16/12/2018 13:17 GMT+7

Ván cờ thế Huawei - kỳ 2: Huawei đã vi phạm lệnh cấm vận như thế nào?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Huawei (Hoa Vi) có lẽ đã mải mê xây dựng "đế chế" trải khắp toàn cầu, hoặc quá tự tin vào khả năng che giấu tinh vi mà không hề biết rằng mối quan hệ làm ăn của mình với một số quốc gia đã lọt vào tầm ngắm các nhà điều tra Mỹ.

Ván cờ thế Huawei - kỳ 2: Huawei đã vi phạm lệnh cấm vận như thế nào? - Ảnh 1.

Nhân viên an ninh canh gác ở cổng trụ sở Huawei tại Bắc Kinh ngày 6-12 - Ảnh: REUTERS

Năm 2016, trong lúc ZTE - một tập đoàn công nghệ của Trung Quốc, đối thủ chính của Hoa Vi - bị Mỹ điều tra với cáo buộc bán các sản phẩm có yếu tố trí tuệ Mỹ cho một số quốc gia bị cấm vận, giám đốc tài chính (CFO) của tập đoàn này đã bị bắt giữ tại sân bay Logan ở thành phố Boston (Mỹ).

Cuộc điều tra ZTE năm xưa, vốn chỉ mới chính thức khép lại vào tháng 6-2018, đã hé mở những bí mật động trời về một công ty đã nhiều lần qua mặt trót lọt lệnh cấm của Mỹ mà đến giờ phút này, theo nhiều người, đó chính là Hoa Vi.

Việc bắt giữ phi pháp hai công dân Canada là không thể chấp nhận. Họ cần được thả về… Chúng tôi yêu cầu tất cả các nước trên thế giới đối xử đúng đắn với các công dân khác

Ngoại trưởng Mỹ MIKE POMPEO hướng đến Trung Quốc trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Canada, bà Chrystia Freeland, tại Washington ngày 14-12

F7 là công ty nào?

Hoa Vi bắt đầu bị Mỹ dòm ngó từ năm 2012, nhưng chỉ mới bị đặt trong tầm ngắm kể từ năm 2016. 

Tháng 3-2016, khi Mỹ bắt đầu trừng phạt ZTE vì làm ăn với Iran, một tài liệu nội bộ có từ năm 2011 của tập đoàn này đã được Washington công bố, trong đó mô tả cách thức ZTE thành lập những công ty bình phong để ký kết các hợp đồng với những quốc gia nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ như Iran, Triều Tiên.

Tài liệu của ZTE đã gây tò mò vào thời điểm đó khi nhắc đến một đối thủ cạnh tranh bằng mật danh F7, với thông tin cho biết F7 cũng đã thành lập nhiều công ty tương tự nhưng thành công hơn cả ZTE.

Theo tài liệu này, bằng cách tuyển dụng các chuyên gia, đưa họ vào những công ty "có vẻ như độc lập", F7 có thể kiểm soát và giảm thiểu hiệu quả các rủi ro. 

Một chuyên gia về xuất khẩu đến từ Tập đoàn Texas Instruments và một luật sư người Mỹ gốc Hoa rành về luật xuất khẩu Mỹ đã được F7 thuê theo cách như vậy.

Tiêu chí lựa chọn đối tác của F7 cũng được mô tả khá rõ trong tài liệu của ZTE, đó là những công ty mang tiếng là độc lập và có thể thay mặt F7 làm ăn tại những nước bị Mỹ cấm vận. 

"Năng lực tài chính và khả năng giảm thiểu rủi ro của F7 là rất mạnh so với tập đoàn chúng ta" - tài liệu năm 2011 của ZTE thừa nhận.

Hoa Vi liên tục bị gửi trát

Theo báo New York Times, mọi mô tả về công ty F7 trong tài liệu của ZTE khá khớp với gã khổng lồ Hoa Vi. 

Tài liệu năm 2011 cho biết F7 đã cố gắng mua lại một công ty Mỹ có tên 3Leaf nhưng vấp phải sự phản đối của giới chức Washington, nhưng thực tế trong cùng năm đó Hoa Vi cũng đồng ý mua phần lớn các tài sản của 3Leaf và từ bỏ thương vụ vào tháng 2-2011, trước sự chống đối của các quan chức Mỹ.

 Thậm chí tài liệu của ZTE còn cho biết F7 có liên doanh với Symantec - một công ty bảo mật kỹ thuật số của Mỹ.

Các quan chức ZTE đã trốn tránh mọi yêu cầu nêu danh tính thật sự của F7, trong khi Hoa Vi không phủ nhận cũng chẳng xác nhận, chỉ đơn giản khước từ bình luận về vụ việc nêu trong tài liệu của ZTE.

Nhưng các nhà điều tra Mỹ đã không bỏ qua dễ dàng. 

Tháng 6-2016, Bộ Thương mại Mỹ gửi trát đến trụ sở tại Mỹ của Hoa Vi, yêu cầu tập đoàn này cung cấp tất cả thông tin liên quan tới việc xuất khẩu hoặc tái xuất các sản phẩm có chứa sản phẩm trí tuệ công nghệ Mỹ đến các nước Cuba, Iran, Triều Tiên, Sudan và Syria trong vòng 5 năm trước năm 2016. 

Trong cùng năm đó, 10 nghị sĩ Mỹ cùng đứng chung tên trong một lá thư gửi đến Bộ Thương mại, khẳng định họ tin rằng F7 chính là Hoa Vi!

Tháng 4-2017, dưới thời chính quyền Donald Trump, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục gửi trát đến Hoa Vi với yêu cầu tương tự, đòi tập đoàn này phải chỉ đích danh những cá nhân đứng đằng sau các giao dịch với những nước bị cấm vận. 

Các nhà lập pháp tiếp tục gây sức ép lên Bộ Tài chính, yêu cầu công khai danh tính và điều tra toàn diện F7.

Đúng một năm sau đó, tháng 4-2018, báo chí Mỹ đồng loạt đưa tin Hoa Vi đã chính thức bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra với cáo buộc vi phạm các lệnh cấm vận đơn phương của Mỹ đối với Iran.

Ván cờ thế Huawei - kỳ 2: Huawei đã vi phạm lệnh cấm vận như thế nào? - Ảnh 3.

Bà Mạnh Vãn Chu tham dự diễn đàn kêu gọi đầu tư ở Nga vào tháng 10-2014 với sự hiện diện của Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Reuters

Tại sao lại là Mạnh Vãn Chu?

Hoa Vi chưa bao giờ thú nhận đã làm bất cứ điều gì sai trái, khẳng định luôn tuân thủ pháp luật các nước mà họ làm ăn và phối hợp với các nhà điều tra khi cần thiết. Nhưng vụ bắt giữ CFO Hoa Vi Mạnh Vãn Chu cho thấy có vấn đề trong cách làm ăn của tập đoàn Trung Quốc này.

Năm 2013, Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin riêng tiết lộ Skycom Tech - một công ty có trụ sở ở Hong Kong - đã tìm cách bán các hệ thống máy tính HP do Mỹ sản xuất cho nhà mạng di động lớn nhất của Iran.

Mối quan hệ giữa Skycom và Hoa Vi nhanh chóng được phát hiện là gần gũi hơn rất nhiều so với người ta nghĩ. Bà Mạnh từng tham gia hội đồng quản trị Skycom từ tháng 2-2008 đến tháng 4-2009. Nhiều giám đốc trước và hiện tại của Skycom đều có liên hệ mật thiết với Hoa Vi, Reuters khẳng định.

Năm 2011, cùng năm ZTE lưu hành tài liệu nội bộ về đối thủ F7, bà Mạnh được chỉ định trở thành CFO toàn cầu của Hoa Vi sau 18 năm gia nhập tập đoàn. 

Theo một tài liệu được Đài CNN tiếp cận, trong cuộc gặp với một ngân hàng đối tác của Hoa Vi năm 2013, bà Mạnh đã huyên thuyên bằng tiếng Anh về một bài thuyết trình được chuẩn bị sẵn bằng... tiếng Trung rằng mối quan hệ giữa Hoa Vi với Skycom chỉ là "làm ăn bình thường".

Tài liệu tòa án không tiết lộ danh tính của ngân hàng này, nhưng luật sư của bà Mạnh ngày 7-12 đã xác nhận đó là HSBC. Hơn 100 triệu USD trong các giao dịch của Skycom đã chảy qua Mỹ thông qua hệ thống ngân hàng của HSBC giai đoạn 2010 - 2014.

Các nhà điều tra Mỹ khẳng định bài thuyết trình của bà Mạnh "chứa đầy thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm về mối quan hệ giữa Hoa Vi với Skycom và mức độ kiểm soát của nó".

"Mạnh Vãn Chu và các quan chức Hoa Vi khác đã liên tục lừa dối về mối quan hệ thật sự giữa Hoa Vi và Skycom, cùng thực tế Skycom hoạt động như một công ty con của Hoa Vi tại Iran để tiếp tục sử dụng các dịch vụ ngân hàng của Mỹ" - Đài CNN dẫn nội dung yêu cầu bắt giữ bà Mạnh của Mỹ gửi đến nhà chức trách Canada.

Các chuyên gia tư pháp nhận xét nếu Hoa Vi đã thực sự bán các hàng hóa có yếu tố trí tuệ Mỹ cho những thực thể bị cấm vận và che giấu động cơ với HSBC, bà Mạnh sẽ phải đối mặt thêm tội danh lừa đảo ngân hàng. 

Vụ điều tra Hoa Vi của Mỹ có thể chấm dứt theo cách mà họ đã làm với ZTE, hoặc một cách rất khác.

Kỳ 3: Huawei xây dựng đế chế từ 5.000 USD

Ván cờ thế Huawei - Kỳ 1: Đòn đáp trả của Bắc Kinh Ván cờ thế Huawei - Kỳ 1: Đòn đáp trả của Bắc Kinh

TTO - Việc Trung Quốc và Canada bắt giữ công dân của nhau cho thấy vụ việc bà Mạnh Vãn Chu - giám đốc tài chính toàn cầu (CFO) Tập đoàn Huawei - bất ngờ bị bắt tại Vancouver đang trở thành một ván cờ đầy cân não giữa các tay chơi lớn.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên