29/09/2022 08:54 GMT+7

Tự tin như người miền Trung

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Vậy là cơn bão Noru được dự báo "siêu cấp" cuối cùng đã đi qua nhẹ nhàng hơn lường định, dù sau bão sẽ còn là mưa lớn, lũ quét, lụt sâu và sẽ còn những cơn bão số 5, số 6 tiếp tục hình thành ngoài khơi xa.

Tự tin như người miền Trung - Ảnh 1.

Lực lượng quân đội tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ người dân thôn Khánh Mỹ dọn dẹp nhà cửa sau bão - Ảnh: NHẬT LINH

Mấy ngày đêm theo dõi sự căng mình chống tránh bão của hàng trăm ngàn người vùng bão và các lực lượng chức năng, đọc những lời nhắn gửi và cầu nguyện nhói tim vì lo lắng, thậm chí hoảng hốt của nhiều người khác trước cấp độ bão lớn nhất 20 năm qua, có thể thấy rõ chính những người miền Trung mới là người giữ được sự điềm nhiên, bình tĩnh nhất trước bão tố. 

Hơn ai hết, họ biết mình sẽ tiếp tục vượt qua, như hàng trăm cơn bão lớn nhỏ đã qua trong đời, như hàng ngàn năm bão gió vẫn cuộn vào từ biển.

Nhớ một buổi tối cuối tháng 10-2013 ở Quảng Trạch (Quảng Bình). Làng xóm tiêu điều, lặng lẽ. Mưa trút nước đã mấy ngày rồi, nước ngập ngang bắp đùi, không biết đâu là đường, là ruộng hay là sông. 

Bão số 10, số 11 liên tiếp đổ vào, thêm cơn lốc xoáy đêm trước đã thổi tan hoang từng mảng ruộng, mảnh vườn, căn nhà. Mấy người thiệt mạng còn phải chờ nước rút mới làm tang lễ. Điện cắt đã hơn một tháng. Chiếc xe tải hạng nặng thận trọng lội nước với những người đàn ông, đàn bà chen chân trên thùng hàng để vượt lũ về nhà. 

Đến gần bờ sông, có một ngôi nhà hai tầng cao nhất đang có ánh đèn, có tiếng người lao xao, chộn rộn. Chiếc máy phát điện được kê cao đang nổ giòn giã, mấy mươi chiếc điện thoại di động được cắm sạc hối hả, chờ cho nấc pin đầy lên để mọi người nối lại thông tin với người thân. Giữa nhà, một nồi cơm điện thật to đang chờ chín. 

Mọi người đang xích lại gần nhau, quây quần và trò chuyện bằng giọng Quảng Bình chân chất. Cơn lạnh vì ngấm nước mưa phút chốc đối với mọi người chợt tan mất. Tay ai cũng như ấm lại...

Ấm lại và hiểu rõ ràng hơn bao giờ về sức mạnh của sự đùm bọc tình làng nghĩa xóm, không chỉ là qua hình ảnh "tay ôm tay níu" của bụi tre. Những câu chuyện minh chứng cứ đầy lên qua mỗi năm. 

Tháng 10-2020, những chiếc xuồng len lỏi giữa con nước của trận "đại hồng thủy" Huế - Quảng Trị - Quảng Bình tìm thấy trong mỗi căn nhà lầu nổi lên mặt nước đến 40 - 50 người tránh lụt. Đến bão Noru 2022, nhiều nhà nghỉ, khách sạn, resort ở Đà Nẵng đã mở cửa từ rất sớm để đón người vào trú bão. Cùng với sự ra quân đồng bộ, quyết liệt và chu đáo của chính quyền địa phương, những thiệt hại đã được hạ xuống tới mức tối thiểu.

Hôm nay, những người miền Trung đã lại đi làm, đi học, những cây xanh gãy đổ được trồng lại, mái nhà bị bay được lợp lại, bức tường bị đổ được xây lại và câu chuyện về bão Noru lại chìm xuống. 

Chỉ có sự tự tin của người miền Trung trong chuẩn bị đối mặt với những cơn bão mới là tăng lên, vì cứ qua mỗi mùa, nhà cửa lại càng kiên cố hơn, những bàn tay đưa ra nắm lấy nhau, đùm bọc nhau càng chặt hơn, mạnh mẽ hơn. "Tự tin chứ không chủ quan", họ đang nhắc nhau như vậy.

Vì sao Noru là bão mạnh song thiệt hại giảm thiểu? Vì sao Noru là bão mạnh song thiệt hại giảm thiểu?

TTO - Sự chủ động của các cấp chính quyền và sự đồng lòng, tin tưởng, đùm bọc của người dân đã giúp cho các tỉnh miền Trung hạn chế thấp nhất thiệt hại do cơn bão Noru gây ra.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên