26/08/2024 10:30 GMT+7

Váy bèo 152.000 đồng cũng mua trả... góp

Trước hấp lực mua sắm dễ dàng, nếu tính toán không kỹ thì từ tiện lợi có thể tích tụ bong bóng nợ nần và gánh nỗi lo ngày lo đêm nặng nề, kể cả bị... gí nợ, xiết đồ.

Váy bèo 152.000 đồng cũng... góp - Ảnh 1.

Phương thức bán, mua trả góp có sự tiện lợi rõ ràng là khách hàng nhanh chóng được sở hữu món đồ và khả thi điều kiện tài chính dù thu nhập không dư dả - Ảnh: YẾN TRINH

Phương thức mua trả góp, mua trước trả sau không còn lạ với người tiêu dùng bởi mặt tích cực rõ ràng là tiện lợi và khả thi điều kiện tài chính.

Nhưng trước hấp lực mua sắm dễ dàng, nếu tính toán không kỹ thì từ tiện lợi có thể tích tụ bong bóng nợ nần và gánh nỗi lo ngày lo đêm nặng nề, kể cả bị... gí nợ, xiết đồ.

Vài năm nay, khi cơn lốc thương mại điện tử và bán trả góp, bán trước trả sau quá phổ biến, tần suất mua sắm online của Thùy cũng tăng lên. Không chỉ những sản phẩm giá trị vài triệu, vài chục triệu, mà ngay cả những món chỉ vài trăm ngàn cô cũng... góp.

"Ê, có áo đầm 152.000 đồng, trả từ 1 tháng tới 3 tháng là phí 0% nè" - trong buổi cà phê chiều, Hương Thùy (30 tuổi, làm việc bán thời gian cho một công ty ở quận Tân Bình, TP.HCM) hào hứng vừa lướt sàn thương mại điện tử vừa rủ rê nhóm bạn.

Trả góp từ tiền triệu đến tiền trăm

Thùy chốt mua chiếc áo đầm hoa nhí của một nhãn hiệu nước ngoài. Mấy bạn của Thùy thảo luận chiếc áo dây giá 73.000 đồng, phí vận chuyển sau khi áp mã khuyến mãi chỉ còn 3.500 đồng và trả mỗi tháng khoảng 25.000 đồng trong vòng 3 tháng hoặc 38.000 đồng trong 2 tháng.

Nhóm Thùy thường mua những món từ 1 triệu đồng trở lên. Gần đây thu nhập giảm, họ chọn cách mua trước trả sau cả những món từ vài trăm ngàn đồng để giảm cảm giác "xót ví".

Thùy khoe: "Tôi đang trả góp chiếc túi xách giá 2,2 triệu đồng trong ba tháng, phí 0%, đã trả được một tháng rồi. Thật ra, tôi có thể trả ngay một lần, nhưng trả ba đợt đỡ cảm giác tiêu tiền một lần, đỡ tiếc".

Từ khi áp dụng hình thức mua trước trả sau qua "chiếc ví" mà sàn thương mại điện tử ứng trước hạn mức 8 triệu đồng, tới hạn hằng tháng chị Thùy mới chuyển khoản trả lại. Chị nói bản thân cũng ít khi nào mua mỹ phẩm, đồ gia dụng... hết 8 triệu đồng một lần, nên chị thấy cách mua này cũng tiện, không trở thành gánh nặng tài chính.

Tương tự, chị Thu Trang (23 tuổi, ngụ đường Lê Văn Sỹ, quận 3) cho biết mình cũng thường mua trước trả sau những món đồ nhỏ như mỹ phẩm, quần áo... trên sàn thương mại điện tử. Chị gái Trang thắc mắc sao không trả hết một lần, nhưng Trang cho rằng góp như vậy cũng có cái hay.

Trang nói: "Mình ra trường chưa lâu, việc chưa ổn định, thanh toán như vậy giúp mình cân nhắc trước khi quyết định mua.

Ví dụ mình sẽ nhớ là đang thanh toán nước dưỡng ẩm da... thì sẽ không vội mua thêm mỹ phẩm không cần thiết". Cô cũng không đến siêu thị để mua trực tiếp, tránh trước một rừng sản phẩm sẽ không kiềm chế được mà mua nhiều thứ.

Váy bèo 152.000 đồng cũng... góp - Ảnh 2.

Chị Hương Thùy mua trước trả sau những chiếc váy đầm trên một sàn thương mại điện tử - Ảnh: YẾN TRINH

Nhiều hình thức trả góp

Sau đại dịch COVID-19, mua trả góp và mua trước trả sau là hai hình thức thanh toán phổ biến được gen Z và nhiều gia đình trẻ ưa chuộng, thậm chí đã trở thành thói quen tiêu dùng.

Mua trước trả sau được cho là thủ tục nhanh chóng và không phát sinh nhiều phụ phí, lãi suất bằng 0 hoặc thấp, thường áp dụng cho những món hàng giá trị vừa phải.

Trong khi trả góp áp dụng cả với những tài sản giá cao như căn hộ, xe hơi thì ngoài lãi suất còn phát sinh nhiều phí như phí xét duyệt hồ sơ, vận hành giao dịch, phí "phạt" thanh toán trễ...

Hiện nay tại các cửa hàng và trung tâm điện máy, hình thức trả góp cũng khá đa dạng. Đa số áp dụng trả góp qua thẻ tín dụng hoặc qua công ty tài chính, các hình thức áp dụng là trả góp 0 đồng (không trả trước giá trị sản phẩm) hoặc trả góp 0% (trả trước một khoản giá trị sản phẩm và lãi suất 0% cho khoản vay còn lại).

Ngoài ra, nhiều loại hàng cũng ghi mức lãi suất trả góp phải trả tùy từng công ty tài chính.

Tại một cửa hàng điện máy ở quận Phú Nhuận, nhân viên bán hàng cho biết đa số sản phẩm có giá bán từ 2 triệu đồng trở lên sẽ được áp dụng hình thức trả góp.

Tuy nhiên, lãi suất áp dụng từ 3,8 - 5,6%/tháng tùy thời hạn góp và tùy quy định của mỗi công ty tài chính. "Chị chỉ cần đưa căn cước công dân, làm hồ sơ chừng nửa tiếng là xong. Ngoài số tiền trả trước và phí chuyển đổi, chị chỉ cần góp mỗi tháng vài trăm ngàn đồng trong 6 đến 12 tháng".

Nhưng theo nhân viên này, với những món đồ gia dụng nhỏ như bình đun siêu tốc, nồi cơm điện, quạt điều hòa... thì khách hàng thường sẽ trả hết một lần. Còn với những sản phẩm có giá trị cao hơn như laptop, tủ lạnh, máy giặt... thì sẽ chọn trả góp 0 đồng hoặc trả góp lãi suất 0%.

Hỏi thêm ở một cửa hàng điện máy trên đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận) về cách mua trả góp chiếc laptop gần 13 triệu đồng, nhân viên bán hàng hướng dẫn khách chỉ cần đưa căn cước công dân và góp mỗi tháng khoảng 3,6 triệu đồng, tính ra mỗi ngày bao nhiêu để dễ hình dung.

Còn nếu muốn mua chiếc điện thoại giá gần 3,3 triệu đồng thì có thể đăng ký mua trả góp lãi suất 0%.

Các sản phẩm khác cũng tương tự, tùy nhà cung cấp mà sẽ áp dụng trả góp có lãi suất hay không, nếu trả góp bằng thẻ tín dụng sẽ mất thêm phí chuyển đổi theo quy định của từng ngân hàng phát hành thẻ.

Đẹp trước, trả sau

"Bên mình hỗ trợ trả góp không lãi suất. Bạn thanh toán trước 20% thôi là được, bạn có thể trả góp qua tín dụng hoặc trực tiếp tại nha khoa, không qua công ty tài chính nha", một nhân viên của Nha khoa T. tư vấn.

Tại đây, thử tính toán với dịch vụ niềng răng có giá từ 20 - 55 triệu đồng/gói (trong 2 - 3 năm) thì chỉ cần trả trước từ 4 triệu đồng là khách hàng đã có thể tiếp cận dịch vụ, "khoản nợ" còn lại được chia nhỏ để thanh toán mỗi tháng chỉ từ 1 triệu đồng.

Chị Nguyễn Hồng Ánh (30 tuổi, ngụ quận Tân Bình) chia sẻ chị vừa nâng mũi tại một thẩm mỹ viện ở quận 3, gói dịch vụ chị chọn là 35 triệu đồng.

Chị trả trước 20% là 7 triệu đồng, khoản còn lại chị được thẩm mỹ viện hỗ trợ trả góp 0%, chia đều trong 12 tháng. "Bây giờ hầu như mọi thứ trên đời đều có thể trả góp rồi, đẹp trước rồi trả tiền sau, tôi thấy vậy cũng tiện lợi mà" - chị Ánh cười, nói.

Có thể thấy bên cạnh việc mua sắm thì nhu cầu về làm đẹp cũng được nhiều chị em, thậm chí đấng mày râu, quan tâm, từ các dịch vụ nha khoa như niềng răng, bọc sứ, trồng lại răng đã mất... đến các gói thẩm mỹ "tu sửa" nhan sắc như nâng mũi, độn cằm, cắt mí mắt... đều được hỗ trợ hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc trả góp qua thẻ, qua công ty tài chính, thậm chí trả góp trực tiếp tại cơ sở cung cấp dịch vụ.

Bán trả góp đang phát triển

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường ResearchAndMarkets (Mỹ) hồi tháng 4-2024, quy mô thị trường mua trước trả sau (buy now, pay later) tại Việt Nam hiện nay đạt 2.281,4 triệu USD, tăng 100% so với năm 2022.

Xu hướng này đang phát triển mạnh tại Việt Nam và dự kiến sẽ tiếp tục trong vài năm tới, được lý giải là do mức tiêu dùng tăng cùng với nhu cầu của tầng lớp trung lưu và những thay đổi về lối sống.

Ngày càng nhiều người khi mua sắm đã sử dụng hình thức mua trước trả sau, tạo sức mua cao hơn.

Một nghiên cứu của MasterCard cho thấy hình thức thanh toán mua trước trả sau hoặc trả góp còn nhiều dư địa phát triển ở Việt Nam.

Những lý do chủ yếu cho việc sử dụng dịch vụ mua trước trả sau hoặc trả góp gồm: lãi suất thấp hoặc lãi suất 0% (57%), tiết kiệm tiền để mua hàng mà không cần chờ đợi (55%), thoải mái mua hàng vào những thời điểm nhất định trong năm (55%).

(còn tiếp)

Váy bèo 152.000 đồng cũng... góp - Ảnh 3.Sinh viên trả góp mua iPhone 15 bị chê chơi sang, làm màu

"Phòng mình bị mất một điện thoại iPhone 15 như hình. Có ai nhặt được thì cho xin với ạ. Bạn đó vẫn còn đang trả góp và trong thời kỳ làm đồ án nên rất khó khăn. Ai nhặt được cho phòng mình xin lại và hậu tạ".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên