10/12/2020 10:18 GMT+7

Hành trình thiện nguyện trồng cây xanh

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TTO - Giải pháp chị Vũ Thị Thu Hà đưa ra là trồng bổ sung cây vào rừng, khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi canh tác từ độc canh sang xen canh đa tầng, canh tác vườn rừng.

Hành trình thiện nguyện trồng cây xanh - Ảnh 1.

Chị Hà trong chuyến đi khảo sát Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) vào cuối tháng 11 vừa qua - Ảnh: T.T.

Chị Vũ Thị Thu Hà (39 tuổi, sống tại Hà Nội) là người rất thích trồng cây. Năm ngoái, chị Hà khởi xướng đọc sách trồng cây cho trẻ em. "Hướng những đứa trẻ ngay từ nhỏ đã biết trồng và chăm sóc một cái cây thì lớn lên sẽ có ý thức bảo vệ môi trường, rồi sẽ không chặt phá cây xanh" - chị Hà chia sẻ.

Bước đầu tiên của hành trình

Chị huy động mọi người và 100.000 cây xanh sẽ được trồng ở Quảng Trị. Cách làm của chị là phối hợp Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn xem cây trồng cần ở những điểm nào. 

Sau đó, chị kêu gọi cộng đồng qua trang cá nhân trên mạng xã hội, qua công việc kinh doanh trang trại cá nhân, mọi người đóng góp và chị thông qua các cơ quan chức năng để trồng cây những nơi được tư vấn.

"Để người người nhà nhà trồng cây, ai cũng có ý thức bảo vệ môi trường thì cần một hành trình dài để thay đổi nhận thức. Tôi không gọi là dự án mà gọi là hành trình, đây là hành trình thay đổi nhận thức để hành động vì môi trường và sự sống của muôn loài trên Trái đất" - chị Hà nói.

Đang mắc bệnh nan y nhưng người phụ nữ nhỏ nhắn này vẫn luôn sống vui vẻ lạc quan. Chị Hà nói sẽ cố gắng làm trong khả năng của mình, sức đến đâu thì làm đến đó, mệt thì nghỉ rồi lại đi tiếp. 

Bên cạnh kêu gọi đóng góp từ cộng đồng, là chủ của một số trang trại ở miền Bắc và chủ homestay sách ở Phú Yên, với mỗi sản phẩm bán được từ trang trại và từ việc kinh doanh ở homestay, chị Hà đều trích tiền để vào quỹ trồng rừng. 

Mới đây chị đã rao bán một số tài sản bất động sản để thực hiện ước mơ trồng cây xanh của mình.

Điểm đến tiếp theo của hành trình là các tỉnh miền Trung khác và Tây Nguyên.

Xây hàng ngàn tủ sách cho trẻ em nông thôn

Trước đó, chị Vũ Thị Thu Hà là thành viên tích cực, bền bỉ nhất của chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam do anh Nguyễn Quang Thạch khởi xướng. Mong muốn phát triển văn hóa đọc cho trẻ em, ban đầu chị Hà mang sách về vùng nông thôn quê chị ở Nam Định, rồi thực hiện ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. 

Dù bận rộn nhưng chị vẫn tự đi "ship" hàng cho khách để tiết kiệm chi phí. Chị cũng dành thời gian đọc cẩn thận những trang sách rồi mới lựa chọn, mong muốn gửi đúng món quà tri thức đến các em.

Khi làm, chị giữ nguyên tắc không thể làm thay người khác, mà để lan tỏa thì mọi người cần chung tay. 

Chị tặng mỗi trường một tủ sách để khuyến khích, còn lại kêu gọi nguồn lực từ chính địa phương: các hội doanh nhân ở địa phương, phụ huynh học sinh và cựu học sinh của các trường được tặng sách…

Điều đặc biệt, khi đến vùng nông thôn nào tặng sách, chị đều thu mua đặc sản sạch của những vùng ấy mang về bán ở Hà Nội. 

Toàn bộ lợi nhuận chị dành xây dựng tủ sách cho các em nhỏ. Bằng cách làm này, chị Vũ Thị Thu Hà đã trao tặng hàng ngàn tủ sách cho các trường học ở vùng sâu, vùng xa và các trung tâm bảo trợ xã hội trên cả nước.

Chị đã đầu tư vào làng du lịch homestay ven biển ở Phú Yên, kéo người dân địa phương cùng tham gia các mô hình phát triển xanh. 

Trong làng homestay có thư viện cộng đồng được chị Hà trang bị đầy đủ Internet, máy tính, phòng đọc, khách du lịch tới đây sẽ cùng đóng góp sách vở, cùng tham gia các hoạt động cộng đồng với trẻ em…

4 mục tiêu trong hành trình trồng cây xanh:

1 Bổ sung các loại cây vào rừng (rừng nghèo, rừng phục hồi, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên, rừng quốc gia).

2 Khuyến khích, hỗ trợ một số diện tích (mô hình) chuyển đổi canh tác từ độc canh sang xen canh đa tầng, canh tác vườn rừng từ rừng sản xuất của cá nhân, tổ chức sở hữu, tạo ra sản phẩm vườn rừng, nâng cao chất lượng cuộc sống.

3 Hướng dẫn, hỗ trợ bà con nông dân chăn nuôi vi sinh thảo dược, tạo sinh kế bền vững cho bà con, theo từng địa phương có thế mạnh sản phẩm riêng, tạo ra giá trị kinh tế vùng miền.

4 Thực hiện phát triển vườn rừng trên chính ruộng vườn của dân; phát triển phong trào học sinh đọc sách trồng cây, tạo hành lang cây xanh trong từng trường học, đường làng ngõ xóm, bờ đê… giữ đất, giữ bờ trong lũ.

Tình nguyện viên quốc tế học tiếng Việt, trồng cây xanh ở Việt Nam Tình nguyện viên quốc tế học tiếng Việt, trồng cây xanh ở Việt Nam

TTO - Mohd Khairul Annuar (27 tuổi), cựu sinh viên ĐH Tun Hussein Onn Malaysia khoe những 'bình hoa' làm từ chai nhựa rỗng mà nhóm làm cho trường Tiểu học Lê Văn Thọ (quận 12, TP.HCM), nơi họ đóng quân.

MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên