Khối ngoại áp đảo trong các vụ giao dịch bất động sản Việt Nam
Trong báo cáo vừa phát hành, Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết tổng giá trị giao dịch đầu tư và M&A bất động sản tạm tính trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 729 triệu USD, giảm 33% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do thiếu thương vụ có giá trị lớn.
Dẫn đầu trong các thương vụ là các nhà đầu tư gốc Á như Singapore, Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc. Các nhà đầu tư ngoại vẫn chiếm phần lớn trong hoạt động giao dịch, thu mua và đầu tư bất động sản; trong khi khối nội chỉ chiếm chưa đến 10% số lượng giao dịch.
Đơn vị nghiên cứu lý giải doanh nghiệp nội vẫn đang đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi như tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, pháp lý dự án chưa được tháo gỡ, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều bất cập, chưa tiếp cận được dòng vốn.
Nhìn lại các giao dịch cả giai đoạn 2018 đến 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam ghi nhận tổng lượng vốn đầu tư và M&A bất động sản đạt khoảng 4,2 tỉ USD, trong đó loại hình nhà ở và công nghiệp chiếm tỉ trọng lần lượt 46% và 28%, theo dữ liệu từ RCA và Cushman & Wakefield. Điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung vào các loại tài sản truyền thống tại Việt Nam, phục vụ chính cho nhu cầu "an cư lạc nghiệp".
Giá heo hơi giảm mạnh, giá thịt heo vẫn quá mắc
Thông tin từ nhiều người nuôi cho biết giá heo hơi bán ra hiện ở mức khá thấp với phổ biến 45.000 - 48.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng so với nửa tháng trước đó, và giảm mạnh so với mốc 60.000 - 63.000 đồng thời điểm tháng 6.
Ông Nguyễn Kim Đoán, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết giá bán trên đang khiến người nuôi thua lỗ trung bình 5.000 đồng/kg heo hơi bán ra, thậm chí mất trắng nếu trại bị dịch bệnh.
Tuy nhiên, giá bán lẻ thịt heo tại nhiều cửa hàng, siêu thị ở TP.HCM được nhiều người dân cho biết vẫn chưa giảm, thậm chí neo ở mức cao khi niêm yết 280.000 đồng/kg sườn non, 249.000 đồng/kg ba rọi rút sườn...
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 29-11, đại diện Sở Tài chính TP.HCM cho biết mới đây đã yêu cầu doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường giảm giá bán thịt heo. Tuy nhiên, trường hợp giá đầu vào tiếp tục giảm ở mức tác động nhiều đến giá thành, cụ thể là giá heo hơi, thì sở sẽ tiếp tục đề nghị doanh nghiệp giảm giá bán.
Chi hơn 4 tỉ USD nhập sắt thép từ Trung Quốc
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 11 (1 đến 15-11), cả nước nhập khẩu 675.795 tấn sắt thép các loại, đạt kim ngạch gần 493 triệu USD.
Tính chung từ đầu năm đến 15-11, cả nước nhập khẩu khoảng 11,28 triệu tấn sắt thép các loại, kim ngạch đạt gần 9 tỉ USD, tăng 9% về lượng, nhưng giảm 16,82% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường (cập nhật đến hết tháng 10), Trung Quốc dẫn đầu với 6,37 triệu tấn, kim ngạch hơn 4,44 tỉ USD, tăng 47,8% về lượng, tăng 3% kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Các thị trường lớn khác như Nhật Bản với 1,62 triệu tấn, kim ngạch 1,24 tỉ USD; Indonesia với 547.213 tấn, kim ngạch 936 triệu USD…
Ngoài sắt thép, hết tháng 10, Việt Nam còn nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Trung Quốc có giá trị lớn như nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch lên đến 18,85 tỉ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 18 tỉ USD.
Hơn 449 tỉ đồng tặng quà Tết cho người có công
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung vừa ký tờ trình Chủ tịch nước tặng quà cho người có công với cách mạng Tết Giáp Thìn 2024. Tổng kinh phí dự kiến hơn 449 tỉ đồng, dành cho trên 1,46 triệu người. Khoản kinh phí tặng quà đã được bố trí trong kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2024.
Cụ thể, mức quà 600.000 đồng dành tặng người hoạt động cách mạng trước ngày khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng...
Mức quà 300.000 đồng dành tặng thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 80% trở xuống, thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 80% trở xuống, người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, người có công giúp đỡ cách mạng, đại diện thân nhân liệt sĩ...
Liên tiếp học sinh nghi ngộ độc sau khi ăn kẹo lạ in chữ nước ngoài
Ngày 29-11, UBND huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm với trên 20 em học sinh Trường THCS và THPT Hoành Mô, do ăn một loại kẹo có chữ nước ngoài, được mua ở gần cổng trường học.
Theo đó, các em ăn kẹo vào chiều 27-11, đến tối cùng ngày thì có biểu hiện đau đầu, đau bụng, buồn nôn. Đến chiều 28-11, các học sinh vẫn còn đau đầu, đau bụng, buồn nôn. Các em đã được đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra, theo dõi sức khỏe. Hiện vẫn còn một học sinh đang nằm viện theo dõi.
Qua kiểm tra, rà soát, nhà trường phát hiện các em học sinh ăn cùng một loại kẹo (vỏ kẹo có chữ nước ngoài và không có nhãn chú thích bằng tiếng Việt) tại cửa hàng tạp hóa gần cổng trường.
Trước đó ngày 25-11, tại Trường THCS thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) cũng có 5 em học sinh nghi ngộ độc sau khi ăn kẹo lạ: các em có cùng biểu hiện tê môi, chóng mặt, tức ngực, khó thở.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận