Ngư dân Philippines nhìn một tàu hải cảnh Trung Quốc di chuyển gần bãi cạn Scarborough mà Philippines và Trung Quốc có tranh chấp ở Biển Đông - Ảnh: REUTERS
Hôm 26-1, báo The Philippine Daily Inquirer đưa tin tàu hải cảnh Trung Quốc đã cố xua đuổi một tàu cá Philippines bằng cách quấy rối, ngăn tàu này tiếp cận khu vực gần đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Cụ thể, Larry Hugo, ngư dân Philippines 42 tuổi, cho biết khi ông tìm cách đi tới một trong những bãi cát gần đảo Thị Tứ hôm 25-1, ông kinh ngạc khi một tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 5103 ngăn ông tiếp cận.
Việc tàu Trung Quốc xua đuổi ngư dân Philippines ở Biển Đông đã diễn ra trong những năm qua. Tuy nhiên, theo The Philippine Daily Inquirer, "đây là lần đầu tiên ông Hugo bị Trung Quốc dọa dẫm sau khi đánh bắt trong khu vực này trong nhiều năm".
"Trước đây, họ cũng để ý tới tàu bè Philippines tại đó, nhưng không giống những gì xảy ra với tôi. Tàu hải cảnh Trung Quốc thật sự gần, cách tôi khoảng 100m", ông Hugo kể lại.
The Philippine Daily Inquirer lưu ý hành động hung hăng trên của tàu hải cảnh Trung Quốc diễn ra sau khi Bắc Kinh thông qua luật hải cảnh cho phép lực lượng này bắn vào tàu nước ngoài. Chuyên gia luật hàng hải Jay Batongbacal của Philippines đánh giá luật mới này là mối lo với Philippines.
Hôm 26-1, thượng nghị sĩ Richard Gordon và thượng nghị sĩ Francis Tolentino của Philippines đã bày tỏ lo lắng về luật hải cảnh vừa được Trung Quốc thông qua, vốn cho phép hải cảnh của Trung Quốc dùng vũ khí nhắm vào tàu nước ngoài.
"Các ngư trường đã bị lấy đi từ tay chúng ta. Người dân của chúng ta đã bị tước đoạt sinh kế và tôi nghĩ Trung Quốc nợ chúng ta một lời giải thích về ý định thật sự của họ", thượng nghị sĩ Richard Gordon phát biểu trong một phiên họp toàn thể của Thượng viện Philippines.
Theo luật hải cảnh được Trung Quốc thông qua hôm 22-1, "hải cảnh có quyền áp dụng tất cả biện pháp cần thiết, gồm sử dụng vũ khí" khi cái gọi là "chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc" bị các cá nhân và tổ chức nước ngoài xâm phạm phi pháp hoặc đối diện mối nguy cấp bách bị xâm phạm phi pháp.
Ông Gordon cũng cảnh báo về khả năng xảy ra "chiến tranh nóng" nếu nhân viên hải cảnh Trung Quốc yêu cầu kiểm tra tàu của nước khác. Việc lên tàu và kiểm tra tàu nước khác là một nội dung trong luật hải cảnh mà Trung Quốc tự đưa ra.
"Đây là ngoại giao pháo hạm, khi mà nhân viên hải cảnh của họ được phép lên tàu của chúng ta. Họ không hài lòng với việc chỉ đâm vào tàu của chúng ta rồi bỏ mặc các tàu, và giờ họ còn sẵn sàng kiểm tra tàu nước ngoài", thượng nghị sĩ Gordon nói.
Ông đánh giá: "Nếu hải cảnh Trung Quốc bắt đầu yêu cầu kiểm tra các tàu khác, điều này có thể gây ra căng thẳng và dẫn tới 'chiến tranh nóng' vì tàu bè Úc, Mỹ, Anh, Pháp và các nước khác băng qua vùng biển này".
Theo The Philippine Daily Inquirer, một nhóm ngư dân Philippines đã thúc giục chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte lên án mạnh mẽ luật hải cảnh của Trung Quốc. Họ cho rằng luật này "gần như là lời tuyên chiến" chống lại các nước khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận