Dưới bài đăng của một sinh viên giúp bạn tìm điện thoại bị mất lên nhóm Facebook một trường đại học tại TP.HCM, nhiều bình luận an ủi, chỉ cách tìm lại điện thoại. Nhưng không ít bình luận chất vấn sao xài sang vậy.
Mua điện thoại theo nhu cầu học tập, công việc hay sang chảnh?
"Chủ status bảo bạn bị mất điện thoại, đang trong thời điểm khó khăn chứ có bảo gia cảnh người ta khó khăn đâu.
Dù bạn ấy có khó khăn thật mà cần mua điện thoại tốt thì cũng không phải là việc của mấy bạn. Mong bạn sớm tìm lại được điện thoại nhé", một bạn lên tiếng trước những bình luận vì sao sinh viên lại còn mua điện thoại xịn trả góp.
Bên dưới, khổ chủ giải thích do đặc thù học tập và công việc làm thêm đòi hỏi phải có điện thoại cấu hình ổn, camera tốt. Vì vậy bạn mới phải mua điện thoại đắt tiền.
Ngoài chiếc laptop, điện thoại thông minh (smartphone) là vật dụng không thể thiếu với các bạn sinh viên và người trẻ hiện nay.
Nhưng cũng vì vậy, một vấn đề nảy sinh đối với các bạn. Đó là nên mua điện thoại theo nhu cầu công việc hay nhu cầu "sang chảnh".
"Dữ he. Nay lên đời iPhone camera 3 mắt luôn ta. Giàu quá", Quốc Phong (25 tuổi) nhớ lại lúc bạn bè, đồng nghiệp chọc khi phát hiện anh mới "đập hộp" điện thoại xịn hồi năm ngoái.
Phong nói về lý do tậu điện thoại xịn: "Lương mình đủ xài, không giàu có gì. Nhưng mình vẫn bấm bụng mua trả góp chiếc điện thoại đó vì quá thích.
Một phần vì công việc mình hay phải chụp hình review sản phẩm nên mình cảm thấy phù hợp. Không phải mình sang chảnh".
Anh kể đã dành hẳn một tuần suy nghĩ thật kỹ liệu có nên mua điện thoại đời mới hay không rồi mới quyết định.
Tậu điện thoại xịn, "chơi lớn một lần"
Hiền Nguyễn, sinh viên năm cuối ngành thiết kế đồ họa, từng băn khoăn về việc lựa chọn điện thoại.
"Nên mua một chiếc điện thoại đáp ứng tốt nhu cầu học tập và công việc, hay chọn một chiếc tầm trung để tiết kiệm tiền?". Hiền vừa lướt các bài đăng bí quyết chụp ảnh đẹp bằng điện thoại, vừa phân vân.
Cô chia sẻ thêm: "Trước đây tôi từng sử dụng một chiếc điện thoại giá rẻ để tiết kiệm chi phí.
Tuy nhiên, cấu hình yếu, màn hình không được sắc nét lắm. Mình gặp nhiều khó khăn trong việc học tập và làm việc".
Hơn nữa, các ứng dụng thiết kế, đồ họa trên điện thoại thường nặng. Chiếc điện thoại của cô thường xuyên bị tình trạng màn hình giật, đơ.
Ngoài ra, pin điện thoại đó chỉ được nửa ngày. Vì vậy cô phải mang theo sạc dự phòng mọi lúc mọi nơi.
Tích góp tiền làm thêm, tiền lì xì Tết, Hiền quyết định "chơi lớn" một lần. Cô mua chiếc điện thoại xịn, vừa trải nghiệm vừa phục vụ công việc và học tập.
"Điện thoại mới có cấu hình mạnh, dung lượng pin lớn và màn hình sắc nét. Tôi thoải mái sử dụng.
Camera chất lượng cao còn giúp chụp ảnh và quay video cho các dự án học tập một cách chuyên nghiệp hơn", cô nói.
Kiếm tiền từ điện thoại
"Nhiều bài content (nội dung) mình làm thêm trong một năm gần đây được gõ từ chiếc điện thoại mới", Quốc Phong chia sẻ. Nhờ đó, thu nhập từ làm các công việc lặt vặt đã tăng lên.
Anh chàng viết và chỉnh sửa các bài nội dung ngay trên điện thoại. Thậm chí, anh cho biết đang nằm trên giường hay lúc đi cà phê cũng không cần đến laptop.
Còn Hiền Nguyễn đang lên kế hoạch cho dự án cá nhân. Không có mộng là KOL (người nổi tiếng), nhưng Hiền sẽ tạo kênh TikTok, Facebook để chia sẻ cách chụp hình, quay video đẹp bằng điện thoại.
"Mình hy vọng những sản phẩm mình làm ra sẽ có độ lan tỏa. Từ đó có thêm nhiều cơ hội mới", cô gái trẻ bày tỏ.
Theo Quốc Phong và Hiền Nguyễn, lựa chọn mua điện thoại ở mức giá nào là phụ thuộc nhu cầu và khả năng tài chính.
Hiền Nguyễn cho rằng không nên vung tay quá trán, mua điện thoại xịn chỉ để lướt Facebook, TikTok. Nhưng đừng quá ky cóp không dám tiêu tiền phục vụ nhu cầu giải trí lẫn công việc nếu tài chính bản thân cho phép.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận