30/12/2022 08:52 GMT+7

Chộn rộn bán nông sản qua Trung Quốc

L.THANH - T.THẮNG - C.TUỆ
L.THANH - T.THẮNG - C.TUỆ

Với việc Trung Quốc dần tháo dỡ các biện pháp phòng chống dịch từ ngày 8-1-2023, hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh... sẽ sôi động hơn, doanh nghiệp cắt giảm được nhiều chi phí.

Chộn rộn bán nông sản qua Trung Quốc - Ảnh 1.

Thông quan hàng sang Trung Quốc qua cửa khẩu tại Móng Cái (Quảng Ninh) - Ảnh: T.THẮNG

Dù khẳng định chưa nhận được thông báo chính thức từ các cơ quan chức năng phía Trung Quốc, nhưng lãnh đạo Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh... đều cho biết đã lên các kịch bản, sẵn sàng các phương án để phục vụ tốt công tác xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn.

Rút ngắn thời gian, giảm chi phí

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Xuân Sinh, cục phó Cục Hải quan Lào Cai, cho rằng nếu Trung Quốc bỏ những quy định như xét nghiệm mẫu đối với hàng hóa và hàng rào khu vực cửa khẩu, xe hàng sẽ được xuất sang thuận lợi hơn rất nhiều. Doanh nghiệp cũng sẽ cắt giảm được nhiều chi phí như xét nghiệm mẫu...

Không chỉ xuất nhập khẩu hàng hóa, hoạt động xuất nhập cảnh cũng sẽ nhộn nhịp trở lại. 

Theo ông Sinh, để xuất khẩu hàng sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai thời gian qua, các doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều yêu cầu nghiêm ngặt như hàng phải được bảo quản dưới 14oC, doanh nghiệp phải lấy mẫu hàng cho phía bạn xét nghiệm.

"Chỉ khi mẫu không bị nhiễm dịch COVID-19, hàng mới được xuất sang Trung Quốc. Đối với xe hàng, lái xe người Việt chỉ được chở sang khu cách ly. Sau đó, tài xế người Trung Quốc đến chở hàng đi và sẽ quay lại trả xe khi hàng được bốc dỡ xuống. Do đó, chi phí cho mỗi chuyến xe bị đội lên rất nhiều", ông Sinh nói.

Dù khẳng định tình hình xuất nhập khẩu qua cửa khẩu trên địa bàn Lạng Sơn sang Trung Quốc chỉ giảm nhẹ so với trước dịch, nhưng ông Vi Công Tường, phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, cũng cho rằng việc Trung Quốc tháo dỡ các biện pháp chống dịch sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cả hai nước, nhất là cắt giảm được chi phí kiểm dịch, thuê tài xế chuyên trách ở khu vực cách ly để chở hàng...

"Thời gian qua, ước tính mỗi xe hàng phải chi thêm gần 10.000 nhân dân tệ, tương đương 30 triệu đồng. Chi phí phát sinh này sẽ do hai bên thỏa thuận, có thể người mua, hoặc người bán chịu, hoặc mỗi bên chịu một phần", ông Tường thông tin.

Theo bà Trần Bích Ngọc - trưởng Ban quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn phải tuân thủ nghiêm các thủ tục do phía Trung Quốc đưa ra. 

Đó là xét nghiệm đối với tài xế, lấy mẫu hàng hóa để xét nghiệm COVID-19 vẫn đang được duy trì nhằm thiết lập "vùng xanh an toàn", "luồng xanh an toàn" tại khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới.

Do bị kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch của phía Trung Quốc, thời gian qua mỗi ngày có khoảng 40 - 50 xe hàng VN được xuất từ các cửa khẩu Lào Cai sang phía Trung Quốc, giảm rất sâu so với thời điểm bình thường khi không có dịch COVID-19. Hàng xuất chủ yếu là nông sản gồm: chuối, sắn, đậu (đỗ), lạc.

Với chiều ngược lại, mỗi ngày có khoảng 200 xe hàng gồm: nông sản, máy móc, nguyên vật liệu... của Trung Quốc xuất sang VN.

Do đó, bà Ngọc kỳ vọng việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 sẽ giúp hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn sôi động hơn. "Chúng tôi vẫn đang phải chờ văn bản chính thức từ phía TP Đông Hưng, Trung Quốc", bà Ngọc cho biết.

Chộn rộn bán nông sản qua Trung Quốc - Ảnh 4.

Hàng nghìn xe nông sản Việt Nam chờ xuất sang Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn hồi tháng 12-2021 do phía Trung Quốc kiểm soát dịch - Ảnh: NAM TRẦN

Cơ hội thúc đẩy xuất khẩu nông sản

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Quang Huy, chủ tịch UBND TP Móng Cái (Quảng Ninh), cho biết thời gian qua, TP Móng Cái cũng tích cực trao đổi qua đường dây nóng, thư trao đổi, hội đàm với chính quyền nhân dân TP Đông Hưng để sớm khôi phục hoạt động thông quan, đẩy nhanh giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp, gắn với công tác phối hợp phòng chống dịch bệnh giữa hai địa phương.

Ông Hà Đức Thuận, phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, cho biết phía Trung Quốc chưa có thông báo chính thức về việc gỡ bỏ chính sách zero-Covid nhưng tỉnh Lào Cai đã lên các kịch bản, sẵn sàng các phương án để phục vụ tốt công tác xuất nhập khẩu và đi lại giao lưu nhân dân hai nước.

Theo đó, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai sẽ tăng cường trao đổi với phía Trung Quốc để tổ chức các chuyến thăm, hội đàm giữa tỉnh Lào Cai (VN) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) về tình hình kinh tế - xã hội để đề ra giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu và du lịch. 

Tổ chức trao đổi, đề nghị với phía Hà Khẩu (Trung Quốc) về việc điều chỉnh phương thức giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu qua cặp cửa khẩu Kim Thành - Bắc Sơn, giảm các chi phí đối với hàng hóa của VN.

"Chúng tôi sẽ tích cực trao đổi, đề nghị phía bạn tạo điều kiện thuận lợi trong công tác kiểm tra, giám sát và tăng thời gian thông quan đối với các loại nông sản. Đồng thời tích cực làm việc với các bộ, ban, ngành trung ương và phía Trung Quốc để kéo dài thời gian thông quan hàng hóa tại cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành (VN) - Bắc Sơn (Trung Quốc) từ 7h-22h (giờ VN)", ông Thuận nói.

Trong khi đó, theo ông Đặng Xuân Phong - bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, sau hai năm bị hạn chế xuất nhập khẩu và đi lại giao lưu nhân dân, việc cửa khẩu thông thương hoàn toàn sẽ là điều kiện để các vùng chuối, dứa của tỉnh cất cánh. Khách du lịch Trung Quốc qua lại cũng mở ra cơ hội phát triển cho các ngành dịch vụ, tăng thu cho ngân sách.

Ông Hoàng Khánh Duy, phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), cũng cho biết đang chờ thông tin chính thức từ phía Trung Quốc nhưng địa phương này cũng đã sẵn sàng các kế hoạch để hoạt động giao thương "bùng nổ" trở lại trong năm 2023.

Ông Duy cho biết với đặc thù cửa khẩu chuyên xuất khẩu nông sản, nếu phía Trung Quốc mở cửa, tỉnh Lạng Sơn cũng kỳ vọng hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản, sẽ thuận lợi hơn trong năm 2023. 

"Năm tới chúng tôi lên kế hoạch đàm phán với phía bạn khôi phục một số cửa khẩu phụ như Na Hình, Bình Nghi, Pò Nhùng để tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa", ông Duy nói thêm.

Xuất khẩu nông sản được hưởng lợi

Ông Phùng Đức Tiến, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho rằng việc Trung Quốc mở cửa, nới lỏng các điều kiện chống dịch COVID-19 là thời cơ rất thuận lợi cho xuất khẩu nông sản của VN trong năm 2023.

Theo kế hoạch năm 2023, ngành nông nghiệp phối hợp cùng Trung Quốc tiếp tục ký kết nghị định thư nhằm tăng cường xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc.

Theo ông Tiến, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của VN rất phong phú, sản lượng tương đối. Khi Trung Quốc mở cửa, ngoài hoạt động chính ngạch, hoạt động cư dân biên giới cũng là lực lượng quan trọng để VN tăng cường xuất khẩu cả chính ngạch và xuất khẩu theo hình thức cư dân biên giới (xuất khẩu tiểu ngạch - PV) sang thị trường 1,4 tỉ dân.

"Thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 17% kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của VN, tôi tin tưởng rằng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ tăng ở mức cao hơn trong năm 2023.

Tuy nhiên, chúng ta phải chủ động và có các giải pháp, kiểm soát về mã số vùng trồng, cơ sở chế biến, có chuỗi thông tin về an toàn thực phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường Trung Quốc", ông Tiến khuyến cáo.

CHÍ TUỆ

Gạo nếp được mùa qua Trung Quốc

Ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết rất kỳ vọng xuất khẩu nông sản, đặc biệt là đơn hàng gạo sẽ bùng nổ trong năm 2023.

Theo đó, xuất khẩu gạo nếp bị sụt giảm liên tiếp trong hai năm qua dự báo sẽ được khôi phục trở lại do nhu cầu chế biến các sản phẩm từ gạo nếp của Trung Quốc là rất lớn.

Thị hiếu tiêu dùng gạo của người dân Trung Quốc khá tương đồng với VN cũng là cơ hội để VN gia tăng thị phần. Tuy nhiên, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính mà có yêu cầu cao về chất lượng, mẫu mã, chủng loại gạo.

"Do đó, chúng tôi khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Trung Quốc phải trồng và bán những loại gạo mà họ cần chứ không phải bán loại gạo mình đang có", ông Cường nói.

C.TUỆ

Cơ hội từ Cơ hội từ 'lò xo nén' Trung Quốc

Từ ngày 8-1-2023, Trung Quốc sẽ mở cửa với thế giới sau khi thông báo bỏ cách ly và xét nghiệm với hành khách nhập cảnh nước này, chuyển qua giai đoạn sống chung với dịch bệnh và "tái hòa nhập" với thế giới sau ba năm "đóng cửa" để chống dịch.

L.THANH - T.THẮNG - C.TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên