Không chỉ tự lo cho bản thân, Vân (phải) còn giúp đỡ học sinh nghèo có hoàn cảnh giống mình - Ảnh: H.THANH
Năm 2015, Đặng Thị Vân (quê ở Hà Nam, sinh viên năm thứ 4 Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) nhận suất học bổng "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ.
Một năm sau đó, cô gái trở thành "cầu nối", giới thiệu nhiều gương tân sinh viên nghèo, vượt khó học giỏi cho chương trình.
Tuổi Trẻ "cho vay", tôi rất biết ơn. Học bổng đến đúng lúc giúp tôi thay đổi cuộc đời. Cái ơn người ta giúp mình thì mình sẽ nhớ mãi. Trước mắt, tôi có thể "trả ơn" bằng cách đồng hành và giới thiệu các bạn khó khăn đến với Tuổi Trẻ
ĐẶNG THỊ VÂN
Biết ơn những tấm lòng
Cha bị bệnh tâm thần, một mình mẹ bươn chải đạp xe từ làng này qua làng khác bán mớ rau mỗi ngày, không thể đủ tiền cho hai chị em ăn học. Khao khát được đến trường, cô trốn cha mẹ đón xe lên Hà Nội nộp hồ sơ vào ngành sư phạm - kỹ thuật Trường ĐH Bách khoa.
"Ngày đó tôi được 24 điểm, tôi quyết tâm đậu thì học, trượt thì về", ngày 1-7-2015, Vân bảo mình nhớ lắm.
Nộp xong hồ sơ xét tuyển, Vân đến khu công nghiệp gần nhà xin việc nhưng chưa đủ tuổi, do vậy cô xin làm thời vụ, mỗi ngày kiếm được 120.000 đồng.
Ngày 1-8 nhận giấy báo trúng tuyển ĐH, mẹ Vân khuyên: "Thôi đừng học nữa, về nhà lấy chồng thôi". Lần lữa mãi đến tận ngày 15-8, Vân mới "khăn gói" lên Hà Nội nhập học.
"Tôi cố gắng kéo dài được ngày nào thì kiếm thêm ngày đó. Số tiền làm thêm chỉ đủ nộp lệ phí nhập học, chi trả khoản ở ký túc xá. Còn nộp học phí thì... thật sự rất lo lắng" - Vân chia sẻ.
Rồi cô gái tìm cách kết nối với cộng đồng bạn bè trên Facebook và nhận công việc giải đề thi trên mạng. Giải mỗi đề thi, cô kiếm thêm 100.000 đồng, nhưng số tiền đó cũng chỉ trả được tiền sinh hoạt, thuê trọ, ăn uống chứ không kham nổi học phí.
Loay hoay với những khó khăn, may sao Vân được một anh công an cùng quê giới thiệu quỹ học bổng "Tiếp sức đến trường".
Cuộc trò chuyện giữa phóng viên và Vân nói về nhiều đề tài nhưng xuyên suốt buổi gặp ấy, Vân nhiều lần nói mình rất biết ơn quỹ học bổng và các nhà hảo tâm đã tin tưởng cho Vân "vay" một số tiền lớn.
"Rất khó để trong lúc khó khăn mà người ta tin tưởng trao cho mình một khoản tiền lớn như vậy. Học bổng đến kịp thời, mở ra cơ hội cho tôi" - cô hào hứng kể.
Giây phút nhận học bổng 7 triệu đồng (tháng 9-2015), cô nhòa lệ: "Tôi chưa bao giờ cầm nhiều tờ 100.000 đồng, 200.000 đồng mà lúc đó được cầm luôn 7 triệu đồng. Nhiều tiền quá nên lo không biết làm thế nào, tôi nộp ngay 3 triệu đồng học phí cho trường...".
Nộp học phí xong còn dư 4 triệu đồng, cô vay thêm bạn bè để mua chiếc máy tính mới, hỗ trợ việc giải đề thi ĐH trên mạng, mỗi tháng như vậy có thêm 5 triệu đồng.
Năm học đầu tiên, cô gái nhận làm gia sư môn vật lý cho các em học sinh. Hết năm nhất ĐH, không những trả hết nợ tiền mua máy tính mà cô còn mua thêm chiếc xe gắn máy cũ để đi làm thêm.
"Cầu nối" với tân sinh viên nghèo
Sáng đi học sớm rồi chạy về dạy ở trung tâm, chiều tiếp tục đến trường, tối làm gia sư, hầu như thời gian biểu của Vân đặc kín.
Dù căng mình với việc học, việc làm nhưng Vân và anh bạn công an cùng quê ngày trước vẫn dành thời gian tìm kiếm các trường hợp tân sinh viên nghèo để giới thiệu đến Tuổi Trẻ.
"Sau năm nhất, anh tiếp tục gọi điện nói: "Vân ơi, đợt này Tuổi Trẻ lại có học bổng, em xem có bạn nào không?". Năm đó, tôi tìm được hai trường hợp khó khăn giới thiệu đến báo" - Vân trải lòng.
Chính hai trường hợp này, Vân đưa các em đến ở cùng nhà mà không lấy tiền trọ. Cô cũng dành nhiều thời gian liên hệ các em tân sinh viên nghèo, hướng dẫn cách làm hồ sơ, viết thư đề đạt nguyện vọng.
Những trường hợp ở xa, Vân đến tận nhà chụp ảnh, xác minh hoàn cảnh của các em.
Thời điểm này, Vân nỗ lực học tập để tốt nghiệp trong năm nay. Cô gái nhỏ "bật mí" tích cóp được một số tiền đủ để cậu em trai nhập học vào Trường ĐH Bách khoa.
Em đừng bỏ cuộc
Vân đau đáu về trường hợp một em tân sinh viên ở Học viện Ngân hàng, sau khi nhận học bổng phải dừng việc học để đi làm thêm vì quá khó khăn.
"Em nói chắc phải bỏ học, nhưng tôi khuyên không được làm vậy, nên bảo lưu kết quả. Nghe tôi, em quyết định bảo lưu một học kỳ để đi làm thêm, mỗi tháng kiếm được 3-5 triệu đồng. Rất may, hiện nay em đã tự tin quay lại và tiếp tục việc học của mình".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận