04/06/2019 07:22 GMT+7

Trách nhiệm giải trình trước dân

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
TS NGUYỄN SĨ DŨNG

TTO - Chính phủ phải giải trình với Quốc hội, nhưng Quốc hội phải giải trình với nhân dân. Giải trình được, Chính phủ giữ được tín nhiệm của Quốc hội; Quốc hội giữ được tín nhiệm của nhân dân.

Trách nhiệm giải trình trước dân - Ảnh 1.

Điện, xăng tăng giá nhưng bộ trưởng Bộ Công thương không có trong danh sách giải trình trước Quốc hội - Ảnh: VIỆT DŨNG

Chế độ trách nhiệm là một trong những công cụ quan trọng nhất để vận hành thể chế. Ở tầm cao nhất, nó được thiết kế như sau: Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri (nhân dân). 

Chính phủ phải giải trình với Quốc hội, nhưng Quốc hội phải giải trình với nhân dân. Giải trình được, Chính phủ giữ được tín nhiệm của Quốc hội; Quốc hội giữ được tín nhiệm của nhân dân.

Một trong những công cụ quan trọng nhất để bảo đảm trách nhiệm giải trình của Chính phủ là hoạt động chất vấn tại phiên họp toàn thể của Quốc hội. Một trong những công cụ quan trọng nhất để bảo đảm trách nhiệm giải trình của Quốc hội là các cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp để báo cáo về kết quả của kỳ họp. 

Hôm nay, các phiên chất vấn đã bắt đầu. Sau ngày 14-6, các cuộc tiếp xúc cử tri để báo cáo về kết quả của kỳ họp sẽ được triển khai trong phạm vi cả nước.

Trả lời chất vấn để giải trình với Quốc hội lần này là 4 bộ trưởng: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. 

Những vấn đề mà các bộ trưởng nói trên phải giải trình với Quốc hội quả thật rất nhiều và cũng rất nóng bỏng. Đó là những vấn đề liên quan đến trật tự, an toàn xã hội; thị trường bất động sản và trật tự xây dựng; hoạt động vận tải và kết cấu hạ tầng giao thông; di sản văn hóa và các công trình tâm linh. Những vấn đề đặc biệt nóng ở đây là tình hình thu phí BOT, việc thương mại hóa các hoạt động tâm linh và tình trạng văn hóa, đạo đức xuống cấp.

Phải sau 2 đến 5 ngày nữa chúng ta mới biết về việc liệu 4 thành viên nói trên của Chính phủ có giải trình được trước Quốc hội về những vấn đề đang được đặt ra hay không. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, chúng ta đã có thể nhìn thấy việc giải trình của các vị đại biểu trước cử tri là sẽ rất khó khăn. Đơn giản là vì những vấn đề nóng bỏng nhất, được cử tri quan tâm nhất như chính sách tăng giá điện, chính sách tăng giá xăng dầu… đã không được đưa vào chương trình nghị sự của các phiên chất vấn.

Theo giải thích của tổng thư ký của Quốc hội, việc lựa chọn các bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn căn cứ vào số lượng câu hỏi được các vị đại biểu gửi đến cho từng bộ. 

Bộ Công thương - bộ chịu trách nhiệm về chính sách giá điện, giá xăng dầu - chỉ nhận được rất ít câu hỏi chất vấn nên không được lựa chọn để trả lời chất vấn lần này. Như vậy, việc không lựa chọn bộ trưởng Bộ Công thương trả lời chất vấn là căn cứ vào thủ tục xác định nghị trình của Quốc hội. 

Tuy nhiên, nếu việc không lựa chọn bộ trưởng Bộ Công thương là đúng thủ tục thì việc giải trình tại sao đại diện cho cử tri mà nhiều vị đại biểu lại chưa quan tâm đầy đủ đến những vấn đề cử tri đang quan tâm nhất như chính sách tăng giá điện sẽ rất khó khăn.

Nhân đây, tăng giá điện có thể là một phản ứng chính sách cần thiết xét từ góc độ kỹ trị. Vấn đề chỉ là tăng bao nhiêu và tăng như thế nào mà thôi. Tuy nhiên, nếu các vị đại biểu không chất vấn thì làm sao bộ trưởng có cơ hội giải trình trước toàn thể quốc dân, đồng bào về chính sách này được?!

Quốc hội chất vấn: Đại biểu Quốc hội chất vấn: Đại biểu 'canh' bấm nút hỏi bộ trưởng nào?

TTO - Rất nhiều đại biểu Quốc hội nói rằng họ "nóng lòng, hồi hộp" chờ giành quyền bấm nút để chất vấn các thành viên Chính phủ trong chương trình chất vấn diễn ra từ ngày 4 đến 6-6.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên