Tình nguyện viên tiêm vắc xin của Hãng CureVac ở Brussels (Bỉ) - Ảnh: REUTERS
CureVac đổ lỗi cho "bối cảnh chưa từng có của 15 biến thể virus" khiến hiệu quả giảm sút. Tuy nhiên, hãng dược Đức nói vắc xin CVnCOV của họ có hiệu quả hơn đối với người từ 18 tới 60 tuổi, với tỉ lệ 53%. Cũng cùng nhóm tuổi này, vắc xin của CureVac cung cấp khả năng bảo vệ 100% trước nguy cơ nhập viện và tử vong.
Thử nghiệm giai đoạn cuối của CureVac có sự tham gia của khoảng 40.000 người ở 10 quốc gia châu Âu và Mỹ - Latin. Trong số đó có 228 người mắc COVID-19. Hồi tháng 5, CureVac cho biết "không có mối lo ngại về an toàn" đối với vắc xin 2 liều của họ.
Theo Hãng tin Reuters, dù cùng sử dụng công nghệ mRNA, vắc xin của Pfizer-BioNTech và Moderna có hiệu quả khoảng 95%. Cả 2 loại vắc xin này cũng cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ trước các biến thể mới dễ lây lan hơn.
Mặc dù hiệu quả thấp hơn 2 loại vắc xin nói trên, CureVac tin rằng họ có lợi thế nhất định. Vắc xin của CureVac có thể được bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh, không giống như vắc xin của Pfizer và Moderna, vốn yêu cầu bảo quản khắt khe ở nhiệt độ cực thấp.
CVnCOV cũng cần liều lượng thấp hơn, chỉ 12 microgram, so với 30 microgram của Pfizer và 100 microgram của Moderna. Liều lượng thấp hơn cho phép sản xuất hàng loạt nhanh và rẻ hơn, mang lại lợi thế triển khai ở các nước có nhiệt độ ấm và còn nghèo.
Các nhà khoa học cho biết hiệu quả chưa cao có thể là do liều lượng thấp hơn hoặc công thức của CureVac không giống với các hãng khác. Công ty đang hợp tác với hãng dược khổng lồ GSK để nghiên cứu vắc xin COVID-19 thế hệ thứ hai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận