Sinh viên Nguyễn Văn Nhân (Trường cao đẳng Y tế Quảng Trị) làm thuê ngoài giờ học - Ảnh: QUỐC NAM
Một ngày giữa tháng 4, Nguyễn Văn Nhân ở thôn An Hướng (xã Gio An, huyện Gio Linh, Quảng Trị) đang cặm cụi với mớ cuốc xẻng sau hè nhà. Nhân nói mình vừa trải qua kỳ thi kết thúc năm học. Mấy ngày về nhà, Nhân lại lao vào phụ thợ đỡ đần cho bố mẹ.
Mang nặng nghĩa tìn
Mùa hè một năm trước, khi sắp bước vào năm thứ 2 lớp y sĩ ở Trường cao đẳng Y tế Quảng Trị, Nhân đi làm kiếm tiền lo việc học. Ông Nguyễn Văn Tụng, bố Nhân, là thương binh hạng 4/4, đã 81 tuổi. Mẹ Nhân bị tật bẩm sinh ở chân, cả hai đều không còn khả năng lao động. Việc lớn nhỏ trong nhà Nhân đều cáng đáng hết.
Chỉ cần không đi học là Nhân về kiếm việc tranh thủ làm. Nhưng việc ở quê không phải lúc nào cũng có đều đặn. Quần quật cả hai tháng hè, nhiều lắm chỉ kiếm được vài triệu đồng nhưng số tiền không đủ để nhập học đầu năm.
Thấy con vất vả, bố mẹ Nhân nói thôi thì để xoay xở vay mượn đâu đó đi học rồi từ từ trả. Bố mẹ Nhân hiểu con mình. Bởi mới mấy năm trước thôi khi Nhân học xong lớp 12, thấy gia cảnh quá khó khăn, lại đông anh em, Nhân đã quyết định thôi học đi làm.
Sau đó Nhân được gọi đi bộ đội. Hai năm quân ngũ về, Nhân mới trở lại con đường học khi gia cảnh vẫn khó khăn và cha đã về già.
Tin bất ngờ đến với Nhân: bạn được chọn trao suất học bổng 10 triệu đồng trong chương trình "Câu chuyện hòa bình" tổ chức tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị). "Đang cầm xẻng xúc cát, nhận được điện thoại mình thả rơi lúc mô không biết" - Nhân kể.
Quảng Bình có 10/70 sinh viên được nhận học bổng "Câu chuyện hòa bình" năm 2017. Chúng tôi vẫn chưa quên những cuộc điện thoại xúc động của phụ huynh khi con mình nhận học bổng từ Quảng Trị. Đó là những cựu chiến binh bước ra từ chiến trường mấy mươi năm trước.
Ông Đinh Xuân Luyện ở thôn 5 (xã Lâm Trạch, huyện bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) là thương binh từ chiến trường Campuchia, là bố của Đinh Thị Mỹ - sinh viên lớp giáo dục tiểu học K57 Trường ĐH Quảng Bình. Ông Luyện run run: "Tui rời quân ngũ đã mấy chục năm ni, rồi về lo ruộng vườn và cố gắng cho con ăn học. Nhưng chưa khi mô thấy những năm tháng quân ngũ của mình được động viên như ri".
Nhà ông Luyện có đến sáu người con. Trước Mỹ có hai người con khác vừa học đại học nên để lại khoản nợ vay sinh viên đến gần 200 triệu đồng. Mỗi tháng hai vợ chồng ông phải lo xoay xở trả tiền lãi.
Tiếp thêm sức mạnh cho sinh viên nghèo
Gặp chúng tôi tại giảng đường Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, sinh viên Mai Hoàng Phi (khoa công nghệ điện tử) kể rằng học bổng "Câu chuyện hòa bình" là động lực rất lớn để bạn vững tâm trên con đường học. Suốt bốn năm đại học, Phi phải làm thêm đủ việc như phục vụ nhà hàng tiệc cưới, lắp điện công trình...
Phi quê ở Gio Linh (Quảng Trị). Quê Phi là vùng đất khắc nghiệt, lắm thiên tai nhưng luôn có những đứa con ham học với một khát vọng duy nhất là thoát nghèo.
Gia đình Phi cũng không phải ngoại lệ. Cha mẹ Phi là nông dân quanh năm cày cấy vài sào ruộng nhưng cũng phải dốc hết sức, vay mượn tứ phía để các chị em Phi được ăn học tới nơi tới chốn.
"Ba mình đi vay mượn khắp làng khắp xóm, cứ ai bà con thân thích là mượn mỗi người một ít để lo cho mẹ, đó là thời điểm quá bi đát với gia đình" - Phi nói.
Mang bệnh tật, mẹ Phi mất sức lao động, gánh nặng cơm áo gạo tiền như muốn ghì nặng đôi vai gầy của người thương binh tảo tần. Thương cha mẹ, từ khi vào đại học Phi đều chạy vạy làm thêm. Ngay cả mùa hè Phi cũng không về quê mà lăn lộn ở những công trình để chắt bóp từng đồng.
Số tiền 10 triệu đồng từ học bổng với Phi như tiếp thêm sức mạnh, tiếp thêm niềm tin để Phi vững chãi hơn trên con đường học. "Học bổng này như một lời nhắc nhở bản thân mình phải kiên cường vượt qua khó khăn" - Phi nói.
100 suất học bổng "Câu chuyện hòa bình"
Tối 21-4, chương trình nghệ thuật chất lượng cao "Tuổi trẻ Việt Nam: Câu chuyện hòa bình" sẽ diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM). 100 suất học bổng "Câu chuyện hòa bình" với tổng kinh phí 1 tỉ đồng sẽ được trao cho các sinh viên nghèo vượt khó của bảy tỉnh, thành Đông Nam Bộ vào dịp này.
Qua nhiều đợt tổ chức, chương trình đã trao 145 suất học bổng, trị giá 1,54 tỉ đồng cho các sinh viên là con em chiến sĩ ở biên cương hải đảo, con ngư dân và thương binh ở cả ba miền.
Anh Nguyễn Minh Triết - phó chủ tịch thường trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam - cho biết học bổng "Câu chuyện hòa bình" mang một giá trị nhân văn, sẻ chia với cộng đồng, tặng đến các sinh viên có ý chí vượt khó, yêu chuộng và khát khao hòa bình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận