04/04/2021 13:02 GMT+7

Anh chàng kế toán độc thân 'chọn thiện nguyện làm lẽ sống'

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TTO - Nhắc đến anh Trương Văn Vũ, những người gắn với hoạt động thiện nguyện thường không xa lạ. 32 tuổi nhưng anh đã có thâm niên 10 năm tham gia hoạt động cộng đồng khắp mọi miền đất nước.

Anh chàng kế toán độc thân chọn thiện nguyện làm lẽ sống - Ảnh 1.

Anh Trương Văn Vũ (thứ hai từ phải) trao học bổng cho một em học sinh nhận đỡ đầu ở tỉnh Kiên Giang - Ảnh: T.V.

"Không phải chỉ tặng vật chất mới là thiện nguyện. Tôi cho rằng một hành động đẹp như giúp đỡ người già qua đường cũng là sự tử tế, việc cần làm để thể hiện lòng yêu thương, quan tâm đến người khác.

Trương Văn Vũ

Mới đây, anh được Trung ương Đoàn trao tặng bằng khen vì đã có nhiều đóng góp trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi giai đoạn 2016 - 2020.

Cơ duyên đầu tiên

Công việc chính là kế toán trưởng, hiện vẫn còn độc thân nên những ngày cuối tuần, anh Vũ hầu như dành trọn thời gian đến với Câu lạc bộ Nét Bút Xanh do mình sáng lập với tất cả tâm huyết.

Nhớ về tuổi thơ cơ cực, anh cho biết thời đi học phải lội bộ cả 5 cây số mới đến trường. Hôm nào học nguyên ngày, buổi trưa phải ở lại trường. Có lúc đói, Vũ xin bạn miếng bánh mì dư để ăn tạm. Cô giáo chủ nhiệm biết chuyện, từ đó cứ giờ trưa cô mua cho cậu học trò một ổ bánh mì và chai nước.

"Ổ bánh mì ngày đó chỉ 500-1.000 đồng nhưng mình không mua nổi. Khi được cô giúp đỡ, mình bắt đầu có suy nghĩ sau này nhất định phải giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn" - Vũ nhớ lại.

Đến năm 2 đại học, một lần về Tiền Giang phát quà, thấy em học sinh xé giấy trắng còn thừa từ năm học trước đóng thành cuốn tập, Vũ nhớ lại hình ảnh của chính mình lúc khốn khó nên anh rất xúc động. Về thành phố, anh xin bạn bè, người thân một ít tập trắng làm quà tặng cho các em. Đợt đó cũng được hơn 100 cuốn tập, Vũ ra bến xe miền Tây để gửi xe khách mang về.

Từ hơn 100 cuốn tập ban đầu, chàng trai cùng nhóm bạn thành lập câu lạc bộ để hoạt động thường xuyên hơn. Lý giải tên gọi Nét Bút Xanh, Vũ bảo: "Vì chương trình đầu tiên là ủng hộ tập cho học sinh, mình nghĩ nét bút tượng trưng cho ước mơ của các em nên đặt tên như vậy" - Vũ kể.

Thời điểm ấy Facebook chưa phổ biến nhưng khi bạn bè gợi ý, Vũ liền tìm tòi lập tài khoản. Thông qua Facebook của mình, dần dần nhiều người tin tưởng, biết đến anh và chung tay làm việc tốt. 

Tiếp nối những hoạt động đầu tiên, hơn 10 năm qua câu lạc bộ triển khai nhiều chương trình ý nghĩa, ngoài tặng quà cho người dân, học trò khó khăn, người vô gia cư, anh đã vận động xây hơn 10 căn nhà và trao học bổng cho các em đến trường.

Tặng "cần câu" cho người gặp khó

Hiện nay, anh là người kết nối các nhóm thiện nguyện với nhau, chia sẻ kinh nghiệm để mọi người giúp đúng nơi, đúng thành phần mình muốn.

Trong đợt bão lũ miền Trung vừa qua, Vũ tham gia cứu trợ từ rất sớm. Anh nhanh chóng liên hệ các nhóm thiện nguyện với chính quyền địa phương và người dân. Ở những vùng nguy hiểm, anh cùng địa phương trực tiếp đưa các đoàn thiện nguyện đi. 

Facebook của Vũ liên tục chia sẻ những lời khuyên hữu ích, để tránh "thứ không cần thì quá nhiều và thứ cần lại không có". Hay như "khi nước lũ lên thì người dân cần đồ ăn nhanh: mì gói; nước rút có thể tặng gạo, thực phẩm thuốc men, thuốc khử khuẩn làm sạch nguồn nước. Bão lũ đi qua, lúc đó cần tặng bà con sinh kế, như hạt giống cây giống, tiền cất nhà" - Vũ cho biết.

Gắn bó lâu với những mảnh đời nghèo khó, chàng trai trẻ hiểu rằng mỗi khi đoàn từ thiện rời đi, tương lai người ở lại như thế nào mới là vấn đề cần quan tâm. Do đó ngoài những phần quà, anh luôn tính đến sự bền vững và nghĩ cách hỗ trợ phương tiện sinh kế để người dân tự vực dậy cuộc sống của họ.

Hiện nay, anh đang vận động các nhà hảo tâm đỡ đầu cho 10 em khó khăn, mỗi em 500.000 đồng/tháng cho đến khi học xong cấp III. Trong tháng tới đây, số lượng nâng lên là 24 em.

"Mình vận động các bố, mẹ nuôi nhận chăm sóc các em cho đến khi ra trường. Tuy nhiên, mình cũng quy định để tiếp tục nhận được học bổng, các em phải duy trì kết quả học tập bằng hoặc tốt hơn. Cùng đó, bố mẹ nuôi có thể biết các em nhưng học sinh sẽ không biết bố mẹ nuôi để tránh tâm lý ỷ lại, gặp khó khăn sẽ gọi xin tiền" - Vũ chia sẻ. 

Điều đặc biệt, tránh cho các em sự bi quan về cuộc sống, Vũ dự tính sẽ tổ chức các chuyến đi thăm mái ấm, vừa để các em biết san sẻ, học cách cho đi, vừa hiểu rằng vẫn còn nhiều mảnh đời khó khăn hơn mình để vươn lên.

Đồng thời, khi hỗ trợ xây nhà cho học sinh và người dân khó khăn, ngoài căn nhà thì mảnh vườn cũng được Vũ vận động để có nguồn cây giống và phối hợp với Đoàn địa phương hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho đến khi thu hoạch. Sau đó người dân sẽ tự nuôi trồng để tăng thu nhập.

Từng là nhóm thiện nguyện đầu tiên ở TP.HCM tặng quà cho người vô gia cư, Vũ cho biết có rất nhiều vui buồn và cả suy sụp khi bị... hiểu lầm. Sau một đêm phát quà, sáng hôm sau người ta gọi điện thoại đến... chửi.

"Mọi người nói tại sao lại cho quà những người đó, có biết vì họ cờ bạc, cá độ mới phải ra đường ở không? Không chỉ người lạ, bạn bè mình cũng ý kiến. Lúc đó mình suy sụp, ở lì trong phòng" - Vũ nhớ lại.

Tuy nhiên, anh đã vượt qua và vẫn tiếp tục làm, vì "họ là những người sa cơ, không cần biết vì lý do gì thì bây giờ họ vẫn cần được yêu thương, được san sẻ".

Chàng Tây xây cộng đồng thiện nguyện ở Hà Nội Chàng Tây xây cộng đồng thiện nguyện ở Hà Nội

TTO - Mỗi tối thứ năm hằng tuần, người ta hay bắt gặp Christopher Axe, chàng trai Tây, đứng trước sân ga Hà Nội và các tình nguyện viên, nhà hảo tâm cùng nhau làm thiện nguyện.

MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên