13/06/2022 09:21 GMT+7

Tiền mặt chỉ để trả tiền giữ xe

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TTO - Với nhiều người, tiền mặt giờ chỉ để trả tiền giữ xe.

Tiền mặt chỉ để trả tiền giữ xe - Ảnh 1.

Chị Mai Thị Huỳnh Trân, công nhân trong Khu chế xuất Linh Trung, thành phố Thủ Đức (TP.HCM), dùng MoMo thanh toán tiền mua cà phê chiều 11-6 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều người cứ nghĩ công nhân, thu nhập có mấy đồng đâu mà thanh toán không tiền mặt chi cho mất công. Nhưng khảo sát của Tuổi Trẻ về tiêu dùng không tiền mặt của công nhân tại các khu công nghiệp cho thấy một kết quả bất ngờ, số đông đã sử dụng điện thoại thông minh và các phương thức thanh toán không tiền mặt như mã QR, chuyển khoản, cà thẻ, qua các ví điện tử... Với nhiều người, tiền mặt giờ chỉ để trả tiền giữ xe.

Nhiều năm trước, trong khi đa số người làm công ăn lương vẫn hằng tháng ghé chị kế toán để nhận lương bằng tiền mặt, rất đông công nhân đã quen với tài khoản ngân hàng. Họ làm việc trong các doanh nghiệp có vốn nước ngoài và được trả lương qua ngân hàng. 

Chỉ có điều, khi đó dịch vụ và công nghệ thanh toán không tiền mặt còn nghèo nàn, chưa tiện dụng. Vì thế mới có những hình ảnh công nhân rồng rắn trước các cây ATM để rút lương về chi xài, khi về quê... 

Nay mọi thứ đã thay đổi. Hầu hết công nhân đều dùng điện thoại thông minh và đặc biệt công nghệ thanh toán không tiền mặt đã phát triển vượt bậc với nhiều tiện ích, đa dạng và quá tiện lợi. 

Và một lần nữa, hàng triệu công nhân đã sớm tiếp cận các dịch vụ thanh toán mới, trước lạ sau quen, càng dùng càng thấy tiện lợi. Nhiều công nhân dùng thanh toán không tiền mặt để trả tiền dịch vụ ở quê cho người thân, hằng tháng, trừ vào ví của người đang làm việc ở thành phố. Còn tiền gửi cho người ở quê mua sắm cũng nhanh chóng chuyển online qua ngân hàng. 

Thật khó tưởng tượng chỉ cách đây mấy năm việc chuyển tiền như vậy phải qua hệ thống ngân hàng, bưu điện mất tới vài ba ngày đến một tuần. Bây giờ chỉ rẹt rẹt vài phút là xong.

Vì thế, những suy nghĩ cho rằng công nhân lương bao nhiêu mà thanh toán không dùng tiền mặt "có gì không đúng". Thực ra, càng ít tiền, càng cần đến thanh toán không tiền mặt. 

Trước đây, rút tiền từ ATM về chi xài dần, ở nhà trọ phải lo giữ tiền khó hơn, lỡ rớt hay ai đó táy máy, thật là xui xẻo. Muốn gửi ít tiền về cho người thân ở quê phải chạy ra ngân hàng, bưu cục chuyển, chạy đi chạy lại cũng tốn kém xăng. Xếp hàng trước ATM rút tiền cũng mất thời gian, thay vì về phòng trọ nghỉ ngơi... 

Nay sử dụng các dịch vụ thanh toán mới đã giúp người công nhân không chỉ tiết kiệm tiền bạc, thời gian và đặc biệt là dần giúp họ có thói quen quản lý đồng tiền ít ỏi của mình hiệu quả hơn.

Tuy vậy, vẫn còn tỉ lệ lớn công nhân chưa tiếp cận hoặc sử dụng nhiều các hình thức thanh toán không tiền mặt. Ở những người đã dùng, đa số vẫn là các dịch vụ phổ biến và giản đơn như mua sắm online, trả tiền điện, tiền nước, điện thoại... 

Đấy chính là cơ hội cũng là thách thức cho các nhà phát triển thanh toán không tiền mặt và đòi hỏi phải làm nhiều hơn nữa để công nhân nói riêng và người dân nói chung có thể tiếp cận dịch vụ này ở các khoản thanh toán cao cấp hơn như bảo hiểm, đầu tư. 

Tiền không còn trong túi của mỗi người, lại thanh toán cực kỳ nhanh, đó chính là nguồn lợi nhỏ cho mỗi cá nhân, gộp lại là món lợi lớn cho cả nền kinh tế. Phải xem đó là nguồn lực, là mỏ vàng để khai thác đem lại lợi ích cho từng người, từng gia đình và cả xã hội.

Bất ngờ với mức độ Bất ngờ với mức độ 'không tiền mặt' của công nhân

TTO - Các đơn vị đồng hành cùng Chợ phiên không tiền mặt cho biết bất ngờ trước mức độ sử dụng thanh toán không tiền mặt của công nhân.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên