21/04/2018 10:55 GMT+7

Học bổng 'Câu chuyện hòa bình': Kiên cường trên con đường học hành

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Hành trình đeo đuổi con đường học tập của Thúy gian nan đến độ cô sinh viên nghèo xứ Nghệ phải bỏ ngang việc học khi mới trở thành sinh viên.

Hai năm làm công nhân, quãng thời gian mà Thúy gọi là "chôn vùi tuổi thanh xuân trong nhà xưởng", đã hun đúc cho cô gái này khát khao học tập cháy bỏng.

Học bổng Câu chuyện hòa bình: Kiên cường trên con đường học hành - Ảnh 1.

Để có tiền ăn học, Thúy phải đi làm thêm rất nhiều việc từ năm này qua năm khác - Ảnh: NGỌC HIỂN

Nhiều khi nản lắm, muốn bỏ cuộc, nhưng tôi chỉ có thể bỏ làm chứ không thể bỏ học. Bỏ học tức là tôi cũng bỏ luôn tương lai của chính mình

PHẠM THỊ THÚY

Thúy đã "trở lại đường đua", thi đậu vào trường đại học kế tiếp và đến trường bằng chính đồng tiền mà cô đã dành dụm từ những tháng ngày làm công nhân.

Phạm Thị Thúy (25 tuổi, sinh viên Học viện Hành chính quốc gia) nay là một trong số 100 gương mặt sinh viên tiêu biểu khu vực Đông Nam Bộ được nhận học bổng "Câu chuyện hòa bình" (10 triệu đồng/suất) tại chương trình nghệ thuật "Tuổi trẻ Việt Nam: Câu chuyện hòa bình" diễn ra tối 21-4 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM).

"Tương lai con ở Sài Gòn"

Tốt nghiệp THPT, cha mẹ khuyên đứa con gái út kiếm một công việc lao động chân tay để kiếm tiền. Đó cũng là chọn lựa dễ hiểu của không ít gia đình ở huyện miền núi Thanh Chương (Nghệ An) bởi ai cũng mang trong mình nỗi sợ gánh nặng học phí.

Nhưng Thúy không cam chịu. Mặc cho cha mẹ, lối xóm hết lời khuyên nhủ, Thúy vẫn lên xe đò vô Sài Gòn. "Con phải đi. Tương lai con ở Sài Gòn" - Thúy quả quyết.

Cô gái quê đơn độc giữa phố xá Sài Gòn, nhưng Thúy vẫn từng bước vượt qua các cửa ải. Thi xong đại học, cô ở lại làm thêm cho đến ngày nhận kết quả trúng tuyển vào ngành luật. Cuối năm 2012, khi mới vào năm nhất được mấy tháng, gia cảnh thêm khốn khó đẩy nữ sinh viên này phải lựa chọn giữa hai ngã rẽ: học hay đi làm.

Năm đó, phong trào xuất khẩu lao động sang Nga ở quê bắt đầu rộ lên, gia đình cô vay mượn khắp nơi để có số tiền hơn 50 triệu đồng đưa cho "cò" nhưng nào ngờ bị lừa đảo...

Rồi cha Thúy lâm bệnh nặng. Đứa con gái ở xa hay tin gia đình đâm ra hoang mang. Nghĩ về quê thấy nặng lòng mà nhìn về tương lai 4 năm đại học dài đằng đẵng với biết bao khoản phải lo, Thúy cảm thấy chông chênh.

Cô gái trẻ chọn một ngã rẽ mà bản thân không hề mong muốn là bỏ học, về Bình Dương làm công nhân. Từ sinh viên trở thành công nhân, cô làm ngày làm đêm với ước vọng kiếm nhiều tiền để có ngày trở lại giảng đường.

Trở lại đường đua

Hai năm miệt mài trong nhà xưởng, Thúy đi học lại.

Hằng tuần, cô đón xe buýt từ Dĩ An (Bình Dương) lên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ôn thi và đậu vào Học viện Hành chính quốc gia. Năm đầu tiên, mọi khoản chi phí cho việc học Thúy đều khui ra từ khoản tiền tiết kiệm của chính mình.

"Lần thứ hai bước vào giảng đường, tôi biết mình phải mạnh mẽ, phải tự lực chứ không thể chông chênh yếu đuối như trước, yếu đuối là tôi sẽ thất bại" - Thúy nói.

Trở thành sinh viên, Thúy vẫn phải đi làm thêm. Từ phục vụ bàn, nhà hàng tiệc cưới, PG, dạy kèm..., Thúy làm tất. Suốt 6 năm vô miền Nam, nữ sinh viên này chỉ về nhà đúng một lần. Ngày hè, ngày tết Thúy đều lăn lộn với công việc thay vì trở về bên gia đình.

Bà Nguyễn Thị Thiện (60 tuổi, mẹ Thúy) kể rằng có những lúc thương con trào nước mắt bởi bậc làm cha, làm mẹ chẳng lo cho con được chuyện học cũng nặng lòng. Nhưng cha Thúy bệnh nặng, mẹ Thúy chẳng làm lụng được gì, quanh năm vài sào ruộng cũng chỉ đủ miếng ăn sao lo được chuyện học.

"Nghe cháu nhận học bổng mừng lắm, tủi thân nữa, mong gian khó qua mau đặng cháu còn ra trường với bạn với bè" - bà Thiện bật khóc.

Tin vào bản thân

Trong số 100 sinh viên nhận học bổng lần này, đa phần các em đều là những sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhiều em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Để đến được với giảng đường, các em phải tự lực cánh sinh, vừa học vừa làm thêm đủ nghề nuôi thân.

Như Võ Thị Cẩm Nhung (quê Bình Định) mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm 9 tuổi nên phải nặng gánh mưu sinh bên cạnh chuyện học. Hay Lê Văn Tuấn (quê Bình Dương) cũng trở thành cánh cò mồ côi từ nhỏ, để đến được với giảng đường Tuấn phải làm đủ việc và đương đầu với muôn vàn khó khăn.

Với những sinh viên này, cách duy nhất để vững bước trên con đường học đó là đặt niềm tin vào sức mạnh của bản thân, vững bước trên đôi chân của chính mình và không ít em đã là sinh viên năm cuối, sắp khép lại chặng đường học đầy gian truân.

Học bổng Câu chuyện hòa bình - chuyện của niềm tin Học bổng Câu chuyện hòa bình - chuyện của niềm tin

TTO - Với nhiều sinh viên tại Quảng Bình, Quảng Trị, những suất học bổng “Câu chuyện hòa bình” đến đúng lúc, giúp không chỉ các bạn mà cả gia đình bước qua những thời điểm gian khó, vững bước trên con đường học.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên