Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chia sẻ như vậy tại Diễn đàn thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Vân Nam (Trung Quốc) do bộ này phối hợp cùng tỉnh Lào Cai tổ chức sáng 10-2.
Ông Tô Ngọc Sơn, phó vụ trưởng thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu nông sản đứng thứ hai của Việt Nam. Kim ngạch thương mại Việt Nam - Vân Nam (Trung Quốc) năm 2022 đạt 3,2 tỉ USD, chỉ chiếm tỉ trọng 5% trong kim ngạch thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Nguyên nhân do nhiều cửa khẩu chưa phát huy được lợi thế. Xuất khẩu thủy hải sản sang Vân Nam còn rất khiêm tốn dù đây là thị trường tiềm năng…
Để tăng cường giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung và tỉnh Vân Nam nói riêng, ông Sơn cho rằng doanh nghiệp, địa phương cần coi Trung Quốc là thị trường có tiêu chuẩn cao, khắt khe.
Cần giảm mức độ phụ thuộc, tiến tới dừng hình thức xuất khẩu tiểu ngạch. Chuyển nhanh, chuyển mạnh sang hình thức thương mại chính quy. Cập nhật những xu hướng thị hiếu mới của thị trường. Hướng tới sản xuất mặt hàng chất lượng cao.
"Cần chú trọng xây dựng thương hiệu và bảo hộ thương hiệu. Vì một số thương hiệu nông sản của Việt Nam như cà phê trước đây bị đăng ký mất thương hiệu.
Thứ hai, xu thế của thị trường Trung Quốc buôn bán bằng hình thức thương mại điện tử, đây là xu thế tiêu dùng trong tương lai và bền vững", ông Sơn chia sẻ.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh thị trường nông sản ở Vân Nam còn dư địa rất lớn, đặc biệt là thủy hải sản. Đây là thông tin để doanh nghiệp và các đơn vị của bộ lưu ý.
Hiện thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu xuất qua Móng Cái. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẵn sàng tổ chức các đoàn cùng doanh nghiệp sang Vân Nam để dự các hội chợ và có diễn đàn để thúc đẩy.
"Mỗi tỉnh của Trung Quốc là một thị trường lớn, do đó cần tăng cường hợp tác, nắm thông tin thị trường của từng tỉnh. Dù hạ tầng các cửa khẩu là vấn đề khó nhưng không phải vì vấn đề này mà chúng ta chờ đợi, đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp đề xuất các giải pháp để thúc đẩy", ông Nam nói.
Ông Nam cũng lo lắng cho nông sản Việt Nam khi Trung Quốc đã khai thông đường sắt tới Lào - Thái Lan. Điều này sẽ rút ngắn khoảng cách vận chuyển hàng hóa, nông sản xuống còn một ngày và giảm chi phí hơn 20%.
Đây là vấn đề đặt ra cho nông sản Việt Nam nếu doanh nghiệp không cải tiến chất lượng, bảo đảm mẫu mã và giảm chi phí.
Do đó, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cần phối hợp để có giải pháp phù hợp hơn trong thời gian tới.
Còn tình trạng mạo danh mã số để xuất khẩu
Ông Huỳnh Tấn Đạt, phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết đơn vị đang đàm phán kỹ thuật để xuất khẩu một số loại quả thuộc nhóm cây có múi (cam, quýt, bưởi, chanh) và dừa. Đồng thời, đã nộp hồ sơ đối với quả na và thảo quả để Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét, tiến hành các bước tiếp theo.
Ông Đạt cũng cho biết hiện vẫn còn tình trạng mạo danh mã số, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam.
“Để giải quyết vấn đề này, thời gian vừa qua Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng cơ sở dữ liệu và công bố mã số vùng trồng. Đồng thời phối hợp với các chi cục kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu để kiểm soát chặt chẽ.
Tuy nhiên, để công tác quản lý đạt hiệu quả hơn nữa, cần có sự đồng hành của các địa phương, ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp cũng như hiệp hội trong vấn đề quản lý mã số đã được cấp", ông Đạt nói.
Bên cạnh đó, các mặt hàng mới chưa có hồ sơ hoàn thiện và biện pháp kỹ thuật để làm cơ sở đàm phán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận