14/08/2020 09:18 GMT+7

Tình nguyện viên chống dịch COVID-19: Vào hiểm nguy tìm 'bài học lịch sử'

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Hơn 200 tình nguyện viên đến từ 4 trường ĐH có đào tạo ngành y - dược trên địa bàn TP Đà Nẵng đăng ký làm việc lâu dài tại Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn, vừa góp một tay chống dịch, vừa mong nhận lại những bài học quý giá cho nghề nghiệp.

Tình nguyện viên chống dịch COVID-19: Vào hiểm nguy tìm bài học lịch sử - Ảnh 1.

Chuyên gia từ Bộ Y tế hướng dẫn sinh viên tình nguyện cách vận hành Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn (TP Đà Nẵng) - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

"Tôi muốn các bạn phải luôn nhớ chúng ta không đối mặt với F1, chúng ta không đối mặt với những ca nghi nhiễm. Chúng ta đối mặt với COVID-19 và có nguy cơ lây nhiễm nếu chúng ta không nghiêm túc trong việc bảo hộ" - đó là cảnh báo của chuyên gia y tế trong buổi tập huấn vận hành bệnh viện dã chiến cho các tình nguyện viên.

Các em không được lơ là phòng dịch vì ở đây có các ca nhiễm COVID. Tôi chúc các em sinh viên năm 3, năm 4, năm 5 thu được nhiều kinh nghiệm trong đợt tình nguyện này.

Thứ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN TRƯỜNG SƠN nhắc nhở các tình nguyện viên

Đã có hơn 200 tình nguyện viên đến từ 4 trường ĐH có đào tạo ngành y - dược trên địa bàn TP Đà Nẵng đăng ký làm việc lâu dài tại Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn. Ngoài mong muốn góp một tay vào việc chống dịch, những sinh viên y khoa còn mong được nhận lại những bài học quý giá cho nghề nghiệp.

Không chịu cảnh trói chân một chỗ

Buổi chạy thử các tình huống tiếp nhận bệnh COVID-19 tại Cung thể thao Tiên Sơn diễn ra với nhiều bỡ ngỡ vì không gian mới toanh. Hơn mười tình nguyện viên được sắp xếp đóng vai là những bệnh nhân để số còn lại được ngồi trên khán đài quan sát các chuyên gia y tế lành nghề vận hành cứu chữa. 

Tình huống đưa ra là trong buồng 2 bệnh nhân nặng và 1 bệnh nhân nhẹ cùng nhấn đèn báo với 1 bệnh nhân đau ngực cần được chụp X-quang. Ngay lập tức khu bệnh phòng được báo động, một lối đi riêng được thiết lập để đưa bệnh nhân đến xe chụp X-quang lưu động bên ngoài.

Từ trên khán đài, Nguyễn Thị Thu Hà, sinh viên y khoa năm 4 Trường ĐH Y dược kỹ thuật Đà Nẵng, chồm sang người bạn cùng lớp nhắc lại nguyên tắc "không quay đầu". Trong buổi tập huấn trước, các chuyên gia y tế ở Bệnh viện Bạch Mai đã nhắc nhiều đến đi một chiều, có cửa ra cho bệnh nhân, cửa ra cho nhân viên y tế để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm. 

Để đến được với buổi thị phạm này, ngoài sàng lọc về chuyên môn, Hà và bạn học cũng đã được sàng lọc âm tính với COVID-19.

Khuôn mặt cô nữ sinh đến từ Tây Nguyên ánh lên vẻ háo hức "xung trận" dù bị che bớt bởi lớp khẩu trang. "Đợt trước trường tôi đi tình nguyện 400 người, tôi cũng có đăng ký nhưng không được đi vì trong xóm trọ có một người là đối tượng F1. Cả nhóm phải giậm chân tại chỗ vì bị coi là F2" - Hà tâm sự.

Cô và một số người bạn ở Đắk Lắk trong lớp chọn trụ lại Đà Nẵng trong thời điểm cách ly xã hội. Phần vì lo ngại nguy cơ có thể mang bệnh về cho gia đình, phần vì Hà nghe thông tin từ nhà trường rằng có thể có đợt huy động sinh viên quy mô hơn hồi cách ly cả nước. 

Dẫu nằm trong danh sách đăng ký đầu tiên nhưng do kết quả xét nghiệm về muộn nên Hà đành ngậm ngùi nhường chỗ cho các bạn xung phong về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng và 7 trung tâm y tế quận, huyện.

Người bạn cùng lớp Nguyễn Thị Ánh cũng bị "trôi mất" cơ hội lên tuyến đầu chống dịch. Dù đã đăng ký nhưng do "chậm chân" nên Ánh tham gia khóa tập huấn sau. Ánh nói những ngày vừa qua không khí xung trận trong mình được bùng cháy khi khắp nơi nhân lực y tế đều đổ về vùng tâm dịch. Vừa có kiến thức y khoa, vừa không chịu được cảnh trói chân một chỗ trong vùng dịch nên Ánh đăng ký vào ngay nơi điều trị cho người nhiễm.

"Khu cách ly hay khu điều trị cho các ca nhiễm chắc cũng sẽ có niềm vui hơn là ngồi một chỗ chờ Bộ Y tế nhắn tin mỗi ngày. Bạn bè xung quanh đều đi chống dịch cả, tôi không chấp nhận lỡ cơ hội lần thứ hai" - Ánh hóm hỉnh.

Tình nguyện viên chống dịch COVID-19: Vào hiểm nguy tìm bài học lịch sử - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (thứ 2 từ phải sang) nói chuyện với các tình nguyện viên trước giờ vận hành bệnh viện - Ảnh: TR.TRUNG

"Xung trận" nhưng mong bệnh viện... ế khách

Cùng lúc với quá trình xây dựng Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn, một quá trình chuẩn bị nhân lực cho nơi chữa trị quy mô lên tới 1.000 giường bệnh đã được thiết kế kỹ lưỡng. Lần đầu tiên, cơ hội đối mặt trực tiếp với COVID-19 được mở rộng cho sinh viên. 

Yêu cầu với tình nguyện viên là những sinh viên y dược từ năm 3 trở lên, từng trải qua thời gian thực tập, thực hành tại các cơ sở y tế. Lời ghi chú "bệnh viện dã chiến là nơi chữa trị cho những bệnh nhân COVID-19" kèm theo tưởng chừng như là bài toán nhân sự khó thì đã có hơn 200 người đăng ký vào tuyến lửa.

Trước khi đăng ký tham gia, sinh viên Nguyễn Thị Nhật Tiên được tư vấn rằng mình sẽ "chịu trận" tối thiểu một tháng. Trong điều kiện lý tưởng nhất, mọi người sẽ đối mặt COVID nửa tháng, sau đó rời đi, đến cơ sở cách ly y tế thêm hai tuần nữa. Dẫu vậy, cô sinh viên năm 5 của Khoa y dược ĐH Đà Nẵng vẫn vui vẻ nhận lời.

Tiên nói ba học kỳ thực tập tại bệnh viện đã giúp cô tự tin dù chưa lần nào nhìn thấy một bệnh viện dã chiến. Vậy nên cô sinh viên ngành y đa khoa này muốn được "đi vào lịch sử" theo cách nói vui của các bạn trong lớp. 

Hít một hơi thật sâu, Tiên lên dây cót tinh thần: "Cứ nghĩ đây là cơ hội để được trang bị thêm kiến thức thì mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng. Tôi được biết ở đây sẽ có các chuyên gia, bác sĩ chuyên môn giỏi nên đây là dịp học hỏi, làm giàu kiến thức y văn...".

Lần đầu mang bộ đồ bảo hộ kín mít, Văn Thị Thanh Uyên cũng lường trước nguy cơ phơi nhiễm và cường độ dự kiến kéo dài 8 giờ mỗi ngày mà mình sắp đối mặt. Cô sinh viên Trường ĐH Duy Tân đã được trải qua hai đợt tập huấn từ các chuyên gia của Bộ Y tế và tham dự những buổi "chạy thử" từ khâu nhận bệnh, ăn uống rồi sử dụng các trang thiết bị trong bệnh viện... 

Qua những gì được học, Uyên nói mình không lo thái quá dẫu phải trực tiếp đối mặt với các nguy cơ. Điều cô gái này lo lắng chính là kế hoạch "tiền trảm hậu tấu" đăng ký tham gia chống dịch này có thể gây bất ngờ cho cha mẹ. 

"Khi thấy các cô chú lo chu đáo từ quy trình làm việc, phân chia các lối ra vào cho từng đối tượng, từng khu vực, tôi nghĩ mọi thứ không quá nhiều nguy cơ. Cái chính bây giờ là tôi vừa muốn thực hành cùng các anh chị lành nghề nhưng tâm nguyện thì mong bệnh viện này ế hơn" - Uyên cười.

Tình nguyện viên chống dịch COVID-19: Vào hiểm nguy tìm bài học lịch sử - Ảnh 4.

Diễn tập một quy trình vận hành tiếp nhận bệnh nhân ở bệnh viện dã chiến để các tình nguyện viên thị phạm - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Điều hành qua hệ thống vi tính

Bà Ngô Thị Kim Yến, giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết do được sử dụng để điều trị bệnh truyền nhiễm nên bệnh viện này sẽ hạn chế sử dụng giấy trong quá trình hoạt động. Vì vậy gần như các hoạt động của bệnh viện đều được điều hành qua hệ thống vi tính. Trong đó, các thông tin về xét nghiệm, siêu âm, chẩn đoán hình ảnh của bệnh nhân đều kết nối với bệnh án qua hệ thống xử lý thông tin.

"Với những trang thiết bị, cơ sở vật chất được lắp đặt, đưa vào sử dụng tại bệnh viện, đặc biệt bệnh viện được vận hành bằng hệ thống xử lý thông tin hiện đại, nên có thể xem bệnh viện dã chiến Cung Tiên Sơn là bệnh viện thông minh" - bà Yến nhận định.

Đã trang bị gần 500 giường bệnh nhẹ

Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn vừa được Sở Y tế Đà Nẵng tổ chức họp thẩm định các điều kiện. Hiện nay toàn bộ khu vực được kê 500 giường, trong đó có 480 giường điều trị bệnh nhân nhẹ và 20 giường cấp cứu.

Ngoài "quân" tinh nhuệ ra còn có hơn 200 sinh viên từ các trường y dược trên địa bàn. Số sinh viên tình nguyện này đã được xét nghiệm PCR và đều cho kết quả âm tính. Bước đầu, bệnh viện này sẽ điều trị ở mức cơ bản, có một phác đồ điều trị cơ bản để các bác sĩ có thể cùng sử dụng, nhưng trong phương án điều trị của bệnh viện luôn sẵn sàng cho phương án xấu như bệnh nhân bất ngờ có diễn biến nặng. Dự kiến bệnh viện hoạt động từ hôm nay 14-8.

Thư Thủ tướng: Cả nước hãy chia sẻ, bảo vệ những Thư Thủ tướng: Cả nước hãy chia sẻ, bảo vệ những 'chiến sĩ áo trắng' tuyến đầu chống dịch

TTO - "Tôi biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những cống hiến và sự tận tâm của các thầy thuốc trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, cảm ơn gia đình các thầy thuốc và cán bộ ngành y đã đồng hành và chia sẻ...", Thủ tướng viết.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên