25/05/2024 13:14 GMT+7

Đại biểu đề xuất sử dụng công cụ lãi suất thay vì room tín dụng trong điều hành

Cần tiến tới sử dụng các công cụ lãi suất để điều hành tín dụng hơn là công cụ về hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng), theo đề xuất của đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 25-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường thực hiện nghị quyết 43 về chương trình phục hồi kinh tế xã hội.

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng - phó chủ tịch thường trực tỉnh Quảng Trị, việc thực hiện nghị quyết 43 đã góp phần giúp "Việt Nam hạ cánh mềm, thay vì hạ cánh cứng như nhiều nước". Tức là, nền kinh tế không lâm vào tình trạng lạm phát cao như các nước phát triển là Mỹ, EU.

Tiến tới sử dụng công cụ lãi suất để điều hành tín dụng

Tuy vậy, có những chính sách không thực hiện do không khả thi, như gói hỗ trợ lãi suất 2%, khi mới giải ngân được 3,05%, tương đương 1.218 tỉ đồng. Hay giải ngân đầu tư công vướng mắc về pháp luật, siết kỷ cương bộ máy.

Với một số chính sách như giảm 2% thuế VAT mang lại lợi ích, song cũng gặp vướng mắc phân loại hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 8% hay 10%. Đại biểu Đồng cho rằng việc quy định như vậy là "quá cứng nhắc", hay đề nghị giãn nộp thuế vào cuối năm và sang năm sau, nhưng lại thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Từ thực tiễn trên, đại biểu Đồng cho rằng tới đây nếu tiếp tục có các gói hỗ trợ kinh tế vĩ mô, cần cân nhắc rất kỹ về yếu tố thời điểm đưa chính sách vào cuộc sống. Trong đó, trọng tâm là việc giảm thuế ở mức lớn và một số ngành cụ thể.

Liên quan tới chính sách tiền tệ, ông Đồng cho rằng giai đoạn 2022-2023 là "hai năm toát mồ hôi" trong điều hành tiền tệ. Do vậy, về lâu dài cần tiến tới sử dụng các công cụ lãi suất để điều hành tín dụng hơn là công cụ về hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng).

Ông cho biết tại báo cáo gửi Quốc hội ở kỳ họp này, thống đốc Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên trì quan điểm chưa thể bỏ công cụ room tín dụng. Tuy vậy, ông đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có tổng kết đánh giá chính sách room tín dụng và tiến tới luật hóa vấn đề này.

Trong khi đó, cho ý kiến về tiến độ giải ngân nhiều gói chính sách trong nghị quyết 43 còn chậm, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng cần phân tích thêm vì hầu như kỳ họp nào cũng nêu vấn đề này, nhưng các đánh giá chỉ mang tính định tính.

Điều hành tín dụng bằng room có thể phát sinh tình trạng xin cho

Hiện nay để điều hành tín dụng, Ngân hàng Nhà nước thực hiện công cụ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) cho các ngân hàng thương mại. Mục đích sử dụng room tín dụng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, việc áp đặt room tín dụng như vậy từng được đại biểu Hà Sỹ Đồng đánh giá là có thể phát sinh tình trạng xin cho và đề nghị bỏ hẳn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Trong khi đó, lãi suất điều hành là một công cụ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giúp điều tiết hoạt động tài chính, thúc đẩy nền kinh tế hoặc hỗ trợ hoạt động sản xuất. Việc tăng giảm lãi suất điều hành sẽ do Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh và lựa chọn với các tỉ lệ khác nhau để phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô.

Nghiên cứu gói tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp

Đặt câu hỏi là liệu chậm giải ngân vốn đầu tư công có phải do quy trình thực hiện làm chậm giải ngân hay không, đại biểu dẫn chứng có tới 5 lần phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà kết quả là vốn chỉ bố trí được 72% và giải ngân đạt 61%.

“Quốc hội chỉ cho bố trí vốn, còn Chính phủ chọn dự án, chứ nếu tham gia vào chọn dự án như vậy thì liệu có gây ra chậm trễ hay không? - ông nêu vấn đề và cho rằng cũng cần xem xét thời hạn và hiệu lực nghị quyết 43, bởi nếu lạm dụng có thể gây ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô.

Trong khi đó, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) lại đồng tình đề xuất kéo dài thực hiện nghị quyết 43 như dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên, ông lưu ý cần tháo gỡ điều kiện vay vốn của doanh nghiệp. Vì theo khảo sát, gần 57% gặp khó khăn thực hiện thủ tục và điều kiện cho vay là trở ngại lớn nhất với họ khi tiếp cận gói vay lãi suất 2%.

Trên thực tế, đầu tư tư nhân vẫn tăng trưởng thấp, chỉ tăng 2,7%, bằng 20% mức tăng bình quân 2015-2019. Bốn tháng đầu năm có hơn 86.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong khi chỉ hơn 23.000 đơn vị được lập mới.

"Điều này nghĩa là doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về vốn, lao động, thị trường lao động. Vì vậy Chính phủ cần nghiên cứu giải pháp tổng thể hơn để hỗ trợ doanh nghiệp cả nước đang kiệt sức" - đại biểu Tuấn nêu.

Trong đó, ông lưu ý cần sớm có văn bản hướng dẫn các luật mới, sửa đổi được Quốc hội thông qua trong thời gian sớm nhất như Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản sửa đổi… nhằm tạo hành lang pháp lý thống nhất. Chính sách hỗ trợ khi Việt Nam đã áp thuế tối thiểu toàn cầu từ đầu năm 2024, dành cho nhà đầu tư nước ngoài.

Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng cho các ngân hàngNgân hàng Nhà nước nới room tín dụng cho các ngân hàng

Trong bối cảnh tín dụng 6 tháng mới đi được 1/3 chặng đường, Ngân hàng Nhà nước vừa có động thái giao thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên