Sân khấu cho chương trình Câu chuyện hòa bình số 7 với phông nền là ngọn núi đá vôi và tượng đài Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước - Ảnh: QUỐC NAM
Từ chiều 15 đến sáng 16-5, toàn bộ nghệ sĩ tham gia chương trình đã có mặt tại Quảng Bình chuẩn bị các phần trình diễn. Trong số đó có một gương mặt quen thuộc với khán giả truyền hình cả nước và với Câu chuyện hòa bình - đó là nhà báo, MC Phí Linh.
PHÍ LINH có cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ về những kỷ niệm đáng nhớ cùng Câu chuyện hòa bình:
MC Phí Linh - Ảnh: QUANG ĐỊNH
* Phí Linh đến với Câu chuyện hòa bình như thế nào?
- Ngay từ số đầu tiên của Câu chuyện hòa bình vào năm 2014, khi xem chị Diễm Quỳnh dẫn dắt chương trình, tôi đã mong muốn có cơ hội được tham gia và dẫn dắt chương trình này. Vậy nên khi đạo diễn Cao Trung Hiếu mời tôi tham gia dẫn dắt cho chương trình vào tháng 7-2017 ở Quảng Trị, tôi như "lên mây".
Dẫu rằng phải đến số 5 của chương trình tôi mới có duyên được tham gia dẫn dắt, nhưng đây là mong ước từ lâu của tôi và tôi vô cùng hạnh phúc khi mong ước đã thành sự thật.
* Và khi đã là một phần của Câu chuyện hòa bình, bạn chọn cho mình cách dẫn, lối kể chuyện thế nào?
- Tôi kể đúng câu chuyện của thế hệ mình thôi. Sứ mệnh của Câu chuyện hòa bình là nhắc nhớ và khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, yêu hòa bình cho công chúng, đặc biệt là giới trẻ bằng âm nhạc với các chất liệu của ngày trước và của cả hôm nay.
Vậy nên hầu hết nghệ sĩ tham gia chương trình đều còn khá trẻ, nhiều bạn trạc tuổi tôi. Ngoài việc cùng thế hệ, chúng tôi cũng giống nhau ở điểm bình thường các ca sĩ hát nhạc trẻ hoặc âm nhạc của chính họ, tôi dẫn các chương trình giải trí, nhưng đến với Câu chuyện hòa bình chúng tôi cùng hát và nói về hòa bình, chia sẻ những khái niệm và khát khao hòa bình của chính thế hệ chúng tôi.
Bình thường có thể chúng tôi sôi nổi hơn, phá phách hơn nhưng khi tham gia chương trình chúng tôi lắng đọng hơn, nhẹ nhàng hơn trong tà áo dài trắng hay sơmi trắng, quần tây đen.
Mỗi người một câu chuyện riêng, một tiếng nói riêng nhưng cùng một chí hướng chính là điều tuyệt vời nhất mà êkip Câu chuyện hòa bình đã làm được. Cá nhân tôi cũng không phải nghĩ ngợi gì nhiều về việc mình phải dẫn dắt ra sao, bởi tôi đã có một sự hỗ trợ và đồng lòng từ cả một êkip. Chỉ cần mình nói đúng tiếng lòng với những gì dung dị nhất sẽ chạm được cảm xúc của khán giả.
* Bạn sẽ kể câu chuyện gì đặc biệt ở Câu chuyện hòa bình số 7: Đường Trường Sơn - Đường hòa bình?
- Lần này, tôi tâm đắc nhất địa điểm diễn ra chương trình và câu chuyện về những thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn. Tôi đã xem lại rất nhiều tư liệu về câu chuyện lịch sử này. Cũng như hai lần trước, tôi là người viết lời dẫn cho kịch bản dẫn chương trình. Vậy nên tôi tin rằng chúng tôi sẽ có những tương tác thú vị với nghệ sĩ, và đặc biệt là những chứng nhân lịch sử được mời đến chương trình.
Sẵn sàng cho Câu chuyện hòa bình số 7
Chiều 15-5, trong khuôn viên khu tượng đài Thanh niên xung phong (TNXP) chống Mỹ cứu nước tại Phong Nha (Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình), hàng chục người nhễ nhại mồ hôi tất bật hoàn tất những khâu cuối cùng cho buổi tổng duyệt chương trình Câu chuyện hòa bình số 7.
Không phải ngẫu nhiên mà chương trình lần này chọn khu tượng đài TNXP chống Mỹ cứu nước làm điểm dừng chân. Ngay sát khu tượng đài này là bến phà Xuân Sơn - nơi từng được xem là "tọa độ lửa" trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Chính vì thế, những người phụ trách các công việc chuẩn bị cho Câu chuyện hòa bình tại đây cũng mang một tâm thế khác.
"Đây là một chương trình mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt và ở tại một địa điểm lịch sử cũng rất đặc biệt. Không được chậm trễ và không được sai sót" - ông Trần Quang Điềm, phụ trách dựng sân khấu chính trong bốn ngày qua - chia sẻ.
Có mặt tại khu vực tượng đài TNXP chống Mỹ cứu nước để đón những đoàn khách đầu tiên, Nguyễn Mạnh Hùng - nhóm trưởng một nhóm tình nguyện viên - khấp khởi: "Với một chương trình mang thông điệp lớn như Câu chuyện hòa bình, được tham gia đóng góp, dù chỉ là một khâu nhỏ cũng đã là một niềm tự hào".
Giữa buổi chiều cùng ngày, một phụ nữ ngoài 60 tuổi đi bộ vào cổng tượng đài. Bà đứng tần ngần khá lâu trước lư hương lớn. Bà nói mình tên Nguyễn Thị Thao, nhà ở gần đó và từng tham gia đội TNXP trên tuyến đường Trường Sơn kéo dài từ Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế.
"Nghe cháu tui kể chương trình dành cho những người mở đường Trường Sơn, tui tự nhiên nôn nao. Cầm lòng không được nên cũng gắng đi ra đây coi người ta chuẩn bị ra răng. Nhìn công tác chuẩn bị công phu như ri, chắc những người tham gia mở đường Trường Sơn thấy ấm lòng lắm" - bà Thao chia sẻ.
QUỐC NAM
Tuổi trẻ Việt Nam - Câu chuyện hòa bình số 7 sẽ được phát sóng trực tiếp trên 12 đài phát thanh - truyền hình các địa phương, tuoitre.vn và tv.tuoitre.vn. Ngoài Đài Quảng Bình trực tiếp, có 11 đài khác gồm: Hải Phòng - Đà Nẵng - Tuyên Quang - Bình Dương - Thái Nguyên - Đồng Nai - Hưng Yên - Quảng Trị - Sóc Trăng - Thái Bình - Vĩnh Long tiếp sóng trực tiếp Câu chuyện hòa bình năm nay.
Chương trình đã huy động nhiều tỉnh thành tham gia hành trình về nguồn, thăm và tặng quà, sửa chữa nhà cho cựu thanh niên xung phong, bộ đội Trường Sơn; khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho 500 bà con tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình; trao tặng 60 sổ tiết kiệm cho cựu thanh niên xung phong, bộ đội Trường Sơn; 60 suất học bổng cho con em cựu thanh niên xung phong, bộ đội Trường Sơn hoàn cảnh khó khăn có thành tích học tập tốt tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế, với tổng kinh phí hơn 2 tỉ đồng do Quỹ Thiện Tâm, bạn đọc báo Tuổi Trẻ và nhiều đơn vị, nhà hảo tâm hỗ trợ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận