Vợ chồng Hồng Phụng (28 tuổi, huyện Hóc Môn, TP.HCM) mấy năm nay đã mua trả góp máy giặt, máy lạnh, xe máy... Chị kể đợt trước vợ chồng ra trung tâm điện máy mua máy lạnh giá gần 9 triệu đồng.
"Chúng tôi chọn trả góp 0% lãi suất trong nửa năm, trả trước 500.000 đồng, rồi mỗi tháng trả 1,4 triệu đồng. Tôi thấy cũng tiện, phù hợp khả năng", chị kể sự tiện lợi của trả góp.
Giá trả góp gấp đôi trả thẳng
Tuy nhiên với chiếc xe máy vợ chồng Phụng mua trả góp từ tháng 3-2023 của một cửa hàng tại Bình Dương thì khác.
Giá gốc xe là 38 triệu đồng (đã bao gồm phí trước bạ). Chồng của Phụng quyết mua trả góp, nhân viên công ty tài chính hỗ trợ vay hỏi công việc, thu nhập hằng tháng, sau đó yêu cầu cung cấp căn cước công dân và một số thông tin cá nhân để làm hồ sơ trả góp.
Phụng cho biết: "Xe này chúng tôi trả góp tới tháng 3-2025, mỗi tháng trả 2,8 triệu đồng bao gồm gốc và lãi.
Có tháng chúng tôi trả trễ 7 ngày, lãi và gốc tổng cộng hơn 3,9 triệu đồng, chưa kể khi mua đã trả trước 3 triệu đồng bao biển số".
Như vậy tính cả tiền trả trước, tiền gốc và lãi hằng tháng thì sau hai năm trả góp tổng số tiền mua xe lên tới hơn 72 triệu đồng, xấp xỉ gấp đôi so với giá mua trả thẳng vì góp lâu và không có khoản trả trước.
Sau khi đóng gốc lãi một năm, vợ chồng Phụng thấy oải, giấy tờ xe chưa có. "Lẽ ra chúng tôi phải tìm hiểu kỹ, không gấp gáp, nên chọn nơi có mức lãi và mức trả trước hợp lý để mua. Hiện vợ chồng nợ 3 tháng chưa trả tiền gốc, chỉ đóng lãi gộp 2 tháng một lần...", chị thở dài mệt mỏi.
Vay trả góp để... trả góp
Với mức lương chuyên viên marketing 20 triệu đồng mỗi tháng, Huỳnh Như (29 tuổi, TP.HCM) được một ngân hàng chủ động hỗ trợ cấp cho thẻ tín dụng có hạn mức 60 triệu đồng (3 tháng lương).
Mặt tiện lợi là khoản tín dụng này đã "đỡ đần" cho chị rất nhiều vào những lúc cần mua sắm khi lương chưa về, từ những đồ gia dụng nhỏ, đến thực phẩm, thậm chí là những sản phẩm có giá trị cao hơn như trang sức, thiết bị điện tử... chỉ cần quẹt thẻ là xong.
Tuy nhiên khi "lậm" thói quen mua sắm quá dễ dàng, càng khiến tần suất mua sắm của Như tăng lên đáng kể.
Chị đã nhanh chóng dùng hết hạn mức 60 triệu đồng của thẻ tín dụng, 6 triệu đồng của một ví điện tử trả sau và hiện còn đang trả góp thêm 10 tháng cho chiếc iPhone 15 promax, mỗi tháng hơn 2,6 triệu đồng.
Như cho biết: "Tự mình sa chân vào thôi chứ không ai ép, giờ tôi đang gánh đống nợ phải đang trả dần, lương về không đủ để thanh toán các khoản nợ tín dụng, nợ ví, trả góp. Tôi phải vay mượn thêm bạn bè để xử lý cho xong, nếu không thì lãi này lãi kia nó cứ tăng lên sao chịu nổi...".
Tháng rồi Như phải cân đo đong đếm các khoản rồi bấm bụng làm hồ sơ vay tiêu dùng 30 triệu đồng từ một công ty tài chính, để xoay xở một phần nợ thẻ tín dụng cùng vài món trả góp đã được chuyển đổi từ ví trả sau và các mua sắm trước đó. Với khoản nợ mới này thì Như cũng... trả góp.
Không vay cũng bị đòi nợ
Hiện nay chỉ cần đáp ứng được các yêu cầu như không bị nợ xấu, nhân thân, nơi cư trú rõ ràng, có công việc ổn định thì người tiêu dùng có thể mua các mặt hàng như điện thoại, đồ gia dụng, xe máy... bằng hình thức trả góp.
Cũng từ thông tin về họ tên và số điện thoại của những người thân, bạn bè mà người tiêu dùng cung cấp cho công ty tài chính để hoàn thành hồ sơ trả góp thì không ít trường hợp những người này đã bị quấy rầy, nhắc nợ hay thậm chí là đòi nợ đến mức stress khi chẳng may người vay mất khả năng trả góp giữa chừng.
Bà Phan Diệu (61 tuổi, ngụ quận 12) cho biết trước đây bà đưa cho đứa cháu mượn căn cước công dân mua trả góp tủ lạnh. Bà bị phía công ty tài chính nhắn tin, gọi điện liên tục những ngày trước hạn cháu mình đóng tiền trả góp.
Bà kể: "Hồi mua là cháu chở tôi ra trung tâm điện máy, họ ghi lại thông tin, lấy số điện thoại... rồi làm hợp đồng trả góp. Cháu tôi góp trong 6 tháng.
Cứ trước thời hạn trả góp chừng một tuần là bên công ty tài chính nhắn tin, gọi điện rồi phát loa tự động để nhắc trả nợ". Càng cận ngày, họ càng nhắc, mỗi ngày ba, bốn lần gọi điện thoại khiến bà mệt mỏi, lại thêm lớn tuổi hay lo.
Còn Mỹ Dung (25 tuổi, quận Bình Thạnh) lại không hiểu vì sao ngày nào mình cùng bị một nhân viên từ công ty tài chính liên tục gọi điện nhờ chị nhắc một người nào đó tên T.D.T. trả góp số tiền hơn 3 triệu đồng.
"Mỗi ngày hàng chục số lạ gọi đến làm phiền tôi, tôi chặn số này thì số khác lại gọi đến. Tôi càng gay gắt thì họ càng gay gắt hơn, có lần họ mắng tôi luôn mới sợ.
Quá mệt mỏi, tôi tìm số điện thoại của công ty đó, gọi lên đề nghị họ xóa ngay số điện thoại của tôi khỏi hồ sơ trả góp của ông T.D.T. gì đó mà tôi không hề biết, nếu không tôi sẽ báo công an và khởi kiện", Dung bức xúc.
Mua thứ không cần, đến lúc phải bán đi thứ cần để trả nợ
Kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực tín dụng và thu hồi nợ ngân hàng, Nguyễn Tấn Lộc (tác giả sách Kiến thức - Kinh nghiệm - Kỹ năng trong cho vay và xử lý nợ) cho biết khi mua trả góp, với số tiền bỏ ra ban đầu ít, thủ tục khá đơn giản, người mua dễ nảy sinh tâm lý ỷ lại và không góp đúng hạn, sau chừng 12 tháng sẽ lười trả tiếp, có thể dẫn đến nợ xấu.
"Ví dụ mua xe máy phải ước chừng góp mấy năm, trong 2 - 3 năm đó có đủ tài chính trả góp hay không, cũng cần đọc kỹ hợp đồng cho vay tín chấp về số tiền vay, lãi suất hằng năm, sau một năm cách tính lãi ra sao... Vì vay tín chấp thường tính lãi trên dư nợ ban đầu, trường hợp người vay mua bị nợ xấu thì lãi tăng nhiều", anh Lộc nói.
Với hình thức trả góp 0 đồng, lãi suất 0%, thực chất có phí chuyển đổi. Chưa kể một số công ty tài chính "ma" đội lốt app cho vay, cho vay dễ dàng nhưng lãi suất không khác gì tín dụng đen, rất phiền phức. Không loại trừ trường hợp thông tin căn cước công dân của người mua có thể bị dùng để vay tiền online, giả chữ ký, khiến chính chủ bỗng dưng mang nợ.
"Với những món giá 1 - 2 triệu đồng, lãi suất online trên sàn thương mại điện tử tuy có vẻ không bao nhiêu nhưng nếu tính toán cũng không ít. Chẳng hạn, món đồ 1 triệu đồng, trả trong 3 tháng, lãi tổng cộng 100.000 đồng, tính ra là 10% giá trị món đồ. Chưa kể bạn trẻ có tâm lý mua những món không cần thiết trong khi nợ trả góp vẫn phải trả", anh Lộc phân tích thêm.
Luật sư Phạm Hoàng Lộc (Đoàn luật sư Cần Thơ) cho biết: "Quá trình trả góp, nếu người tiêu dùng không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả góp thì dẫn đến trường hợp bên cho vay sẽ tiến hành thu hồi nợ. Khi ký hợp đồng, đa phần người tiêu dùng sẽ thống nhất để bên cho vay đứng ra thanh lý tài sản trong trường hợp mất khả năng thanh toán".
Cũng theo luật sư Lộc, nhiều trường hợp phải kiện ra tòa thì mới giải quyết được tranh chấp, thậm chí có những trường hợp sau khi người tiêu dùng nhận được tài sản thì không tiến hành thanh toán cố tình trốn tránh trách nhiệm trả nợ. Nhưng các tranh chấp này phần lớn là các tranh chấp về dân sự, rất dây dưa, phiền phức.
Những nguyên tắc khi mua trả góp
- Trước khi mua, hãy tự hỏi mình nhiều lần có thật sự cần món đồ đó không, hay tự dưng muốn đổi điện thoại, xe máy chỉ vì thấy điều kiện mua góp dễ dàng?
- Hãy xem xét thật kỹ giá mua trả thẳng một lần, và trả góp thì thật sự tổng tiền phải trả gồm gốc, lãi, các khoản phí, phạt là bao nhiêu?
- Đừng bao giờ nghĩ khoản góp hằng tháng "nhỏ", mà hãy xem thu nhập thật sự còn hay thiếu bao nhiêu sau khi đã trừ các chi phí cuộc sống không thể thiếu.
- Nếu đã quyết định mua trả góp, đừng vội vã mà cẩn thận đọc thật kỹ điều khoản và lãi suất, phí của các nhà cung cấp vì luôn có sự khác biệt, chênh lệch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận