19/12/2018 11:35 GMT+7

Ván cờ thế Huawei: Cái chết bí ẩn của nhà khoa học Trung Quốc

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei, thường đầy tự hào kể về cách ông ta đã giấu 10.000 USD trong mép áo khi lần đầu tiên đến Mỹ học hỏi công nghệ.

Ván cờ thế Huawei: Cái chết bí ẩn của nhà khoa học Trung Quốc - Ảnh 1.

Nhà khoa học Zhang Shoucheng và quỹ đầu tư mạo hiểm mang danh nghĩa cá nhân của ông đang bị đặt dấu chấm hỏi lớn - Ảnh: chụp màn hình

Hàng tỉ đôla thì không thể giấu trong mép áo, nhưng Trung Quốc có cách để làm điều đó.

Năm 1997, sau thời gian nhập các thiết bị chuyển mạch điện thoại của nước ngoài về bán trong nước và sao chép, Huawei bắt đầu nhắm ra thị trường ngoài Trung Quốc. 

Nhậm Chính Phi hướng tới Mỹ - cửa ngõ tiến ra thị trường toàn cầu với những tên tuổi lớn như Bell Labs và IBM. Sự phát triển của Huawei trong vòng vài thập kỷ qua có thể gọi là "thần kỳ" nếu tất cả đều đến từ sự tự nỗ lực và tự nghiên cứu, vươn lên của nó.

Chiêu bài ngân lượng

Ông Zhang Shoucheng là một nhà vật lý học ở Đại học Standford (Mỹ) và cũng là một nhà đầu tư mạo hiểm. Ông ta đã qua đời ngày 1-12, tức đúng vào ngày giám đốc tài chính (CFO) toàn cầu Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, bị bắt ở Canada. 

Cái chết của ông Zhang, sau "thời gian dài đấu tranh với chứng trầm cảm", gần như chẳng ai chú ý bởi cái bóng quá lớn của vụ bắt giữ CFO Huawei.

Thế nhưng ông Zhang, người được dự báo đoạt giải Nobel vì những nghiên cứu về vật lý lượng tử, không phải là nhân vật tầm thường. 

Ngoài tài năng nghiên cứu, ông còn thành lập một quỹ đầu tư trị giá 400 triệu USD chuyên đổ tiền cho các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon (Mỹ) và tích cực giúp các nhà nghiên cứu Trung Quốc được đào tạo ở Mỹ trở về nước.

Cái chết của ông Zhang cùng quỹ đầu tư của ông đã vén bức màn về việc làm thế nào các tổ chức nhận được tiền của Trung Quốc tránh được những cái nhìn soi mói của công luận Mỹ. 

Danhua Capital - quỹ đầu tư của ông Zhang - đã bị chỉ thẳng mặt trong báo cáo được Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) công bố hồi tháng trước sau một cuộc điều tra toàn diện về các chính sách thúc đẩy công nghệ của Trung Quốc. 

Theo USTR, Trung Quốc đang từng bước xâm nhập Thung lũng Silicon, chiếm từ 10-16% các thương vụ đầu tư mạo hiểm giai đoạn 2015 - 2017.

Báo cáo của USTR đã chỉ ra quỹ đầu tư của ông Zhang là minh chứng điển hình cho chiến thuật mới đang được Bắc Kinh áp dụng để thâu tóm các công nghệ của Mỹ. 

Quỹ này liệt kê 113 công ty Mỹ trong danh mục đầu tư của mình, hầu hết nằm trong các lĩnh vực mới nổi mà Chính phủ Trung Quốc đã xác định là ưu tiên chiến lược. 

Chẳng hạn, Danhua bỏ vốn vào Qeexo - một công ty Mỹ phát triển công nghệ gọi là FingerSense sẽ sớm xuất hiện trên các dòng điện thoại thông minh của Huawei. 

Trong khi tự hào giới thiệu các đối tác như Bosch, Nvidia, Qualcomm... trên trang web của mình, Qeexo tuyệt nhiên lại không nhắc đến Huawei. 

"Ít nhất một công ty được Danhua đầu tư đã quyết định thu hẹp quy mô hoạt động ở Thung lũng Silicon và bắt đầu các hoạt động khác ở Trung Quốc" - báo cáo của USTR chỉ rõ.

Sự thay đổi trong chiến lược tiếp cận công nghệ nước ngoài đã khiến quỹ đầu tư của ông Zhang hưởng lợi. 

Năm 2014, Danhua đặt mục tiêu 50 triệu USD trong lần huy động vốn đầu tiên nhưng đã được cấp tới 91,25 triệu USD, phần lớn đến từ Zhongguancun Development Group (ZDC), một quỹ đầu tư được Nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn với tài sản hơn 10 tỉ nhân dân tệ. 

Trí tuệ nhân tạo, big data, blockchain và các lĩnh vực công nghệ đột phá khác nằm trong danh sách quan tâm đầu tư của ZDC.

Ván cờ thế Huawei: Cái chết bí ẩn của nhà khoa học Trung Quốc - Ảnh 2.

Khi kinh tế phát triển vững mạnh, Trung Quốc cũng đặt ưu tiên vào nghiên cứu phát triển - Ảnh: AFP

Cảm hứng từ nước Mỹ?

Theo Hãng tin Bloomberg của Mỹ, việc thay đổi chiến lược, từ bỏ trợ cấp công nghiệp để thay bằng các quỹ đầu tư mạo hiểm nhà nước có thể được Trung Quốc lấy cảm hứng từ Mỹ. 

Chương trình nghiên cứu sáng kiến doanh nghiệp nhỏ của Mỹ đã bỏ vốn vào Apple và Intel từ thuở sơ khởi của những tập đoàn này. 

Việc bỏ tiền vào các công ty khởi nghiệp chứa đựng nhiều rủi ro, song mang lại cho Trung Quốc lợi ích cực kỳ quan trọng, đó là sự tiếp cận với những công nghệ mới nhất, những ý tưởng đột phá ngay từ khi còn trong trứng nước.

Trong khi không có bằng chứng cho thấy quỹ đầu tư của ông Zhang bắt tay với chính quyền Bắc Kinh, báo cáo của USTR mô tả Danhua là một mắt xích "trong mạng lưới các thực thể được thiết lập tại Thung lũng Silicon và các trung tâm công nghệ khác của Mỹ để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy các mục tiêu chính sách công nghiệp của Chính phủ Trung Quốc".

Các quỹ đầu tư mạo hiểm do Nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đang khiến Chính phủ Mỹ lo ngại, đặc biệt kể từ khi Trung Quốc công bố chiến lược tham vọng "Made in China 2025" đưa Trung Quốc trở thành nhà sản xuất hàng đầu các sản phẩm tiên tiến của thế giới. 

Điển hình như China Integrated Circuit Industry Investment Fund được thành lập vào năm 2014 với số vốn đăng ký là 21 tỉ USD. Nhưng đến năm 2018, tức chỉ sau bốn năm, vốn điều lệ đã được nâng lên gần gấp đôi, đạt mức 47 tỉ USD. 

Hồi tháng 5 năm nay, quỹ này đã bắt tay với SMIC - tập đoàn chuyên sản xuất linh kiện bán dẫn xuất khẩu có trụ sở tại Thượng Hải - để thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 1,8 tỉ nhân dân tệ.

Giá trị các thương vụ đầu tư mạo hiểm có yếu tố Trung Quốc vào Mỹ đã tăng liên tục kể từ khi nó lần đầu tiên vượt mức 1 tỉ USD năm 2013 - tức thời điểm ông Tập Cận Bình lên cầm quyền. 

Tháng 8-2018, chính quyền Mỹ đã phải ra lệnh siết lại các khoản đầu tư mạo hiểm nước ngoài vào các công ty khởi nghiệp công nghệ, đặc biệt là những khoản đầu tư đến từ Trung Quốc. 

Bất chấp những hạn chế đó, tính đến giữa tháng 11-2018, các quỹ đầu tư mạo hiểm Trung Quốc đã đổ xấp xỉ 9 tỉ USD cho 161 thương vụ, cao hơn con số 6,6 tỉ USD năm trước.

Với cái chết của ông Zhang, Trung Quốc đã mất một mắt xích quan trọng giúp nước này tiếp cận với các công nghệ mới nhất ở Thung lũng Silicon. Nhưng nếu Bắc Kinh tiếp tục thực hiện chiến lược Made in China 2025 một cách tích cực, nó sẽ sớm tìm được mắt xích mới.

Thay đổi chiến thuật tiếp cận

Trong nhiều năm, Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp các khoản trợ cấp để khuyến khích các ngành công nghiệp chủ chốt.

Tuy nhiên, kể từ năm 2014 những khoản trợ cấp này đã bị thay thế bởi các "quỹ định hướng" - những tổ chức tài chính được Nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn và hoạt động như các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân.

1.171 quỹ như thế đã được các cơ quan chính phủ thuộc nhiều cấp thành lập, với mục tiêu đầy tham vọng là huy động và giải ngân số tiền lên tới 858 tỉ USD!

>> Kỳ tới: Dựng lưới ngăn Huawei

Ván cờ thế Huawei - kỳ 4: Vì sao Mỹ ra tay với Huawei? Ván cờ thế Huawei - kỳ 4: Vì sao Mỹ ra tay với Huawei?

TTO - Không chỉ khiến Bắc Kinh ngày càng kiên định với mục tiêu, vụ bắt giữ con gái của nhà sáng lập Tập đoàn Huawei thậm chí còn dẫn tới kết quả Mỹ và Trung Quốc sẽ không còn phải lệ thuộc nhau vào chip điện tử hay các thành phần khác.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên