Sáng 10-9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thảo quy trình khép kín "lúa sạch hơn, xanh hơn, tăng năng suất, đo lường và bao tiêu giảm phát thải khí nhà kính", qua đó trồng lúa có gạo chất lượng, hưởng thêm tiền từ tín chỉ carbon.
Trồng lúa thải ra khoảng 23 triệu tấn CO2/năm
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hà - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk - cho biết mỗi năm nông nghiệp thải ra môi trường 80 triệu tấn CO2, chiếm trên 30% tổng lượng khí CO2 toàn quốc.
Trong đó, gần 70% phát thải CO2 đến từ các hoạt động trồng trọt, trồng lúa chiếm 50%.
Có nhiều nguyên nhân làm tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, bao gồm sử dụng nước kém hiệu quả, mật độ gieo sạ cao, tỉ lệ bón phân chưa hiệu quả, thu hoạch rơm rạ chưa đúng cách…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng đề án "Sản xuất bền vững lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính". Đây cũng là mục tiêu thực hiện cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) là phải giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, về 0% vào năm 2050.
Giảm phát thải từ trồng lúa, cách nào?
Phát biểu tại hội thảo, các chuyên gia khẳng định xu hướng mô hình trồng lúa khép kín, giúp giảm thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học… giúp cây lúa khỏe, hạt lúa sạch, năng suất và còn bán được tín chỉ carbon nhờ giảm phát thải khí metan ra môi trường.
Theo ông Hà, niên vụ 2023, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức mô hình thí nghiệm 4,2ha của gia đình ông Lê Như Hùng tại xã Bình Hòa, huyện Krông Ana (Đắk Lắk). Mô hình được thực hiện từ tháng 1 đến 4-2024, nghiên cứu tập trung vào giống lúa ST24.
Trong 3 tháng trồng lúa theo phương thức này, ruộng lúa của ông Hùng giảm được một nửa lượng nước tưới, 15% chi phí sản xuất, trong khi năng suất lúa tăng 2 tấn so với canh tác kiểu cũ.
Với hơn 4ha lúa trồng theo hướng giảm phát thải, gia đình ông vừa thu hoạch được gần 45 tấn thóc.
Không chỉ hưởng lợi từ việc lúa sạch, năng suất, trong vụ đông xuân 2023 - 2024, thửa ruộng của ông Hùng đã giảm phát thải được 3,96 tấn CO2/1ha.
1 doanh nghiệp ở Thái Lan đã trả thêm hơn 8 triệu đồng cho 4,2ha lúa của gia đình ông, nhờ bán tổng cộng giảm được 16,91 tấn carbon.
Ông Trần Minh Tiến - tổng giám đốc Công ty cổ phần Net Zero Carbon Việt Nam - cho biết khi áp dụng phương pháp canh tác này, mỗi 1ha lúa sẽ tạo ra 3 tín chỉ carbon.
Đơn vị thu mua tín chỉ carbon lúa ở Đắk Lắk là thành viên của Công ty Netzero Carbon Thái Lan đã quyết định chi trả 20 USD cho 1 tín chỉ.
Như vậy, với 1ha giảm phát thải, nông dân thu thêm được 1,5 triệu đồng.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện tại xã Bình Hòa có 42ha lúa của người dân canh tác được áp dụng theo quy trình tưới ướt khô xen kẽ, năng suất lúa đạt 11 tấn/ha và hứa hẹn sẽ bán được tín chỉ carbon thời gian tới.
Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện sản xuất lúa ổn định trên diện tích 100.000ha, nếu bán tín chỉ carbon thành công, tỉnh sẽ mở rộng diện tích trồng lúa giảm phát thải nhà kính.
Thu lợi nhiều hơn từ ruộng lúa bán tín chỉ carbon
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra so sánh mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính được và ruộng canh tác truyền thống.
Qua nhiều thí nghiệm tất cả các giai đoạn sinh trưởng của ruộng trồng giống lúa ST24 ở ruộng khảo nghiệm thì các chỉ tiêu về rễ, thân, lá đều phát triển ưu thế hơn ruộng canh tác kiểu cũ.
Về năng suất, năng suất ruộng thí nghiệm đạt 11,86 tấn/ha tăng hơn 1,1 tấn/ha so với ruộng không thực nghiệm.
Bên cạnh đó, chi phí đầu tư đối với ruộng khảo nghiệm giảm 2,8 triệu đồng/ha. Đặc biệt, lợi nhuận ròng thu về từ ruộng thực nghiệm đạt hơn 96 triệu đồng/ha, tăng hơn 17 triệu đồng/ha so với đối chứng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận