09/11/2021 09:26 GMT+7

Trao nụ cười qua cơn khốn khó

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - Hai năm dịch bệnh hoành hành nặng nề, chị Hương luôn có mặt ở những nơi khó khăn để góp phần giúp đồng bào qua cơn hoạn nạn.

Trao nụ cười qua cơn khốn khó - Ảnh 1.

Chị Hương (thứ 2 từ phải sang) trao 23 máy tính và máy tính bảng cho học sinh Trường tiểu học Cự Khối, quận Long Biên (Hà Nội) - Ảnh: NVCC

Tôi nghĩ nhiều người vẫn đang rất khó khăn vì dịch bệnh và cần được giúp đỡ. Hà Nội bắt đầu có gió mùa, bà con không chỉ cần bữa ăn nóng mà còn cần tấm chăn, áo ấm. Mỗi người chung tay góp một chút, họ sẽ ấm lòng giữa mùa đông.

Chị Lưu Thu Hương

Bây giờ, nhóm chị tiếp tục trao tặng máy tính cho học sinh, sinh viên nghèo và giúp suất ăn cho người vô gia cư, người mắc kẹt lại thành phố vì dịch.

Trong căn chung cư nhỏ của gia đình ở bán đảo Linh Đàm (Hà Nội), chị Lưu Thu Hương (sinh năm 1976) đang bận rộn với những cuộc đàm thoại xin, trao tặng máy tính và sửa chữa máy để giúp học trò vượt khó.

Tặng máy tính cho học sinh nghèo

Hơn một tháng qua, chị Hương và những người bạn trong nhóm thiện nguyện Thiện Tâm đã trao tặng 23 máy tính mới cho học sinh nghèo. Riêng với 10 máy tính cũ được bạn bè gửi tặng, những máy hỏng nhẹ chị đã mang đi sửa lại trước khi tặng cho sinh viên, hôm nay thêm 4 máy tính vừa sửa xong đang đợi chị đi trao tặng.

"Từ ngày có thông tin kêu gọi máy tính cho học sinh học online, trên Zalo rất nhiều trường hợp xin máy tính. Tôi thấy điều này cấp thiết và hữu ích cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế tôi dùng tiền quỹ và kêu gọi bạn bè, chỗ nào báo có máy là tôi tìm đến ngay. Máy hỏng nhẹ nhưng còn rất tốt cũng vẫn xin để đem đi sửa" - chị Hương kể.

Nhóm chị không chỉ tặng học sinh ở địa bàn Hà Nội mà sinh viên các tỉnh xa như Thanh Hóa, Đắk Lắk. Thậm chí mới đây, một sinh viên của xã nghèo ở tận tỉnh Đồng Nai cũng vừa nhận được món quà nhóm chị gửi tặng. Đó là chiếc máy tính mới, có phần mềm đồ họa để em sinh viên khoa thiết kế thời trang sắp tốt nghiệp cần dùng.

"Cuộc gọi chỉ có mấy phút, chúng tôi đã quyết định tặng bạn sinh viên ở Đồng Nai một máy tính như bạn mong muốn. Bạn ấy khóc, nói rằng em ước mơ đã lâu mà không thể thực hiện được. Bố mất sớm, bạn đang được một nhóm thiện nguyện giúp đỡ ăn học và bạn đã nỗ lực rất lớn, nên chúng tôi giúp bạn thực hiện ước mơ đó" - chị Hương chia sẻ.

Mới đây, nhóm chị Hương đã gửi vào huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) 5 máy tính cho một cô giáo đã về hưu. Cô sẽ giúp chuyển cho 5 bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất ở 3 xã Thọ Lập, Thọ Minh, Xuân Tín.

Có một chuyện vừa vui vừa buồn, khi chị đăng bức ảnh cô giáo nhận máy tính thì có người trách chị "nhà này đâu có nghèo mà trao". Chị phải giải thích bức ảnh chụp trao quà ở nhà cô giáo, chứ không phải ở nhà học sinh. "Nhưng nhà cô giáo cũng bình dị, đâu phải giàu có gì. Làm từ thiện sẽ có lúc bị trách những chuyện như vậy, nếu không bình tâm sẽ khó làm" - chị Hương cho biết.

Trao nụ cười qua cơn khốn khó - Ảnh 3.

Chị Hương giúp đỡ sản phụ là công nhân ở Bắc Giang - Ảnh: NVCC

Giúp bữa ăn cho người "mắc kẹt"

Ngoài việc tìm mua máy tính, chị Hương và nhóm Thiện Tâm còn hỗ trợ suất ăn cho hơn 200 người vô gia cư và người dân bị kẹt lại Hà Nội trong những ngày giãn cách xã hội.

Đặc biệt, chị còn góp kinh phí và lương thực cho hai quán cơm 2K (2.000) của nhóm thiện nguyện Bông Sen Sài Gòn. Một quán được đặt ở trước Bệnh viện K Tân Triều (Hà Đông), một quán đặt ở phía sau ga Hà Nội - đều là những địa điểm có nhiều người cần giúp đỡ.

Đợt cao điểm, mỗi tuần 3 buổi, nhóm của chị tỏa đi khắp ngõ ngách Hà Nội để phát cơm, bánh mì, xôi, bánh bao cho những người không nhà, người mất việc, người mắc kẹt lại, người đi chăm người nhà ốm đau... Con số này đông gấp nhiều lần ngày thường.

"Tôi đi khảo sát các địa điểm quen thuộc, bình thường chỉ có vài người nhưng những ngày giãn cách lên tới hơn 30 người. Người ngồi chờ cơm đông nhất ở ngã tư Hai Bà Trưng nối với Quang Trung và ở khu vực công viên Thống Nhất, Hà Nội" - chị Hương cho biết họ đói và cần giúp đỡ ngay.

"Khi chúng tôi đưa bọc cơm, bọc xôi vào tay, họ lập tức ăn ngay, chứng tỏ họ đang rất đói" - chị Hương kể thêm trong thời gian này, nhóm cũng trao tặng hàng trăm suất lương thực cho công nhân ở trọ và bệnh nhân "xóm chạy thận" ở Hà Nội. Bây giờ có nhiều nhóm phát cơm hơn, chị lại tính ngày. Ngày nào không có nhóm đi phát thì nhóm chị đi, họ phát ban ngày thì chị phát ban đêm.

Hơn một năm qua, hầu như ở tâm dịch lớn nào chúng tôi cũng thấy chị Hương và nhóm của mình có mặt. Đầu tiên gặp chị ở Bắc Giang và Bắc Ninh, tiếp theo là Hà Nội và TP.HCM. Thời điểm TP.HCM dịch bùng phát dữ dội, chị cùng nhóm thiện nguyện TCP đã gửi tặng 2.000 tấm chắn giọt bắn, 4.000 khẩu trang N95 và 250 suất lương thực đầy đủ cho người dân xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn.

Trao nụ cười qua cơn khốn khó - Ảnh 4.

Em học sinh viết lời cảm ơn nhóm chị Hương trao tặng máy tính

Dành phần cho người nghèo

Ngày chúng tôi gặp chị Hương ở tâm dịch của tỉnh Bắc Giang, các nhóm thiện nguyện khác gần như đã rút khỏi địa bàn khi dịch giảm sức nóng.

"Các đoàn rút nên chúng tôi mới ở lại, bởi vì công nhân và người dân sau dịch còn khó khăn nhiều khi bị cách ly nhiều đợt" - chị Hương lý giải. Khi chúng tôi gặp, chị và tình nguyện viên khác đang đi mua quần áo, tã lót, thức ăn cho một cặp vợ chồng vừa sinh con ở phòng trọ. Họ phải nghỉ việc vì dịch, cách ly tại phòng trọ và sinh con khi trong túi không còn đồng nào.

"Khi giúp vợ chồng Giàng A Phùa này, chúng tôi biết còn nhiều cặp vợ chồng công nhân khác cũng trong tình cảnh đó. Có công nhân vượt cạn một mình, làm mẹ đơn thân, có nhiều người mang bầu sắp đến ngày sinh nở" - chị Hương kể nhóm sau đó tập trung giúp những trường hợp mang bầu, người mới hạ sinh và người già ốm đau, trẻ em ở xóm trọ quanh các khu công nghiệp.

Ngoài những nhu yếu phẩm như gạo, rau, mì, nước uống, khẩu trang và nước sát khuẩn, nhóm chị Hương phát hiện nhiều phòng trọ không có nồi cơm điện và quạt. Công nhân thường ăn tại công ty và chỉ số ít nữ công nhân lâu năm mua sắm dụng cụ nấu nướng. Những ngày cách ly, họ mượn nồi của nhau để nấu trong phòng trọ nóng bức chưa đến chục mét vuông. Ngay lập tức, chị Hương và những người bạn mua tặng 300 nồi cơm điện và 200 quạt điện phát cho từng xóm trọ.

"Nếu không kết nối với từng công nhân, chúng tôi cũng không nghĩ rằng đời sống của họ thiếu thốn đủ thứ, hành trang hầu như chỉ có cái balô và vài bộ quần áo" - chị Hương chia sẻ.

Từ chuyến đi này, chị Hương và những người bạn quyết định thành lập nhóm từ thiện Thiện Tâm. Những năm trước đó chị chỉ gửi tiền hoặc quà cho các nhóm từ thiện khác, nhưng đi trực tiếp chị được gặp gỡ, cảm nhận về phận người nhiều hơn.

Chị Hương cũng tự đi xác minh từng hoàn cảnh khó khăn. Chị dùng quỹ cá nhân và những người bạn thân thiết của mình góp sức.

Công việc thường ngày của chị làm về lĩnh vực xuất nhập khẩu và cho thuê căn hộ. Qua những đợt dịch, công việc của chị cũng gặp nhiều khó khăn. "Du lịch, làm đẹp, ăn uống nhà hàng, cà phê của tôi đều cắt giảm hết để dành phần cho người nghèo" - chị tâm sự thấy cuộc sống thanh thản và nhiều ý nghĩa hơn.

"Bà con khó khăn cần gì là tôi lại điện thoại cho chị Hương, rất nhanh vài hôm sau chị đã báo quà đang tới" - chị Ngô Ngọc Tân (ở phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh), người đồng hành cùng chị Hương ở vùng tâm dịch, cho biết.

Nhớ mãi lòng tốt này

"Khi vợ sinh giữa mùa dịch, em không có tiền để mua thức ăn, nên lo vợ sinh thiếu ăn, không có sữa cho con bú. Rất may vợ chồng em gặp được chị Hương, chị ấy đã mua sắm đồ cho cả mẹ và bé. Rồi chị còn mua đồ ăn và giúp tiền xe để em đưa vợ con về quê an toàn. Em không biết lấy gì để cảm ơn chị, nhưng sẽ nhớ mãi lòng tốt này!" - anh Giang A Phùa, công nhân Khu công nghiệp Khắc Niệm (Bắc Ninh), chia sẻ.

Thiện nguyện cần gạn đục khơi trong Thiện nguyện cần gạn đục khơi trong

TTO - Những cá nhân nhận hàng trăm tỉ đồng tiền từ thiện đang đối mặt với những thị phi, ngờ vực và cả những điều liên quan đến yếu tố pháp luật. Chuyện làm từ thiện vì thế đang cần được gạn đục khơi trong.

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên