02/09/2021 10:03 GMT+7

Hành trình thiện nguyện của Đức

ĐỨC TÀI
ĐỨC TÀI

TTO - Những năm qua, chàng trai trẻ Phan Văn Đức (29 tuổi, xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), chủ nhiệm câu lạc bộ thiện nguyện Phan Đức luôn bận rộn với việc thiện nguyện, giúp đỡ những người khốn khó, trẻ em nghèo.

Hành trình thiện nguyện của Đức - Ảnh 1.

Anh PHAN VĂN ĐỨC - chủ nhiệm câu lạc bộ thiện nguyện Phan Đức - Ảnh: NVCC

Từ phiên chợ 0 đồng giữa mùa dịch COVID-19, hỗ trợ đồng bào vùng bão lũ, sưởi ấm trẻ em vùng cao, Đức đã để lại dấu ấn trong lòng dân nghèo xứ Quảng.

Tấm lòng của chàng bí thư đoàn

Sinh ra lớn lên tại quê nghèo, từ nhỏ Đức đã thấu hiểu nỗi vất vả của người dân. Anh đậu ngành Công tác xã hội tại trường Đại học Quảng Nam năm 2011, mấy năm học của anh gắn liền với những chuyến đi tình nguyện, tiếp xúc với nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.

“Mình nhớ nhất chuyến đi thực tế tại ngôi làng SOS ở Nha Trang, ở đây nhiều hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Thương xót những hoàn cảnh này, mình cầm sổ đi từng nhà, vận động người dân quyên góp tiền để hỗ trợ cho họ. Đây cũng là những người đầu tiên mà mình giúp đỡ” - Đức nhớ lại điểm khởi đầu việc thiện nguyện của mình.

Việc giúp đỡ được người khác như tiếp thêm sức mạnh, tinh thần thiện nguyện cho chàng trai trẻ để anh tiếp tục cuộc hành trình của mình.

Năm 2014, Đức ra trường, về quê làm Bí thư chi đoàn thôn Châu Lâm, xã Bình Trị, anh thành lập cho mình câu lạc bộ tình nguyện “Cầu Vòng” cùng các bạn sinh viên tham gia diễn văn nghệ tại các xã, phường kiếm chi phí để làm thiện nguyện

Cứ thế công việc thiện nguyện gắn bó với Đức từ ngày này sang tháng khác. Khi nghe có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, anh lại lặn lội đến tìm hiểu và tận tay trao những suất quà do mình vận động được.

“Lúc mới lập câu lạc bộ các bạn trẻ tham gia đông lắm. Tuy nhiên khoảng thời gian này mình kêu gọi mà ít nhà tài trợ, mạnh thường quân nên công việc cũng khó khăn, không đạt như mong muốn” - Đức nói.

Năm 2018 Đức đổi tên CLB Cầu Vòng thành CLB thiện nguyên Phan Đức, tự mình đứng ra kêu gọi, tìm kiếm các mạnh thường quân, nhà hảo tâm xin kinh phí để tiếp tục hành trình thiện nguyện. 

Tháng 8-2020, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với nhiều ca lây nhiễm ở Quảng Nam, một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Việc hạn chế ra ngoài, mất việc làm khiến cuộc sống người dân gặp khó khăn. Thấu hiểu, Đức đứng ra vận động các mạnh thường quân khắp nơi cùng chung tay hỗ trợ bà con.

Chỉ sau vài ngày kêu gọi, Đức nhận được hàng chục cuộc điện thoại từ Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn…ủng hộ, quyên góp rau củ quả, nhu yếu phẩm về cho câu lạc bộ. “Lúc đó mình rất vui, không nghĩ mọi người lại ủng hộ, quan tâm đến câu lạc bộ, bà con quê mình đến thế” - Đức chia sẻ.

Số lượng rau củ, nhu yếu phẩm quá lớn, tình hình dịch bệnh không đi lại được nên Đức cùng các đoàn viên thanh niên phân loại sản phẩm, đóng gói và lên kế hoạch xây dựng “Phiên chợ 0 đồng” giúp người dân tự mình đến phiên chợ để mua lương thực. 

Anh liên hệ với chính quyền địa phương, thống kê danh sách, phát phiếu đi chợ cho người dân và chia thành từng đợt theo số thứ tự để tránh tập trung đông người, bắt buộc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn tuân thủ việc giữ khoảng cách khi mua hàng.

Trong năm 2020, ngoài phiên chợ 0 đồng, Đức còn tổ chức thêm 36 hoạt động khác hướng về bà con vùng lụt bão, đêm hội trung thu cho trẻ em vùng cao, xây dựng nhà tình thương cho người có hoàn cảnh khó khăn… với tổng số tiền huy động từ các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hơn 5 tỉ đồng.

“Trong thời gian dịch bệnh, mình đã tổ chức sáu phiên chợ 0 đồng với hàng chục tấn rau, củ và các nhu yếu phẩm đã đến tận tay hàng nghìn người dân” - Đức kể.

Hành trình thiện nguyện của Đức - Ảnh 2.

Đến thăm vào tặng quà cho trẻ em, người dân vùng thiên tai - Ảnh: ĐỨC TÀI

Cho đi là còn mãi

Trong năm 2021, bên cạnh các hoạt động chăm lo cho người dân khó khăn, Đức còn tập trung các chương trình trao sinh kế, hỗ trợ đồng bào vực dậy sau thiên tai, trẻ em vùng cao. 

Hiện tại anh đang kết hợp với hội phụ nữ xã, đoàn thanh niên chăm lo bữa ăn cho những người đang cách ly tập trung từ TP.HCM về quê do dịch, nhận nuôi dưỡng người già neo đơn, hoàn cảnh khó khăn. “Sắp đến mình sẽ ra mắt một mô hình dạy tiếng Anh 0 đồng, xây dựng chương trình đón tết trung thu cho trẻ em vùng cao” – Đức kể.

Đức chia sẻ, làm thiện nguyện là “cho đi” sẽ “còn mãi”. Với anh, những hoạt động hỗ trợ đồng bào gặp khó do thiên tai, dịch bệnh chỉ là hoạt động nhất thời, không thể nào xóa đi hoàn toàn cái đói, cái nghèo. Để cải thiện được điều này, các câu lạc bộ, tổ chức, cá nhân cần phải thay đổi cách làm, hướng đi của mình.

“Không phải mình dựa vào chức Bí thư chi đoàn thôn để huy động các bạn đến làm việc riêng cho câu lạc bộ. Mà thông qua những việc làm thiện nguyện để các bạn có thể học được nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, chứ không nên để thời gian vào các loại game, phim ảnh không bổ ích"

Anh PHAN VĂN ĐỨC - chủ nhiệm câu lạc bộ thiện nguyện Phan Đức.

“Trên mạng xã hội, ngoài thực tế có rất nhiều cá nhân, tổ chức làm từ thiện bằng cách hỗ trợ trực tiếp gạo, nhu yếu phẩm. 

Còn chúng tôi thì ngược lại, cho cần câu, không cho con cá. Không thể mãi hỗ trợ gạo, mắm, muối mà cần phải định hướng để người được hỗ trợ nỗ lực, vươn lên thông qua hoạt động thiện nguyện nếu không cuộc hành trình này sẽ còn mãi” - Đức chia sẻ.

Hành trình của Đức còn dài, nhiều dự định, anh chỉ mong rằng đôi chân đừng mỏi, bởi còn bao cảnh đời nghèo khó cần đến sự giúp đỡ của mình. “Làm được điều gì đấy cho người nghèo khổ, đó là niềm vui, hạnh phúc rồi. Mình sẽ tiếp tục con đường thiện nguyện dù có vất vả” - Đức tâm sự.

Hành trình thiện nguyện của Đức - Ảnh 4.

Những đòn bánh tày, bánh chưng được Đức làm gửi tặng bà con vùng lũ - Ảnh: ĐỨC TÀI

Kết nối nhiều bạn trẻ làm thiện nguyện

Từ khi Đức làm thiện nguyện, anh luôn huy động tất cả các bạn sinh viên, học sinh, đoàn viên tham gia, nhiều bạn còn cùng anh đi đến nhiều nơi, gắn bó với nhau nhiều năm qua. Em Bùi Thị Thanh Hương (17 tuổi) đến với CLB được 2 năm, luôn xem Đức như là một người anh, một bức tượng đài để bản thân em noi theo.

“Từ khi tham gia vào câu lậc bộ của anh Đức, em được đi nhiều nơi, tiếp xúc, giúp đỡ nhiều người. Em cảm thấy mình thật may mắn vì cuộc sống này còn biết bao hoàn cảnh khốn khó, cơ cực hơn mình”- Hương chia sẻ.

Với những gì đã cống hiến trong năm 2020, Đức cùng câu lạc bộ của mình đã được trao giải thưởng Lý Tự Trọng của Trung ương Đoàn, CLB được trao giải thưởng tình nguyện quốc gia của Trung ương Đoàn, danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác giai đoạn 2018-2020 của tỉnh đoàn Quảng Nam và nhiều giấy khen, bằng chứng nhận trong công tác Đoàn, thiện nguyện.

ĐỨC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên