06/10/2023 09:09 GMT+7

Ukraine và thông điệp từ Hạ viện Mỹ

Việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy bị bỏ phiếu bãi nhiệm là tin xấu đối với tương lai các khoản viện trợ Washington dành cho Ukraine, và thậm chí "xấu" hơn nhiều người nghĩ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Thượng đỉnh cộng đồng chính trị châu Âu ở Granada (Tây Ban Nha) ngày 5-10 - Ảnh: Reuters

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Thượng đỉnh cộng đồng chính trị châu Âu ở Granada (Tây Ban Nha) ngày 5-10 - Ảnh: Reuters

Thông tin về chuyện Mỹ phế truất chủ tịch Hạ viện đã phủ bóng cuộc họp thượng đỉnh của hàng chục lãnh đạo châu Âu ở thành phố Granada (Tây Ban Nha) ngày 5-10. 

Giờ đây, sự hỗ trợ của châu Âu cho Ukraine về tài chính và quân sự đặc biệt cần thiết hơn khi cả hai không thể trông cậy vào Mỹ trong ngắn hạn.

Viễn cảnh đáng lo cho Ukraine

Việc ông McCarthy rời nhiệm sở là kết quả của một cuộc đấu đá chính trị nội bộ ở Mỹ. Pha bỏ phiếu bãi nhiệm trên được tổ chức ngay sau khi Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa nhất trí xong một dự luật ngăn Chính phủ Mỹ đóng cửa trong 45 ngày.

Dự luật ấy đã không bao gồm điều khoản nào về gói hỗ trợ Ukraine, đồng nghĩa đề nghị viện trợ quân sự 24 tỉ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden gửi cho Quốc hội mùa hè qua vẫn kẹt cứng. 

Không có ai giữ cương vị chủ tịch, Hạ viện Mỹ cũng sẽ không thể thông qua bất cứ luật gì, trong khi việc tìm người mới sẽ mất không ít thời gian.

Trong khi việc chọn chủ tịch Hạ viện mới được cho là đóng vai trò rất quan trọng đối với các khoản viện trợ của Mỹ cho Ukraine nhưng sẽ không có nhiều ứng viên Đảng Cộng hòa ủng hộ điều này.

Một thang xếp hạng của Tổ chức Defending Democracy Together đánh giá mức độ ủng hộ Ukraine của các ứng viên từ A tới F, với A tương đương mức độ ủng hộ cao nhất. 

Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Mỹ Steve Scalise được chấm điểm B (cao hơn B- của ông McCarthy), còn các ứng viên khác như Jim Jordan và Kevin Hern đều "ăn" điểm F, tương tự Matt Gaetz, người đã kêu gọi lật đổ ông McCarthy.

Trên thực tế, kể cả khi xét về tổng thể, việc ủng hộ viện trợ quân sự cho Ukraine cũng đã suy giảm ở Mỹ, mặc dù những người Cộng hòa có sự phản đối lớn hơn so với Đảng Dân chủ, tờ Guardian dẫn các khảo sát cho thấy.

Đó là chi tiết đặc biệt đáng chú ý. Khi ông McCarthy bị bãi nhiệm, báo chí có xu hướng tập trung vào những chỉ trích từ ông Matt Gaetz, và mô tả màn lật đổ lịch sử này là kết quả từ sự phản đối của "các chính trị gia Cộng hòa cực hữu". Cách mô tả này đã gây hiểu lầm.

Quả thật có tám chính trị gia Cộng hòa đã "đâm sau lưng" McCarthy, nhưng họ cũng là những lá phiếu quan trọng để kết hợp với 208 phiếu bên Đảng Dân chủ. 

Vậy lý do gì Đảng Dân chủ muốn phế ông McCarthy, một người bị phe Cộng hòa nói đã thực hiện rất nhiều nhượng bộ khi đàm phán lưỡng đảng, trong đó có cả nghi vấn đã đạt một "thỏa thuận bí mật" với Tổng thống Biden về viện trợ Ukraine?

Theo tờ Washington Post, điều các đảng viên Dân chủ quan tâm nhất không chỉ là Ukraine, mà còn là... Donald Trump. Trong mắt nhiều thành viên Đảng Dân chủ, ông McCarthy là chính trị gia không giữ lời. 

Họ cũng chỉ trích ông vì đã không "dìm" ông Trump như kỳ vọng. Trong khi phe Dân chủ phải nhượng bộ để cứu chính phủ đóng cửa, Đảng Cộng hòa càng ít lý do hơn để chấp thuận các gói viện trợ mới cho Ukraine. Chính trị trong nước mới là ưu tiên của người Mỹ.

Ukraine không thể thiếu Mỹ

Đài CNN dẫn lời nhiều nhà phân tích ước tính "tỉ lệ đốt" vũ khí, đạn dược và bảo trì của Ukraine trong xung đột với Nga hiện vào khoảng 2,5 tỉ USD mỗi tháng, và phần nhiều trong đó xuất phát từ Mỹ.

Đó có lẽ cũng là lý do tại cuộc họp ngày 5-10 ở Tây Ban Nha, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell thừa nhận biến động chính trường Mỹ là "tin xấu". 

Ông khẳng định kể cả khi EU cam kết tiếp tục ủng hộ Ukraine, khối này cũng không thể thay thế Mỹ. "Chắc chắn chúng tôi có thể làm nhiều hơn, nhưng Mỹ là không thể thay thế trong việc ủng hộ Ukraine", ông nói.

Hiện nay, EU cũng thảo luận về cách thức đưa Ukraine gia nhập liên minh như một phần của nỗ lực mở rộng số thành viên. 

Tuy nhiên theo tính toán mới nhất, EU sẽ tiêu tốn thêm 186 tỉ USD cho Ukraine trong bảy năm nếu Kiev trở thành thành viên. 

Theo Politico, cuộc gặp ở Tây Ban Nha sẽ là lúc các lãnh đạo châu Âu giải quyết nhiều bất đồng liên quan tới khung thời gian xét tư cách thành viên cho Ukraine, cũng như các vấn đề liên quan tới cải cách của Kiev.

Nhưng thời gian đang không ủng hộ Ukraine. Nước này đang chuẩn bị ứng phó với các đợt tấn công tiềm năng của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng trong mùa đông tới. 

Về dài hạn, Ukraine cần sự bảo trợ cả về quân sự lẫn kinh tế của phương Tây, trong khi tâm lý "mệt mỏi vì chiến tranh" dường như là dạng áp lực chỉ có thể lớn lên theo thời gian, mà biến động ở Mỹ và các cuộc tranh cãi giữa Ukraine với các nước như Ba Lan và Slovakia đang là hiện thực.

Ông Zelensky kêu gọi EU hỗ trợ

Hôm 5-10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi sự giúp đỡ nhiều hơn từ hàng chục lãnh đạo châu Âu đang có mặt ở Granada (Tây Ban Nha).

Ông cũng đã có một bài phát biểu mà Reuters mô tả là "đầy cảm xúc". Ông Zelensky tự tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ bất chấp "cơn bão chính trị" gần đây.

Châu Âu cảnh báo sẽ không bù được viện trợ của Mỹ cho UkraineChâu Âu cảnh báo sẽ không bù được viện trợ của Mỹ cho Ukraine

Châu Âu nói sẽ không thể lấp được khoảng trống nếu Mỹ không tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine, trong lúc viện trợ của Mỹ cho Kiev có nguy cơ bị ảnh hưởng do căng thẳng chính trị trong nước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên