Ông Nguyễn Thái Học trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 14-6 - Ảnh: T.D
"Bộ Xây dựng đã lựa chọn, bổ nhiệm, theo dõi và soát xét con người ra sao mà một cán bộ mới bổ nhiệm được 2 tháng khi đi thanh tra chuyên ngành đã vi phạm?", ông Nguyễn Thái Học (phó ban Nội chính Trung ương) đặt câu hỏi.
Cán bộ mới bổ nhiệm 2 tháng đã vi phạm
* Ông đánh giá thế nào về mức độ vi phạm tại đoàn thanh tra Bộ Xây dựng đang được Công an tỉnh Vĩnh Phúc xử lý?
Việc thanh tra bất kỳ lĩnh vực nào cũng phải có các bước, quy định, toàn bộ đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng đã không thực hiện đúng quy trình đó. Tôi cũng băn khoăn về trách nhiệm của bộ chủ quản - Bộ Xây dựng, khi thành lập đoàn đã quán triệt, lựa chọn con người và theo dõi đoàn thanh tra đó như thế nào. Những việc đó đều có quy định nhưng không được thực hiện.
Điều quan trọng nhất là công tác đấu tranh chống tiêu cực trong nội bộ, đoàn thanh tra Bộ Xây dựng đã làm chưa tốt. Nguyên tắc là khi thành lập đoàn thanh tra thì phải lựa chọn con người đủ phẩm chất, năng lực và đạo đức, đủ tin tưởng để đi làm.
* Trong đoàn thanh tra Bộ Xây dựng vừa bị Công an Vĩnh Phúc tạm giữ, có một cán bộ mới bổ nhiệm chức vụ được 2 tháng. Phải chăng việc chọn người của Bộ Xây dựng có vấn đề?
Đây rõ ràng là một vấn đề phải đặt ra. Quá trình bổ nhiệm phải là một quá trình theo dõi, đánh giá cán bộ, Bộ Xây dựng đã đánh giá, theo dõi như thế nào mà vừa bổ nhiệm xong thì cán bộ đó vi phạm?
Tất cả đều từ gốc gác là công tác cán bộ. Nếu lựa chọn người không đúng thì hậu quả sẽ xảy ra.
Không thể nói rằng sai phạm chỉ là cá nhân, cá biệt
* Bộ trưởng Bộ Xây dựng khi trả lời báo chí đã nói rằng sai phạm trong vụ việc tại Vĩnh Phúc chỉ là của cá nhân?
Đồng ý rằng sai phạm trong vụ việc tại Vĩnh Phúc là sai phạm của cá nhân một con người. Nhưng cá nhân con người đó đang thực thi công vụ, mà công vụ này là do Bộ Xây dựng cử đi làm. Như vậy thì từ sai phạm của một con người đã ảnh hưởng rất lớn đến trách nhiệm của một ngành đang đóng vai trò thanh tra.
* Vậy người đứng đầu phải xử lý ra sao để tránh những vụ việc vi phạm tương tự?
Vụ việc tại đoàn thanh tra Bộ Xây dựng lộ lọt ra như thế cho thấy cần siết chặt lại kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động thanh tra, cho thấy bản thân hoạt động thanh kiểm tra cũng phải soát xét lại, đặc biệt là khâu lựa chọn cán bộ.
* Bộ Xây dựng phải chịu trách nhiệm như thế nào trong vụ việc sai phạm vừa qua?
Phải căn cứ điều kiện cụ thể để xem xét trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân.
"Người dân đang đặt câu hỏi có hay không tham nhũng ngay trong cơ quan phòng chống tham nhũng" - đại biểu Nguyễn Thái Học nói - Ảnh: T.D
Chọn sai người thì giám sát cũng không ra sai phạm
* Lâu nay dư luận luôn hỏi rằng có hay không tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng?
Lâu nay dư luận vẫn đặt vấn đề là có tiêu cực hay không trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Trên thực tế là có. Tuy nhiên sự việc tại Vĩnh Phúc là thanh tra chuyên ngành, không phải là cơ quan chống tham nhũng.
Nhưng vấn đề ở đây là hoạt động thanh tra, kiểm tra có vai trò rất lớn trong việc phát hiện các sai phạm trong lĩnh vực xây dựng. Việc thanh tra chuyên ngành của Bộ Xây dựng là có mục đích phát hiện sai phạm trong lĩnh vực này để chấn chỉnh khắc phục.
Nhưng khi thanh tra thì cán bộ lại vi phạm, để dư luận, người dân bức xúc rằng chính người đi thanh tra vi phạm lại vi phạm.
* Cơ chế nào để xử lý tận gốc vấn đề "cơ quan chống tham nhũng lại tham nhũng"?
Cơ chế tốt nhất là tự kiểm tra, tự giám sát, kiểm tra ngay trong nội bộ đoàn thanh tra và cơ quan được kiểm tra. Sâu xa hơn nữa là công tác cán bộ, phải lựa chọn cho đúng người có phẩm chất năng lực, đạo đức. Việc này nhiều bộ ngành chưa chú trọng.
Lựa chọn đúng người thì độ tin cậy cao, khó có sai phạm. Chọn người không tốt thì có giám sát, quy trình như thế nào cũng không phát hiện được sai phạm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận