26/04/2025 10:59 GMT+7

Thủ tướng họp bàn triển khai đường sắt cao tốc Bắc - Nam, chuẩn bị khởi công cuối năm 2026

Sáng 26-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính - trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt - chủ trì phiên họp thứ hai.

đường sắt - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đường sắt có vai trò quan trọng trong vận tải hành khách và hàng hóa, tuy nhiên thời gian qua phát triển đường sắt ít được quan tâm, phát triển chưa tương xứng với sự phát triển của đất nước.

Nhiều hạng mục cần triển khai, đòi hỏi quyết tâm lớn

Thủ tướng cho rằng phát triển đường sắt có nhiều khâu, phần việc, hạng mục với mức đầu tư lớn. Thời gian có hạn, công việc nhiều, đòi hỏi cao, trong khi sự hiểu biết và năng lực công nghệ chưa cao. Vì vậy để thực hiện dự án đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, xác định trọng tâm, trọng điểm.

Phát triển đường sắt cũng liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương. Do đó Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo để các bộ, ngành, địa phương, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phối hợp triển khai.

Ngay sau khi thành lập vào tháng 3-2024, Ban Chỉ đạo đã họp phiên thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ đã giao 24 nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương, tập trung vào tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án.

Với khí thế của những ngày tháng 4 lịch sử cách đây 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị "thần tốc, thần tốc hơn nữa; tạo bạo, táo bạo hơn nữa".

đường sắt - Ảnh 2.

Thủ tướng chủ trì phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Triển khai nhiều hạng mục để khởi công cuối năm 2026

Trước đó, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 106 về kế hoạch triển khai nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Dự án sẽ là tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với tổng chiều dài khoảng 1.541km, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa.

Nghị quyết đã đưa ra các mốc thời gian cụ thể. Bao gồm: Tổ chức lựa chọn các nhà thầu tư vấn để thực hiện công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thực hiện các công việc liên quan, trình Thủ tướng vào tháng 8-2026.

Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định, trình Thủ tướng quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trong tháng 9-2026.

Các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình đường điện bị ảnh hưởng, cơ bản hoàn thành trước tháng 12-2026 để bàn giao mặt bằng.

Tổ chức lựa chọn nhà thầu giai đoạn thực hiện dự án, ký kết hợp đồng và đảm bảo các điều kiện để khởi công xây dựng trước ngày 31-12-2026. Triển khai thi công xây dựng, mua sắm, lắp đặt thiết bị, cơ bản hoàn thành dự án đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2035.

Kết luận tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các cơ quan, địa phương, trong đó có Bộ Xây dựng, Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM chủ động, tích cực triển khai công việc.

Để thực hiện các nhiệm vụ và đảm bảo tiến độ, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, các tuyến đường sắt tại Hà Nội và TP.HCM.

Tinh thần là vừa phải triển khai công việc trước mắt, vừa phải triển khai các công việc lâu dài, xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, đào tạo nhân lực… Việc này nhằm đảm bảo, không thay đổi mục tiêu phải khởi công dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025 và khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2026.

Trong đó, cần đa dạng các nguồn vốn, gồm vốn tự có của Trung ương, địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu của Chính phủ và doanh nghiệp, hợp tác công tư…Các Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thiện nghị quyết thống nhất các cơ chế đặc thù cho tất cả dự án đường sắt, trình Chính phủ trong tháng 4 và trình Quốc hội trước ngày 5-5.

Thủ tướng họp bàn triển khai đường sắt cao tốc Bắc - Nam, chuẩn bị để khởi công cuối năm 2026 - Ảnh 4.Cao tốc Bắc - Nam có 11 trạm dừng nghỉ phục vụ trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5

Cục Đường bộ Việt Nam cho biết có 11 trạm dừng nghỉ, trạm tạm phục vụ nhu cầu thiết yếu khi người dân đi lại trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Hà Nội đến TP.HCM dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên