18/06/2024 09:02 GMT+7

Tín dụng sớm khởi sắc, lãi suất sẽ thay đổi

Tín dụng tính đến ngày 22-5 mới tăng 2,58% so với cuối năm ngoái nhưng dự báo sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm, do vậy lãi suất huy động vẫn theo xu hướng nhích lên.

Diễn biến tỉ giá trong thời gian gần đây - Đồ họa: T.ĐẠT - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Diễn biến tỉ giá trong thời gian gần đây - Đồ họa: T.ĐẠT - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 22-5, huy động vốn giảm 0,03% (huy động VND tăng 0,05%, ngoại tệ giảm 1,10%). Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 2,58% (VND tăng 2,72%, ngoại tệ giảm 0,93%) so với cuối năm 2023.

6 tháng tín dụng tăng không như kỳ vọng

Ông Nguyễn Đức Lệnh, phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết đến cuối tháng 5, tín dụng trên địa bàn đạt trên 3,6 triệu tỉ đồng, tăng 0,61% so với tháng trước, tăng 1,93% so với cuối năm 2023.

Dù tốc độ tăng trưởng không cao, song tín dụng đã duy trì tăng trưởng dương liên tục từ tháng 2 đến nay với mức tăng tháng sau cao hơn tháng trước...

Theo ông Lệnh, trong điều kiện khả năng hấp thụ vốn trong nền kinh tế còn thấp, đây là yếu tố để kỳ vọng tín dụng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới, khi hoạt động kinh tế thường vận hành và tăng trưởng tốt trong 6 tháng cuối năm.

"So với cùng kỳ 2 năm gần đây, mức tăng này cũng không phải quá khiêm tốn, vì 5 tháng đầu năm 2023 tín dụng chỉ tăng 1,87%, 5 tháng đầu năm 2020 tăng 1,75%", ông Lệnh nói.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, tổng giám đốc Vietcombank, cho biết do kinh tế còn nhiều thách thức dẫn đến khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp rất hạn chế, ảnh hưởng lớn đến hoạt động ngân hàng, thể hiện ở chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

"Tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay là vấn đề rất đau đầu đối với ngành ngân hàng, dù các ngân hàng đã giảm lãi suất tối đa", ông Tùng chia sẻ.

Theo ông Tùng, mặt bằng lãi suất năm 2024 thấp hơn cả thời kỳ bùng phát dịch COVID-19. Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện đến nay, Vietcombank đã có 22 lần giảm lãi suất, cùng với đó là giảm các khoản phí để chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Tuy nhiên, do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp nên tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng chưa được như mong muốn.

Trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng, các chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến ngày 10-5 mới đạt 1,95%.

Kể từ đầu năm, dư nợ tín dụng đã tăng ròng hơn 326.800 tỉ đồng, nhưng vẫn cách xa so với mục tiêu 2 triệu tỉ đồng bơm vào nền kinh tế thông qua kênh cho vay trong cả năm nay.

Mốc 2 triệu tỉ đồng tương đương với mức tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15% theo chỉ tiêu NHNN đã đề ra cho cả năm nay, đồng thời có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Các chuyên gia tại VCBS cũng dự báo nhu cầu tín dụng sẽ bắt đầu tăng tốc từ quý 2 khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp giúp thúc đẩy nhu cầu vay và nền kinh tế hồi phục.

"Tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 ước đạt 12 - 13%", các chuyên gia phân tích của VCBS dự báo. Theo thống kê của công ty chứng khoán này, vẫn có những ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng tích cực trong 5 tháng đầu năm như HDBank, LPBank, Techcombank, NCB hay MSB. Điểm chung của những ngân hàng này là đều thuộc nhóm ngân hàng thương mại tư nhân với chiến lược cho vay khách hàng cá nhân. Riêng LPBank, tăng trưởng tín dụng quý 1 đạt 11,7%, cao nhất hệ thống ngân hàng.

Dữ liệu : Lê Thanh - Đồ họa: T.ĐẠT

Dữ liệu : Lê Thanh - Đồ họa: T.ĐẠT

Nhiều doanh nghiệp khởi động lại dự án làm ăn

Dù tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm của Vietcombank mới đạt 1,6% so với cuối năm ngoái, nhưng theo ông Nguyễn Thanh Tùng, trong tháng 4 và tháng 5, thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên và tín dụng tiêu dùng bất động sản bắt đầu hồi phục. Đây là yếu tố rất tích cực cho tăng trưởng tín dụng.

"Trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, chúng tôi khá lo khi thấy các khách hàng tổ chức không đầu tư mới để sản xuất kinh doanh, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Nhưng đến tháng 4 và tháng 5, tình hình khả quan hơn khi nhiều khách hàng đến tiếp cận, đặt vấn đề để khởi tạo lại dự án phải tạm dừng trước đây. Đây là yếu tố sẽ tạo tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm nay", ông Tùng cho hay.

Ông Lệnh cũng nhận định với tính quy luật trong tăng trưởng kinh tế của các tháng nửa cuối năm (thường tốt hơn các tháng đầu năm); cùng với đó số lượng đơn hàng được đặt tăng trưởng tốt.

Một số ngành vẫn duy trì tăng trưởng, Chính phủ đang rốt ráo triển khai nhiều giải pháp phục hồi thị trường bất động sản... sẽ là yếu tố tác động tích cực để tín dụng nói chung và trên địa bàn nói riêng duy trì và đạt kết quả theo định hướng đề ra.

Về định hướng tập trung tín dụng trong năm nay, theo ông Tùng, Vietcombank luôn xác định ưu tiên vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, các dự án trọng điểm quốc gia.

Đơn cử, Vietcombank vừa ký kết tài trợ vốn cho dự án sân bay Long Thành với 1 tỉ USD. Dự án này sẽ tạo động lực phát triển kinh tế cho cả đất nước cũng như khu vực phía Nam.

Ngoài ra, ngân hàng này cũng tập trung vốn cho dự án cảng biển ở cả ba miền và đầu tư hạ tầng giao thông, công nghiệp, đồng thời tiếp tục lựa chọn dự án khó nhưng là động lực hỗ trợ phát triển kinh tế một cách bền vững. Đến cuối năm, tín dụng của VCB sẽ đạt 10%, nếu tiến độ giải ngân tốt sẽ đạt tới 15%.

Theo một số chuyên gia, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế và cần thêm thời gian để hấp thụ lượng vốn được giải ngân cuối năm ngoái. Tình hình tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ gần giống với năm 2023, đầu năm có thể sẽ gặp khó khăn, nhưng đến thời điểm cuối năm, tổng mức tín dụng tăng trưởng toàn hệ thống có thể đạt 85 - 90% chỉ tiêu mà NHNN đề ra.

Trong đó, động lực cho tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ đến từ hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm có tính lan tỏa cao như dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.

"Ngoài ra, việc thị trường bất động sản hồi phục rõ nét hơn sẽ kéo theo tăng trưởng tín dụng các phân khúc cho vay doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, cho vay mua nhà cũng là động lực cho tăng trưởng tín dụng cả năm", một chuyên gia nhận định.

Lãi suất các ngân hàng ở TP.HCM chiều 17-6 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Lãi suất các ngân hàng ở TP.HCM chiều 17-6 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh

Theo NHNN, tăng trưởng kinh tế 4 tháng đầu năm 2024 phục hồi ở sản xuất công nghiệp, đầu tư, xuất nhập khẩu, nhưng tiêu dùng còn chậm. Do đó, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.

Cụ thể, trên cơ sở theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối, NHNN duy trì chào mua có kỳ hạn giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở hằng ngày với khối lượng phù hợp để sẵn sàng hỗ trợ vốn cho các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ. Trong tháng 5, NHNN tiếp tục phát hành tín phiếu để chủ động kiểm soát tiền tệ, hỗ trợ điều hành tỉ giá.

NHNN cũng cho biết sẽ tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng phải tiếp tục công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm (nếu có) trên website của ngân hàng. Qua đó, khách hàng có thêm thông tin tham khảo khi tiếp cận vốn vay.

NHNN cũng cam kết tiếp tục điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng. Mặt khác, các tổ chức tín dụng phải hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Tín dụng được kiểm soát chặt chẽ vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Với thanh khoản dồi dào và còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn vay đối với nền kinh tế.

Lãi suất huy động liên tục tăng

Những ngày gần đây, các ngân hàng liên tục tăng lãi suất. Tính từ đầu tháng 6 đến nay đã có 19 ngân hàng tăng lãi suất huy động, trong đó có 5 ngân hàng đã 2 lần tăng lãi suất. Theo thống kê, có 2 ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất trên 5%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 6 tháng.

Với kỳ hạn 9 tháng, có 9 ngân hàng áp dụng lãi suất từ 5%/năm. Với kỳ hạn tiền gửi 12 tháng, mức lãi suất từ 5%/năm xuất hiện ngày một nhiều. Có tới 22 ngân hàng trả lãi suất theo các mức này, trong đó cao nhất lên đến 5,75%/năm. Với tiền gửi kỳ hạn 18 tháng, có ngân hàng trả mức lãi suất lến đến 6,1%/năm. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất đối với tiền gửi kỳ hạn 24 và 36 tháng.

Đại biểu lo ‘chảy’ USD ra nước ngoài khi lãi suất USD của Việt Nam 0%, Mỹ 5,5%/nămĐại biểu lo ‘chảy’ USD ra nước ngoài khi lãi suất USD của Việt Nam 0%, Mỹ 5,5%/năm

Trước những thách thức đặt ra cho nền kinh tế và doanh nghiệp rút khỏi thị trường ngày càng tăng, đại biểu Quốc hội đề xuất cần có giải pháp huy động USD trong dân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên