Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Bình trình diễn tiết mục Gạo đến Trị Thiên và một số ca sĩ tên tuổi tham gia chương trình - Ảnh: QUAN G ĐỊNH
Chương trình này như là cầu nối để chúng tôi trở về với một thời tuổi trẻ của mình. Nơi đây chúng tôi đã từng gắn bó, từng gửi lại một phần xương máu. Có quá nhiều thứ để phải tìm về...
Ông Hoàng Minh Quầy (cựu thanh niên xung phong)
Với chủ đề Đường Trường Sơn - Đường hòa bình, chương trình nghệ thuật Câu chuyện hòa bình số 7 diễn ra tại tượng đài Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đã mang đến cho khán giả 18 tiết mục được dàn dựng thật chăm chút cùng những ca khúc gắn liền với con đường Trường Sơn huyền thoại.
60 năm đường Trường Sơn, đã có hàng ngàn chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến của đoàn 559 bộ đội Trường Sơn nằm xuống và cũng đã có ngần ấy áng thơ, văn, ca khúc, chương trình tưởng nhớ đến những chiến công, hi sinh của họ.
Nhưng hôm nay, khi Câu chuyện hòa bình về với Trường Sơn, được trình diễn ngay tại khuôn viên tượng đài Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, đó không chỉ là câu chuyện của những thương nhớ, rưng rưng nữa mà đã mang đến một khí thế khác, mạnh mẽ và đầy quyết tâm: Mở đường tri thức, tiếp bước trên đường hòa bình.
Hành trình Tuổi Trẻ Việt Nam - Câu chuyện hòa bình từ số 1 đến số 7
Thu hút khán giả phương xa
Dù 20h chương trình mới chính thức bắt đầu nhưng chưa đầy 19h, gần 2.000 cán bộ, người dân và du khách trong và ngoài nước đã lấp kín các hàng ghế ở khán đài.
Bất ngờ hơn, trước đó vài giờ đã có một nhóm khoảng 20 du khách nước ngoài đến khu vực tượng đài để hỗ trợ ban tổ chức dọn dẹp rác.
Một du khách Úc tên Shannon - phụ trách nhóm - cho hay: "Tôi biết đến chương trình qua một người bạn địa phương tên Vũ Linh và chúng tôi đã lên kế hoạch đến dọn rác. Đây là một chương trình lớn, sẽ có rất nhiều người. Nên việc giữ hình ảnh sạch đẹp cho nơi diễn ra là điều cần thiết".
Tốp nữ Arabesque trình diễn ca khúc Cô gái mở đường - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Và nhóm của anh Shannon cũng đã được mời đến tham dự chương trình. Trên khán đài cũng có sự hiện diện của nhiều vị khách nước ngoài khác. Cặp đôi Sylvia và Julia Wellington đến từ New Zealand - tới xem chương trình từ rất sớm và ở lại đến cuối.
Anh Sylvia có lời khen ngợi: "Tôi đặc biệt ấn tượng với sân khấu ở không gian rất đặc biệt này. Tôi không ngờ rằng giữa rừng núi này mà các bạn có thể dựng nên một sân khấu đẹp đẽ và hiện đại như thế, mang đến cho công chúng một chương trình hoành tráng, lung linh như thế".
Các nghệ sĩ trình diễn bài Tình yêu hòa bình kết thúc chương trình - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tặng những trái tim mãi son trẻ
Không phụ lòng ngóng trông của khán giả, chương trình mang đến những tiết mục vừa bi tráng vừa lãng mạn, mở màn bằng liên khúc Bác đang cùng chúng cháu hành quân - Đêm Trường Sơn nhớ Bác qua tiếng hát nồng ấm của Lân Nhã, Bùi Anh Tuấn và nhóm Oplus, nhận được những tràng vỗ tay không ngớt từ khán giả.
Câu chuyện được tiếp nối với những con người và năm tháng đã làm nên đường Trường Sơn qua các ca khúc: Đường Trường Sơn xe anh qua (Nguyên Hà và Hoàng Dũng thể hiện) và Cô gái mở đường (tốp múa nữ Arabesque).
Ca sĩ Đức Phúc trình diễn ca khúc Em ở nông trường em ra biên giới - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Không chỉ có sự tham gia của những ngôi sao ca nhạc, ca sĩ nổi tiếng, các số Câu chuyện hòa bình luôn có những tiết mục hết sức đặc biệt đến từ thanh niên địa phương hay các "nhân vật chủ đề" mà lần này là lực lượng Thanh niên xung phong tham gia mở đường Trường Sơn.
Xuất hiện trên sân khấu Câu chuyện hòa bình số 7 có những "chàng trai", "cô gái" cựu thanh niên xung phong mà 60 năm qua trái tim họ vẫn tươi màu son trẻ. Các "chàng trai", "cô gái" của ngày ấy cũng chính là những ca sĩ nhiệt tình, sung sức nhất của chương trình lần này.
Họ hăng say luyện tập các tiết mục trong suốt hơn 10 ngày qua và cho đến 15h ngày 16-5, giữa cái nóng đầu hè với gió Lào oi bức, họ là những nghệ sĩ đầu tiên bước lên sân khấu "chạy chương trình" lần cuối.
Và Gạo đến Trị Thiên của Hội Cựu thanh niên xung phong Quảng Bình đã là một trong những tiết mục đáng yêu, đáng quý nhất của chương trình.
Bên cạnh đó là nét đẹp trữ tình chưa từng thiếu vắng trên đường chiến đấu bảo vệ đất nước của những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi được tái hiện sống động và cũng đầy cảm xúc qua tiếng hát Mỹ Tâm, Lân Nhã, Phương Linh, Bùi Anh Tuấn với Em vẫn đợi anh về, Tình ca, Những bông hoa trên tuyến lửa, Tình anh và Từ một cánh hoa sim.
Trao học bổng cho học sinh là con của các cựu thanh niên xung phong - Ảnh: Q.ĐỊNH
Sẵn sàng nghiêng vai gánh thêm nhọc nhằn
Tuổi trẻ luôn là thế, đầy lãng mạn và lý tưởng. Chất lãng mạn và lý tưởng đó còn được hiển hiện rõ khi những thanh niên xung phong sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ của những nẻo đường khác.
Không chỉ có mặt ở tuyến đường Trường Sơn để mở ra con đường hòa bình, con đường độc lập, những người thanh niên xung phong tỏa ra muôn nơi, từ biên giới đến hải đảo, từ miền Đông mưa dông đến miền Tây nắng cháy để xây dựng đất nước thời hậu chiến.
Và Em ở nông trường em ra biên giới (Đức Phúc), Những nẻo đường phù sa (nhóm Oplus), Đi qua vùng cỏ non (Hoàng Quyên), Tạm biệt chim én (Đồng Lan), Một đời người một rừng cây (Uyên Linh), Có một thời như thế (Hà Anh Tuấn), Có những con đường (Hồng Nhung) hay Giai điệu Tổ quốc (Đoan Trang và Oplus) là những ca khúc tiêu biểu của thời kỳ đó.
Và Tuổi trẻ Việt Nam - Câu chuyện hòa bình ra đời không chỉ để gợi nhớ hay khơi gợi tình yêu hòa bình bằng những ca khúc bất tử, như chia sẻ của ca sĩ Hà Anh Tuấn.
Đã thành một nhiệm vụ không thể thiếu trong chuỗi chương trình Câu chuyện hòa bình, những học bổng (10 triệu đồng/học bổng) được trao là quyết tâm, tấm lòng và mong mỏi của ban tổ chức trong việc mở ra những con đường tri thức, con đường tương lai cho thế hệ trẻ, giúp họ có đủ kiến thức và bản lĩnh để bảo vệ hòa bình.
Ca sĩ Hồng Nhung trình diễn ca khúc Có những con đường - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Háo hức với Câu chuyện hòa bình
Một nhóm cựu thanh niên xung phong từ Thanh Hóa có mặt tại khu tượng đài Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước khi chương trình Tuổi trẻ Việt Nam - Câu chuyện hòa bình số 7 còn ba tiếng nữa mới bắt đầu.
Ông Trần Chí Cường - một thành viên trong nhóm - cho biết quá lâu rồi mới trở lại vùng đất này nên háo hức lắm. "Mấy người cùng đi cứ nói chờ gần đến giờ rồi ra, nhưng chờ không được, lòng cứ nôn nao" - ông Cường nói.
Khán giả đến với Câu chuyện hòa bình tại Quảng Bình Ảnh: Q.ĐỊNH
Điều đáng tiếc nhất với ông Cường là ông không thể đưa vợ đi cùng. Vợ ông cũng là một cựu thanh niên xung phong ở vùng này. Từ năm 1968 - 1974, ông Cường tham gia mở đường 20 Quyết Thắng.
Sáu năm dưới lửa đạn đủ để một người đã qua tuổi 70 như ông lặn lội mấy trăm cây số về lại chiến trường xưa, nhất là trong dịp trọng đại như kỷ niệm 60 năm tuyến đường Trường Sơn và trong một chương trình tri ân như Câu chuyện hòa bình.
Trước khi chương trình bắt đầu, điều lo lắng nhất của ban tổ chức là "vỡ" sân khấu, trước sự háo hức nhìn thấy rõ của người dân trong vùng mấy ngày qua. Khuôn viên khu tượng đài Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước quá nhỏ nên khán đài dựng lên cũng khá hạn chế về diện tích.
Ông Trần Khuê - chủ một quán nước ngay trước cổng khu tượng đài Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước - nói mấy ngày rồi ngày nào cũng có đông người dừng lại hỏi xem chương trình có bán vé không để tới xem.
Nhiều người đi ngang thấy băngrôn giới thiệu chương trình đã lấy ngay điện thoại ra chụp. Một số khác chụp ảnh đăng Facebook để những người thân quen biết mà sắp xếp. "Đây là lần đầu tiên vùng này có một chương trình hoành tráng và ý nghĩa đến thế nên dân đây háo hức lắm. Mấy ngày ni đi mô gặp ai cũng nói chuyện chương trình Câu chuyện hòa bình" - ông Khuê kể.
Không chỉ có người dân địa phương, những người ở cách xa đến mấy chục cây số cũng hăm hở lên Phong Nha theo dõi chương trình. Nhiều nhóm bạn trẻ tại TP Đồng Hới dù biết chương trình sẽ "quá tải" nhưng không muốn ở nhà mở tivi xem...
QUỐC NAM
Tuổi trẻ Việt Nam - Câu chuyện hòa bình số 7 với chủ đề Đường Trường Sơn - Đường hòa bình được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 - 19-5-2019), kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Lực lượng Thanh niên xung phong (15-7-1950 - 15-7-2019). Chương trình do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, báo Tuổi Trẻ TP.HCM cùng nhà sản xuất Việt Vision phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Novaland, Quỹ Thiện tâm và đơn vị tài trợ phụ Cityland.
Ngoài 60 suất học bổng cho con em cựu thanh niên xung phong, bộ đội Trường Sơn hoàn cảnh khó khăn có thành tích học tập tốt tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế, chương trình cũng trao tặng 60 sổ tiết kiệm cho cựu thanh niên xung phong, bộ đội Trường Sơn; thăm và tặng quà, sửa chữa nhà cho cựu thanh niên xung phong, bộ đội Trường Sơn; khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho 500 bà con tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận