Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2023 do Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức diễn ra vào sáng nay 17-2 tại TP.HCM.
Hội nghị có sự tham dự của các khách mời: ông Trần Thanh Lâm - phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Nguyễn Thanh Lâm - thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Nguyên - cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, ông Hoàng Vĩnh Bảo - chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, ông Lê Hoàng - giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM...
Ngành xuất bản cán mốc mục tiêu 6,02 bản sách/người/năm
Theo báo cáo từ ông Nguyễn Nguyên, năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành đạt 3.994,09 tỉ đồng, nộp ngân sách 414.842 tỉ đồng và lợi nhuận (sau thuế) đạt 429.483 tỉ đồng.
Trong đó, có 5 nhà xuất bản đạt doanh thu trên 100 tỉ đồng, 3 nhà xuất bản có doanh thu trong khoảng 50-100 tỉ đồng, 27 nhà xuất bản có doanh thu dưới 10 tỉ đồng và 6 nhà xuất bản doanh thu dưới 1 tỉ đồng.
Đây cũng là lần đầu tiên ngành xuất bản cán mốc mục tiêu 6,02 bản sách/người/năm. Đó là mục tiêu mà Ban Bí thư đặt ra cho ngành xuất bản từ năm 2010 nhưng không thể thực hiện được trong nhiều năm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Nguyên cũng tỏ ra lo lắng khi tỉ lệ 6,02 bản sách/người/năm nhưng trong đó có 3,04 bản là sách giáo khoa, giáo trình, bài tập; chỉ có 2,98 bản là các loại sách khác.
Mặt khác, tuy có sự tăng trưởng mạnh về năng lực sản xuất nhưng quy mô, doanh thu và lợi nhuận của các nhà xuất bản tăng chưa tương xứng. Mức vốn của phần lớn các nhà xuất bản còn thấp, thậm chí một số nhà xuất bản còn không có vốn, gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Nguyên kết luận: "Câu chuyện bảo vệ thị trường sách, câu chuyện đấu tranh chống in lậu phải được coi là câu chuyện trọng tâm, không chỉ của cơ quan quản lý, mà là câu chuyện của cả ngành chúng ta. Phải coi câu chuyện này là câu chuyện sống còn của nhà xuất bản".
Theo thông tin từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, đến nay, đã có 19 nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử, góp phần đưa số lượng đầu sách điện tử tăng gần 1,5 lần.
Danh hiệu thủ đô sách thế giới là một động lực
Phát biểu về văn hóa đọc của TP.HCM, ông Lâm Đình Thắng - giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM - cho biết TP.HCM là "điểm sáng" cho sự phát triển văn hóa đọc, là mô hình văn hóa đọc đầu tiên của cả nước hoạt động một cách hiệu quả.
Theo đó, ông Lâm Đình Thắng đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông có nghiên cứu, định hướng cho TP.HCM về việc đăng ký danh hiệu thủ đô sách thế giới vào năm 2025.
Cũng theo ông Thắng, quá trình đạt được danh hiệu thủ đô sách thế giới sẽ thúc đẩy ngành xuất bản và văn hóa đọc của TP.HCM phát triển mạnh mẽ.
"Có thể đến thời điểm đó đăng ký không thành công, nhưng quá trình thực hiện giúp nâng tầm của ngành xuất bản và văn hóa đọc của thành phố lên biết bao lần. Điều đó quan trọng hơn danh hiệu thủ đô sách thế giới. Danh hiệu chỉ là động lực" - ông Lâm Đình Thắng chia sẻ.
Đánh giá về thị trường xuất bản hiện tại, ông Nguyễn Thanh Lâm - thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - cho rằng ngành xuất bản có bốn bài toán cần phải giải. Thứ nhất, tỉ lệ sách cơ cấu vẫn còn thiên về sách giáo khoa và sách tham khảo.
Thứ hai, doanh thu lợi nhuận của nhà xuất bản vẫn còn quá thấp so với kỳ vọng.
Thứ ba, vai trò kỹ thuật số, công nghệ cũng là một bài toán quan trọng để tiếp cận thế hệ trẻ.
Cuối cùng là bài toán nhân lực, được xem là bài toán muôn thuở của ngành xuất bản.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Lâm cũng cho rằng việc đạt được danh hiệu thủ đô sách thế giới của TP.HCM là có khả năng, quan trọng hơn là hiệu quả và cách thức thực hiện của nó đối với ngành xuất bản.
Madrid (Tây Ban Nha) là thành phố đầu tiên được Đại hội đồng của UNESCO chọn là thủ đô sách thế giới. Năm nay và năm tới, danh hiệu này thuộc về thành phố Accra của Ghana và Strasbourg của Pháp.
Công nghệ AI và mục tiêu chuyển đổi số trong xuất bản
Nói về nỗi lo công nghệ AI đối với xuất bản, ông Nguyễn Nguyên cho biết: "Chat GPT tạo ra những sản phẩm phổ quát ai cũng có thể tiếp cận, nhưng nếu nhà xuất bản tạo cho mình những câu chuyện chuyên sâu với đặc sắc riêng của mỗi đơn vị thì tôi tin AI chỉ có thể hỗ trợ cho các nhà xuất bản chứ không thể thay thế".
Theo thông tin từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, đến nay, đã có 19 nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử, góp phần đưa số lượng đầu sách điện tử tăng gần 1,5 lần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận