Rất nhiều bạn đọc đã gởi ý kiến bày tỏ sự hài lòng, niềm vui... sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành quy định thời hạn sở hữu chung cư.
Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, chiều 17-3, góp ý về dự án Luật nhà ở (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ quyền sở hữu nhà chung cư là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, có ý kiến rất khác nhau.
Sau khi phân tích những mặt được - chưa được ban soạn thảo, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định “chốt lại”, quá trình thảo luận, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan cơ bản đề nghị không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Cho đây là quyết định hợp lòng dân, nhiều bạn đọc đã lên tiếng ủng hộ.
"Xin cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thay mặt người dân rất cảm ơn, rất vui và mừng với quyết định này. Tối nay chắc mình ngủ ngon giấc rồi" - bạn đọc Trang viết.
Với người lao động, người làm công ăn lương, chung cư là loại tài sản mà họ tích góp cả đời người mới có được, do đó nếu có quy định thời gian sở hữu chung cư, nếu hết thời hạn mà bị chấm dứt quyền sở hữu, bị thu hồi thì sẽ rất không hợp lý, bạn đọc Minh Tâm viết: "Tôi nghĩ, khi không tán thành quy định thời hạn sở hữu chung cư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cân nhắc rất kỹ. Bản thân tôi và nhiều người khác đang ở chung cư rất vui mừng vì điều này".
Mở rộng vấn đề, bạn đọc Khai Phong phân tích: "Trước hết cần phải xác định là đối với người dân, người sở hữu thì nhà chung cư cũng là nhà và vì thế phải được đối xử công bằng như các loại nhà khác. Còn nếu muốn "thể hiện sự quan tâm" đến sự an toàn và sức khỏe của cư dân chung cư thì thiếu gì cách, không khó để quy định và phương án đập bỏ xây lại, tiêu hủy phải là phương án cuối cùng, có xem xét đền bù và ưu tiên cấp lại hay mua lại cho người đang sở hữu".
Từ đó, bạn đọc Khai Phong đề xuất: "Thiết nghĩ, nhà ở nói chung và nhà chung cư là nơi an cư lạc nghiệp, là tài sản của người sở hữu (quyền sử dụng) nên từ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan chức năng, Chính phủ cần hết sức thận trọng và suy nghĩ thấu đáo về luật, về tính nhân văn và tác động xã hội của mỗi quyết định của mình".
Việc đem khó khăn trong cải tạo, xây lại các chung cư cũ để quy định thời hạn sử dụng căn hộ chung cư là rất khập khiễng, không công bằng với người dân ở chung cư cũ.
Về ý này, bạn đọc Trần Minh Trung viết: "Xin nhớ cho rằng các chung cư cũ xuống cấp hiện nay được xây dựng cách nay nửa thế kỷ hoặc hơn, chất lượng công trình rất kém do công nghệ lạc hậu, kỹ thuật kém. Nay lấy lý do xây mới chung cư mà bỏ quyền sở hữu tài sản của người dân là điều không nên"!
Với người Việt, chung cư nói riêng và nhà ở nói chung có tính thừa kế từ đời này sang đời khác. Do đó nhiều bạn đọc đề nghị rằng khi đưa ra quyết sách gì cần phải xét đặc thù về đời sống văn hóa, phong tục tập quán, cuộc sống hiện tại... của người dân.
Về ý này, bạn đọc Đường Văn Lương đề nghị: "Đừng so sánh với các nước khác, bởi vì mỗi quốc gia, dân tộc đều có đặc điểm riêng, không thể áp dụng luật pháp nước khác vào nước ta được. Nếu cứ cho là để đảm bảo sức khỏe, an sinh cho người dân thì không cần quy định thời hạn sử dụng vào luật. Khi nào nhà chung cư xuống cấp, hư hỏng có thể điều chỉnh bằng biện pháp hành chính khác, hoặc áp dụng các bộ luật khác để thực hiện".
Để dung hòa, bạn đọc Phong hiến kế: "Thay vì điều chỉnh luật, Hà Nội và TP.HCM nên thí điểm điều chỉnh quy hoạch cục bộ cho các dự án cải tạo chung cư cũ, cho phép tăng số tầng để xây mới chung cư cũ tái định cư người dân tại chỗ. Vì trên thực tế các dự án chung cư đang xây mới cùng khu vực có số tầng đã gấp nhiều lần chung cư cũ hiện hữu".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận