21/08/2019 09:36 GMT+7

Tôi đi dạy học ở Trường Sa - Kỳ 2: Thương lắm tiếng trẻ nơi đảo xa

NGUYỄN HỮU PHÚ
NGUYỄN HỮU PHÚ

TTO - Khi mới dạy học ở đảo Song Tử Tây, điều làm tôi bỡ ngỡ, lúng túng là chọn phương pháp dạy thế nào cho phù hợp.

Tôi đi dạy học ở Trường Sa - Kỳ 2: Thương lắm tiếng trẻ nơi đảo xa - Ảnh 1.

Đồng bào giúp trường chuẩn bị lễ khai giảng ở đảo Song Tử Tây - Ảnh: NGUYỄN HỮU PHÚ

Tình thầy trò

Dạy ở đảo không giống trong đất liền với mỗi lớp một trình độ như nhau. Ở ngoài này tôi phải dạy lớp ghép, nghĩa là một lớp có nhiều trình độ khác nhau.

Trong cùng một lớp, các em lớp 4 có, lớp 1 có, lớp 2 có và cả độ tuổi... mẫu giáo cùng ngồi ê a. Việc dạy lớp ghép mất rất nhiều thời gian và khác hẳn phương pháp tôi được đào tạo sư phạm. Việc đầu tiên là tôi phải phân bố thời gian biểu sao cho hợp lý. 

Ví như vừa vào lớp thì tôi gọi học sinh lớp 4 lên bảng làm bài cũ, tiếp theo hướng dẫn các em mẫu giáo tô màu, sau đó lại quay sang kiểm tra phần đọc môn tiếng Việt của các em lớp 1 hoặc lớp 2.

Chính vì thế mà giáo viên phải di chuyển rất nhiều và luôn miệng với các em. Thậm chí mấy ngày đầu tôi còn bị chóng mặt như say sóng vì cứ quay chong chóng trong lớp. Mọi sự chưa vào nề nếp nên việc dạy rất khó. Tuy nhiên, nhờ các em biết vâng lời và chăm học nên tôi cũng đỡ vất vả dần.

Chưa đầy hai tháng, thầy và trò đã gắn bó với nhau như người trong gia đình. Rất vui là hầu hết học sinh của tôi đều khá, giỏi, mà có lẽ ngoài tư chất còn có lý do các em ở đảo không có nhiều điều kiện để chơi và phân tâm như trong đất liền.

Tôi ấn tượng với em Thiên Lân, con của hộ dân số 3 nhà anh chị Được - Lan. Em Thiên Lân rất sáng dạ, mới 5 tuổi mà học đến đâu nhớ đến đó, qua nhiều ngày kiểm tra lại vẫn còn nhớ giống vừa học xong. Bài thơ 5 chữ Song Tử Tây quê em hay bài Mùa xuân ở Trường Sa và còn nhiều bài thơ khác nữa do chính tôi sáng tác dài đến sáu khổ, tôi đọc cho em đọc theo. Và chỉ chưa đầy 10 phút, em đã thuộc lòng. Trong khi đó, chính tôi viết mà cũng... chưa thuộc giống như em. Còn các em khác cũng "một tám, một mười", bé nào cũng làm thầy vui và ấn tượng khó quên!

Học sinh nơi đây rất dễ thương, ngoan hiền và đặc biệt là rất chăm học. Chiều chiều các em hay lon ton qua nhà trường, ghé khu nội trú của thầy để cùng chơi đùa. Các em rất biết tiết kiệm điện nước và tuy còn nhỏ nhưng hoàn toàn ý thức học hành.

Nhiều lần tâm sự, tôi hỏi các em sau này muốn làm gì? Có bạn nói muốn làm hải quân để canh giữ đảo yên bình, có bạn nói muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho các chú lính, có bạn lại thích làm kỹ sư nông nghiệp để giúp các chú bộ đội trồng rau xanh tốt hơn. Những món quà mà các em dành tặng cho thầy giáo chúng tôi là các viên đá cuội, san hô hay những bông hoa bàng vuông rụng vào mỗi buổi sáng.

Chỉ một ngày chủ nhật, thầy trò không gặp nhau là đã thấy nhớ. Thương lắm tiếng trẻ nơi đảo xa!

Tôi đi dạy học ở Trường Sa - Kỳ 2: Thương lắm tiếng trẻ nơi đảo xa - Ảnh 2.

Lễ khai giảng ở đảo có cả quân, dân, thầy giáo và các em học sinh - Ảnh: NGUYỄN HỮU PHÚ

Rổ khoai, bó rau chia nhau

Thấm thoát cũng đã hơn một năm tôi được cầm phấn dạy trẻ nơi phên giậu máu thịt của Tổ quốc, tại ngôi trường tiểu học xã đảo Song Tử Tây đầy nắng gió. Một năm ở đây đã để lại trong tôi bao kỷ niệm tốt đẹp. Anh em chiến sĩ và đồng bào trên đảo sống quây quần, khắng khít bên nhau. Tính tình ai cũng mộc mạc, chân chất, hồn hậu giữa quanh năm mưa nắng bão bùng.

Mọi người sống nghĩa tình, không có sự ganh tị, hiềm khích, không bao giờ có sự chia rẽ, ganh đua hay toan tính thiệt hơn. Tôi cảm nhận rất rõ tấm lòng dân đảo xa thật thơm thảo. Nhà ai có món gì ngon đều cùng san sẻ với nhau, dù rằng thức ăn ở đây không được đa dạng và dễ kiếm như đất liền.

Phụ huynh thường vui vẻ góp vào mâm cơm chung ít quả trứng gà nhà nuôi đẻ được, hay con cá, trái mướp, trái bầu, hoặc có khi là ly chè đậu xanh mát lạnh vào những trưa oi bức. Tôi đã được nhiều lần ấm áp ngồi cùng những buổi ăn sáng, ăn trưa tập thể. Chúng tôi hay quây quần bên nhau dưới gốc cây bàng Trường Sa, có khi buổi tối còn cùng thưởng thức một rổ khoai lang nướng hay đậu phụng luộc. Nhà nào chậm chân, nhà kia lại nhớ, í ới gọi mời. Những ngày đầu ra đảo, tôi đã xúc động đến cay mắt và nhanh chóng vơi dần nỗi nhớ nhà.

Coi nhau như gia đình, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi được sống và dạy học giữa trùng khơi sóng nước. Dịp khai giảng, người dân và chiến sĩ đều nhiệt tình đến phụ trường quét dọn, chặt cành cây lòa xòa, nhổ cỏ, treo phông màn, cắt dán chữ lễ khai giảng, chuẩn bị loa đài, khiêng bàn ghế sắp xếp ngay ngắn trước sân trường để chuẩn bị cho năm học mới. Sắc áo lính, áo dân hòa quyện cùng nhau, không khí thật vui và thật yêu thương!

Ai có gì cũng chia sẻ cho nhau, chẳng bao giờ giữ cho riêng mình. Các anh em chiến sĩ thường biếu chúng tôi khi thì túi cà phê hòa tan 3 trong 1, lúc túi đậu xanh bột uống liền, bó rau tăng gia được. Và chúng tôi cũng chia sẻ lại cho anh em đang cầm súng bảo vệ Tổ quốc những món quà quê hoặc các thứ mà chúng tôi trồng trọt, chăn nuôi được. Những món ăn dân dã là vậy nhưng chan chứa cái nghĩa cái tình nơi đảo xa.

Đồng bào cần, cứ gọi lính

Vào mùa mưa bão, kể cả lúc trời đang gió dông mù mịt, nhưng anh Hồng - thượng tá, chính trị viên của đảo Song Tử Tây hay anh Dân - trung tá đảo trưởng - vẫn đội mưa gió để đến nhà trường và từng nhà dặn dò từng li từng tí, rồi giúp kiểm tra cửa nẻo, mái nhà đã chèo chống an toàn chưa. Các anh huy động chiến sĩ luôn theo dõi tình hình mưa bão để kịp thời bảo vệ đồng bào.

Những ngày 20-11 và lễ tết, các đơn vị trên đảo đều ghé nhà trường động viên nhau, kể cả ngày thường cũng hay ghé chơi hỏi thăm giáo viên chúng tôi có khó khăn gì cần giúp đỡ... Mai này nếu không còn được dạy học ở đảo, làm sao tôi có thể quên những ngày thật vui như dịp Tết trung thu.

Ngoài các chiến sĩ phụ giúp khâu treo phông màn, sắp đặt loa, đèn, hoa trái, còn có đội múa lân đặc biệt do thượng úy Lai - phân đội trưởng phân đội 2, cụm chiến đấu 2 - phụ trách thực hiện. Đặc biệt, anh Lai cũng là người múa lân chính của đội.

Ban ngày huấn luyện ở thao trường dưới cái nắng chát chúa kèm theo mặn rát của hơi biển, chiều tối các anh lính vẫn miệt mài tập luyện để đem niềm vui đến cho các em học sinh yêu thương ở đảo. Biểu diễn Tết trung thu xong, tập thể giáo viên chúng tôi mời các anh lính ở lại cùng thưởng thức tách trà, đĩa bánh. Chúng tôi gửi ít tiền bồi dưỡng cho anh em đội múa lân đã phải bỏ nhiều đêm làm dụng cụ, tập luyện và biểu diễn giúp trường nhưng họ nhất quyết không nhận.

Những người lính chân tình tâm sự: "Vì các em học sinh và tình đồng bào - chiến sĩ. Nơi biển đảo ai cũng khó khăn, chia sẻ và giúp được nhau cái gì thì giúp. Đồng bào có gì cần cứ gọi người lính, chúng tôi luôn sẵn lòng bất cứ lúc nào".

Ở trên bờ đôi khi tôi đã vô tình lướt qua những câu nói này, nhưng được sống ở Trường Sa tôi đã hiểu đó là lời từ đáy lòng người lính...

Kỳ tới: Dưới tán bàng Trường Sa

Tôi đi dạy học ở Trường Sa - Kỳ 1: Rưng rưng đặt chân lên đảo Tôi đi dạy học ở Trường Sa - Kỳ 1: Rưng rưng đặt chân lên đảo

TTO - LTS: Tình nguyện ra Trường Sa để dạy học cho trẻ thơ nơi đầu sóng ngọn gió thiêng liêng của Tổ quốc, thầy Nguyễn Hữu Phú đã xem gần 2 năm gắn bó ở đảo Song Tử Tây là tháng ngày hạnh phúc nhất của đời mình.

NGUYỄN HỮU PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên