10/04/2020 09:55 GMT+7

Thủ tướng: 'Lò xo kinh tế' phải bật mạnh sau đại dịch COVID-19

ĐỨC BÌNH - NGỌC AN - LÊ KIÊN
ĐỨC BÌNH - NGỌC AN - LÊ KIÊN

TTO - Các bộ, ngành, địa phương cần đưa được cơ chế, chính sách, giải pháp mạnh mẽ đúng, trúng và triển khai quyết liệt để giải quyết việc làm, thúc đẩy nền kinh tế vượt mạnh, như cái lò xo bị nén bật mạnh ra để đuổi kịp thời gian.

Thủ tướng: Lò xo kinh tế phải bật mạnh sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Chủ trì hội nghị trực tuyến sáng 10-4, Thủ tướng mong muốn "lò xo kinh tế" phải bật mạnh sau đại dịch COVID-19-Ảnh: T.GIÁP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu này khi phát biểu khai mạc hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương sáng 10-4 để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Đây như một "hội nghị Diên Hồng" để khơi dậy quyết tâm, ý chí mạnh mẽ hơn cho 4 mặt trận ứng phó toàn diện với các tác động từ dịch COVID-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết mặc dù mức tăng trưởng kinh tế của chúng ta cao nhất khu vực trong quý I/2020 (3,82%), nhưng là mức thấp nhất trong 10 năm qua, chỉ bằng hơn nửa so với kế hoạch đề ra. 

Trong bối cảnh suy thoái được nhìn nhận còn nặng nề hơn cả năm 2008, chưa bao giờ các quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, nỗ lực vượt qua suy thoái như hiện nay, chúng ta đã có các "cú hích", gói hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực.

Cụ thể là gói hỗ trợ về tiền tệ (được nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (trên 62.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng)….

Thủ tướng nhận định dịch bệnh sẽ còn diễn biến khó lường, không được chủ quan. Dịch sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, phải có biện pháp mạnh mẽ để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Phải vươn lên mạnh mẽ, và nhiệm vụ của chúng ta là thực hiện nghiêm túc các giải pháp.

"Hội nghị cần đưa được cơ chế, chính sách, giải pháp mạnh mẽ đúng và trúng để giải quyết việc làm, thúc đẩy nền kinh tế vượt mạnh, như cái lò xo bị nén bật mạnh ra để đuổi kịp thời gian. Chính phủ sẽ có nghị quyết để tập trung tháo gỡ khó khăn. 

Tinh thần của Chính phủ là cần tập trung ngay vào các nhiệm vụ trước mắt ngay sau hội nghị. Việt Nam có một tương lai tốt nên cần nắm bắt để tương lai năm 2021, rồi các quý 2, 3, 4 năm nay chúng ta chuẩn bị tốt các điều kiện để bật dậy sau dịch"-người đứng đầu Chính phủ nêu quyết tâm.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh,ngành ngân hàng phải đồng hành với doanh nghiệp.

Các ngành, các cấp cần điều hành để đảm bảo kinh tế vĩ mô, tránh lạm phát. Không chỉ ngân hàng, mà các các địa phương, các ngành cần thực hiện hiệu quả các gói kích cầu. Bộ tài chính cần báo cáo về việc bố trí nguồn cho gói này. Các bộ, ngành cũng cần đề xuất các giải pháp, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, để hỗ trợ nền kinh tế phát triển.

Các địa phương, các ngành cũng cần có chính sách để đón đầu, thu hút đầu tư nước ngoài ngay sau dịch. Các tập đoàn, tổng công ty, các địa phương tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu cần giải ngân hết gần 700.000 tỷ đồng vốn của năm 2019 và cả 2020.

Ông cho rằng cần kiểm điểm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương không giải ngân, và cần chuyển vốn cho nơi khác.

Đối với gói hỗ trợ trên 62.000 tỷ đồng cho an sinh xã hội, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã có nghị quyết nên các địa phương cần thực hiện ngay để gói hỗ trợ đến tận người dân khó khăn một cách sớm nhất.

Yêu cầu bộ công an cần có kế hoạch, phương án cụ thể để đảm bảo an ninh trật tự, phối hợp các cơ quan để ngăn chặn nạn đầu cơ, tích trữ, cho vạy nặng lãi…

Báo cáo gửi đến hội nghị về nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh nhiều cảnh báo cho thấy dịch đã đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái.

Với Việt Nam, các ngành bị ảnh hưởng nặng như du lịch, vận tải, và các ngành dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa, dẫn tới nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ kinh doanh cá thể bị tác động lớn, khi doanh thu giảm mạnh từ 40-50%, trong khi gánh nặng chi phí ngày càng tăng.

Phần lớn các doanh nghiệp chỉ có khả năng cầm cự trong ngắn hạn: 35% doanh nghiệp có khả năng cầm cự trong 3 tháng; 38% doanh nghiệp có khả năng cầm cự trong 6 tháng…

Dự báo trong tháng 4, tháng 5 dịch bệnh còn phức tạp, ước khoảng 2 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm. Những tác động này sẽ tạo sức ép cho thị trường lao động, khiến tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao, có thể dẫn tới các vấn đề xã hội khác.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tổ chức quốc tế đánh giá, năm 2020 Việt Nam có thể không đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8%.

Đề xuất vay thêm 1 tỉ USD hỗ trợ ngân sách

Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cân đối nguồn lực đảm bảo chi ngân sách.

Cụ thể, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% công tác phí nước ngoài (riêng các cơ quan Trung ương dự kiến tiết kiệm được khoảng 600 - 700 tỷ đồng).

Triệt để tiết kiệm, trước mắt sử dụng khoảng 50% dự phòng của trung ương và địa phương, tập trung cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả dịch COVID-19, các nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Đối với các đề xuất từ một số tổ chức quốc tế cho Việt Nam vay hỗ trợ ngân sách, như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Bộ Tài chính cho biết đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đang đàm phán với các nhà tài trợ này để có điều kiện vay ưu đãi nhất, dự kiến có thể vay với chi phí thấp từ các tổ chức này khoảng 1 tỷ USD.

Theo quy định về thu chi ngân sách, sẽ báo cáo vấn đề này để Quốc hội có ý kiến. Trường hợp thực hiện vay thêm từ các tổ chức quốc tế thì trước mắt giảm tương ứng phần vay trong nước để đảm bảo thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.


Thủ tướng ký nghị quyết thông qua gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng Thủ tướng ký nghị quyết thông qua gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức ký nghị quyết về gói an sinh xã hội lên tới 62.000 tỉ đồng hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19.

ĐỨC BÌNH - NGỌC AN - LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên