 tiếng tại sân bay quốc tế Vancouver của Canada hai ngày trước khi bà đến.

“Trừ khi bà Mạnh bị tạm giữ ở Canada trong lúc quá cảnh, sẽ cực kỳ khó nếu không muốn nói là bất khả thi để bảo đảm bà ta sẽ xuất hiện tại Mỹ cho quá trình tố tụng” - Mỹ thừa nhận trong yêu cầu bắt giữ bà Mạnh gửi Canada.

Kỳ 4: Vì sao Mỹ ra tay với Huawei?

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên