* Iran có hạt nhân đủ làm 3 quả bom
* Cơ quan Liên Hiệp Quốc tố nhiên liệu viện trợ đang bị Israel dùng làm vũ khí trong xung đột
* Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc kêu gọi bảo vệ người dân trên Dải Gaza
Hai lãnh đạo Mỹ - Trung nói về nguy cơ đối đầu
Theo Hãng tin Reuters, rạng sáng 16-11 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bắt đầu phiên hội đàm chính thức đầu tiên trong một năm qua.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, ông Biden khẳng định Mỹ và Trung Quốc cần đảm bảo cạnh tranh giữa hai nước "không biến thành xung đột" và kêu gọi quản trị quan hệ song phương "một cách có trách nhiệm".
Đáp lại, ông Tập tuyên bố rất nhiều điều đã xảy ra kể từ cuộc gặp cuối cùng giữa lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hồi tháng 11-2022 tại Bali (Indonesia). Thế giới đã vượt qua đại dịch COVID-19, song vẫn đang chật vật với những tác động to lớn của nó.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc không quên khẳng định quan hệ Trung - Mỹ là "mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới". Trong đó, ông và ông Biden "gánh vác trách nhiệm nặng nề của hai dân tộc, của cả thế giới và của lịch sử".
"Đối với hai nước lớn như Trung Quốc và Mỹ, quay lưng với nhau không phải là lựa chọn. Việc một bên định hình bên còn lại là phi thực tế. Xung đột và đối đầu có hậu quả không thể đong đếm với cả hai bên", chủ tịch Trung Quốc cho biết.
Trọng tâm của Thượng đỉnh Mỹ - Trung lần này là việc hai nhà lãnh đạo tìm cách giảm mâu thuẫn giữa hai nước. Giới chức cả hai bên kỳ vọng ông Tập và ông Biden sẽ thảo luận về vấn đề Đài Loan, Biển Đông, xung đột Israel - Hamas, chiến sự Ukraine, vấn đề Triều Tiên và quyền con người.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra được nghị quyết về xung đột Gaza
Ngày 15-11 (giờ Mỹ), Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã ban hành nghị quyết kêu gọi việc tạm ngừng bắn khẩn cấp ở Gaza. Đây là lần đầu tiên cơ quan này đạt tiếng nói chung về vấn đề ở Gaza kể từ khi xung đột ở đây bùng nổ hôm 7-10, sau bốn nỗ lực thất bại.
Nghị quyết của Hội đồng Bảo an yêu cầu các binh sĩ Israel và phong trào Hồi giáo Hamas thực hiện tạm ngừng bắn ngay lập tức trong "một số ngày vừa đủ" để người dân Gaza có thể nhận cứu trợ nhân đạo.
Hội đồng Bảo an cũng kêu gọi Hamas thả vô điều kiện toàn bộ con tin đang bắt giữ ngay lập tức. Hai phe tham chiến cần tuân thủ pháp luật quốc tế, đặc biệt về việc bảo vệ thường dân, nhất là trẻ em.
Ngoài ra, nghị quyết Hội đồng Bảo an cũng yêu cầu các bên liên quan không được cấm cản người dân Gaza nhận các dịch vụ cơ bản và viện trợ nhân đạo cần để sống sót, đồng thời hoan nghênh những lô hàng viện trợ đầu tiên đến được Gaza và kêu gọi có thêm nhiều hàng hóa viện trợ hơn đến dải đất này.
Mỹ, Nga và Anh bỏ phiếu trắng trong phiên biểu quyết thông qua nghị quyết trên, trong khi toàn bộ 12 thành viên Hội đồng Bảo an còn lại đều bỏ phiếu thuận.
Gaza nhận những giọt nhiên liệu viện trợ đầu tiên
Ngày 15-11, 23.000 lít nhiên liệu đầu tiên đến được Dải Gaza từ khi xung đột Israel - Hamas bùng nổ đã được văn phòng của Liên Hiệp Quốc tại dải đất này tiếp nhận.
Theo một nguồn tin nhân đạo, Israel đã cho phép lượng dầu diesel trên vào Dải Gaza để Liên Hiệp Quốc vận hành các xe phân phối hàng viện trợ. Tuy nhiên, số dầu này không được dùng cho các bệnh viện.
"Đây chỉ là 9% lượng chúng tôi cần hằng ngày để duy trì các hoạt động cứu người", ông Tom White, giám đốc Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA) tại Gaza, chia sẻ trên mạng xã hội.
Trong khi đó, giám đốc UNRWA Philippe Lazzarini tuyên bố: "Toàn bộ hoạt động của chúng tôi đang bên bờ vực sụp đổ. Thật ghê sợ khi nhiên liệu tiếp tục được dùng làm vũ khí chiến tranh".
Lô nhiên liệu viện trợ trên đến Gaza vài ngày sau khi Liên Hiệp Quốc tuyên bố sẽ sớm phải dừng toàn bộ hoạt động nhân đạo tại đây vì cạn kiệt kho dự trữ nhiên liệu. Các bệnh viện, xưởng bánh, trạm xử lý nước thải, nhà máy lọc nước của cơ quan này đã phải đóng cửa vì thiếu nhiên liệu, trong khi các trung tâm dữ liệu viễn thông sẽ ngừng hoạt động trong 48 giờ tới.
Iran tiếp tục làm giàu hạt nhân
Hãng tin Reuters dẫn nguồn báo cáo mật ngày 15-11 của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) khẳng định Iran đã sở hữu lượng uranium làm giàu ở độ tinh khiết 60%, gần mức độ phục vụ sản xuất vũ khí, đủ để chế tạo ba quả bom nguyên tử.
Theo IAEA, Tehran tiếp tục quá trình làm giàu hạt nhân đến mức cao của mình, trong khi tỏ thái độ bất hợp tác trong nhiều vấn đề liên quan đến kiểm soát hạt nhân, vốn được cả cơ quan này và nhiều cường quốc phương Tây yêu cầu.
"Đó là một lượng khá lớn, đặc biệt khi ta không dùng nó để làm gì cả", một nhà ngoại giao cấp cao đề nghị không nêu tên cho biết.
Iran hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới làm giàu uranium đến độ tinh khiết cao như trên mà không sở hữu vũ khí hạt nhân.
Báo cáo của IAEA cho thấy số cụm máy ly tâm làm giàu uranium của Iran đang hoạt động không thay đổi. Trong khi đó, căng thẳng giữa cơ quan này và Iran chỉ ngày càng gia tăng.
Tehran hiện chưa có phản hồi về báo cáo trên.
Nhà máy điện hạt nhân ở Nga ngừng chạy
Rosenergoatom, doanh nghiệp quản lý điện hạt nhân quốc gia của Nga, cho biết nhà máy điện hạt nhân Leningrad ở thành phố St Petersburg đã phải ngưng hoạt động vì hỏng cánh quạt tuốc bin.
Doanh nghiệp trên cho biết vẫn chưa rõ lý do các cánh quạt trên bị hỏng. "Điều quan trọng hiện tại là hiểu được lý do các cánh quạt bị phá hủy. Đây là hiện tượng mới", ông Alexander Shutikov, lãnh đạo Rosenergoatom, chia sẻ.
Theo vị này, việc sửa chữa sự cố có thể kéo dài ít nhất đến ngày 22-12.
Rosatom, công ty mẹ của Rosenergoatom, cho biết vì tuốc bin không nằm trong các linh kiện liên quan đến hạt nhân của nhà máy nên việc chúng ngừng hoạt động không ảnh hưởng đến an toàn hạt nhân. Toàn bộ thiết bị của lò phản ứng vẫn hoạt động bình thường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận