Bà Mạnh Vãn Chu vẫy tay chào khi máy bay chở bà đáp xuống sân bay quốc tế Bảo An, Thâm Quyến tối 25-9 - Ảnh: XINHUA
Sau 1.028 ngày bị giam lỏng ở Canada, bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của Tập đoàn Huawei, trở về Thâm Quyến, Trung Quốc hôm 25-9. Bà được chào đón như một người hùng với thảm đỏ và được truyền hình trực tiếp trên đài quốc gia.
Cách đó nửa vòng trái đất, hai công dân Canada bị Trung Quốc bắt giữ, trong đó một người chưa bị tuyên án, cũng trở về nước trong sự chào đón của Thủ tướng Justin Trudeau ngày 25-9 giờ địa phương.
Cú bắt tay của Mỹ-Trung
Cuộc trao đổi, mà Canada gọi là "ngoại giao con tin", diễn ra trong lúc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đứng trước sức ép cải thiện quan hệ với Trung Quốc.
Tại phiên tòa ở Canada ngày 24-9, "công chúa" Huawei Mạnh Vãn Chu xúc động khi được phóng thích và cảm ơn thẩm phán đã trả lại "công bằng" cho bà. Trước đó, tại phiên tòa trực tuyến với tòa án ở New York (Mỹ), bà thừa nhận đã đưa thông tin sai cho Ngân hàng HSBC liên quan đến việc một công ty thuộc kiểm soát của Huawei vi phạm lệnh trừng phạt của Washington với Iran.
"Không có một quê hương mạnh mẽ, tôi đã không có tự do ngày hôm nay" - bà Mạnh phát biểu trên chuyến bay trở về Trung Quốc ngay sau đó. Sự việc khép lại căng thẳng kéo dài ba năm qua nhưng mở ra những lo ngại đằng sau cuộc thương lượng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo báo New York Times, trong khi tòa án Canada nghe các tranh luận bất tận về cáo buộc bà Mạnh cố tình lừa dối Ngân hàng HSBC hay không, Washington và Bắc Kinh được cho là đã thương lượng để tìm giải pháp chung. Một số nguồn tin cho biết các cuộc đàm phán giữa đội ngũ của bà Mạnh và Bộ Tư pháp Mỹ đã bắt đầu hơn một năm qua.
Tuy nhiên, tình hình không mấy tiến triển khi phía bà Mạnh khẳng định không sai phạm trong khi Washington muốn "công chúa Huawei" thừa nhận đã vi phạm luật của Mỹ.
Theo báo Wall Street Journal, chính quyền ông Biden đã thúc đẩy đàm phán lại trong vài tuần qua và bà Mạnh cũng muốn sớm đoàn tụ với gia đình sau hàng loạt phiên tòa ở Canada. Còn tại Trung Quốc, Bắc Kinh cũng bắn tín hiệu muốn giải quyết vấn đề khi tuyên án và yêu cầu trục xuất Michael Spavor, một trong hai công dân Canada bị bắt, nhưng không nói rõ thời gian.
Đối với Bộ Ngoại giao Mỹ, số phận của hai công dân Canada cũng là vấn đề ưu tiên. Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 7-2021, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy R. Sherman đã "nêu trường hợp của các công dân Mỹ và Canada".
Mới nhất, vào tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và các phát biểu của ông Tập sau đó tiếp tục cho thấy Bắc Kinh đang muốn hạ nhiệt căng thẳng.
John Kamm, một doanh nhân Mỹ có nhiều kinh nghiệm đàm phán với quan chức Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh có thể cũng phóng thích các công dân Mỹ trong vụ trao đổi này và đây có thể là một bước giúp giải quyết các vấn đề khác giữa hai nước trong thời gian tới.
Trung Quốc đang thể hiện rằng nếu bạn đưa cho họ những gì họ muốn, họ sẽ trả lại theo thỏa thuận.
Chuyên gia luật Donald C. Clarke, thuộc Đại học George Washington, cảnh báo về việc Trung Quốc có thể áp dụng "ngoại giao con tin" với các nước khác.
Ông Biden hứng chỉ trích
Giới quan sát đánh giá thỏa thuận phóng thích bà Mạnh là sự nhượng bộ lớn nhất của Mỹ trong nhiều năm qua để xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc sau khi tung dồn dập hàng loạt trừng phạt với Bắc Kinh. Riêng căng thẳng quanh vụ Huawei đã gây thiệt hại hàng tỉ USD về thương mại và kéo quan hệ Trung Quốc - Canada chạm đáy.
Henry Wang Huiyao, người sáng lập Trung tâm nghiên cứu chính sách Trung Quốc và toàn cầu hóa ở Bắc Kinh, cho rằng việc phóng thích bà Mạnh là một động thái rất quan trọng và tượng trưng cho một sự khởi đầu mới đối với Trung Quốc và Mỹ.
"Tiếp theo có thể có sự hợp tác về biến đổi khí hậu và thuế quan", ông Huiyao nêu.
Tuy nhiên nhiều ý kiến khác, đặc biệt là các chính trị gia Mỹ, cảnh báo khả năng ngược lại.
"Tôi rất lo lắng rằng việc này cho thấy chính quyền Biden có thể nhượng bộ nhiều hơn", thượng nghị sĩ Cộng hòa Bill Hagerty nói, cho rằng Mỹ đã để mất một đòn bẩy của mình sau khi đồng ý thả bà Mạnh.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jim Risch cũng cho rằng thỏa thuận thả bà Mạnh là "chiến thắng" của Trung Quốc, cũng như phương pháp "sử dụng công dân nước ngoài để mặc cả" của nước này. Lo ngại của các nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ không phải là không có lý khi giới phân tích cho rằng vụ thả bà Mạnh có thể gây những hậu quả khác đối với Mỹ.
"Nó cho thấy chúng ta đang gửi tín hiệu sai lầm rằng ngoại giao con tin có hiệu quả. Tôi nghĩ từ bây giờ nếu Mỹ yêu cầu bất cứ đồng minh nào bắt người thay cho họ, sẽ không ai làm" - chuyên gia Lynette Ong của Đại học Toronto nhận định trên tờ The Star.
Giáo sư luật Julian Ku, thuộc Đại học Hofstra ở New York, cũng cho rằng việc bà Mạnh được trở về nước và thoát trách nhiệm hình sự dù đã thừa nhận sai phạm cũng gây thiệt hại không nhỏ đối với hệ thống tư pháp của Mỹ và Canada.
Đạt thỏa thuận hoãn truy tố
Theo Hãng tin Bloomberg, sau phiên tòa ngày 24-9, các công tố viên Mỹ cho biết họ đã đạt thỏa thuận hoãn truy tố với bà Mạnh khi "công chúa Huawei" đã "nhận trách nhiệm về vai trò chính của mình trong việc thực hiện kế hoạch lừa một tổ chức tài chính toàn cầu".
Nếu bà tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận, các cáo buộc cuối cùng sẽ bị xóa bỏ vào tháng 12-2022. Phía Trung Quốc vẫn giữ lập trường rằng các cáo buộc đối với bà Mạnh là "bịa đặt" và nhằm đàn áp các ngành công nghệ cao của Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận